Thị trấn Thanh Thủy (Phú Thọ): Xây dựng mô hình điểm thực hiện Quyết định 81
(KNTC)- Năm 2017, Hội Nông dân thị trấn Thanh Thủy (huyện Thanh Thủy) được Trung ương Hội chọn xây dựng mô hình chỉ đạo điểm “Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội”.
Ủy ban nhân dân thị trấn ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng mô hình gồm 7 người, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban; Chủ tịch Hội Nông dân xã làm Phó ban thường trực và đại diện một số ban, ngành. Hội còn tham mưu với UBND thị trấn ra quyết định thành lập 02 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” với 100 thành viên tham gia; bầu Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ gồm lãnh đạo Hội Nông dân, tư pháp và một số đồng chí Chi Hội trưởng nông dân làm thành viên; xây dựng Quy chế hoạt động của Câu lạc bộ; mỗi chi, tổ Hội thành lập nhóm cộng tác viên tham gia Câu lạc bộ.
Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” sinh hoạt mỗi tháng một lần để trao đổi thông tin tình hình thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án ở địa phương; phản ánh tình hình thực hiện dân chủ ở cơ sở; tình hình thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp trên địa bàn dân cư; tham gia tuyên truyền phổ biến pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh của xã; tình hình thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp trên địa bàn; tìm hiểu, nắm bắt các mâu thuẫn, vướng mắc pháp luật và tham gia cùng các tổ hòa giải của địa phương tuyên truyền, vận động, tư vấn kiến thức pháp luật cho các đối tượng, giúp hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ nông dân ngay tại các thôn, làng.
Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về kiến thức pháp luật, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; pháp luật về quản lý, sản xuất kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp cho cán bộ, hội viên, nông dân để họ có thể vận dụng các kỹ năng được trang bị vào thực tiễn công tác tại cơ sở.
Các nhóm cộng tác viên ở các khu dân cư trực tiếp tìm hiểu nắm bắt các mâu thuẫn, vướng mắc pháp luật và tham gia cùng các tổ hòa giải, tuyên truyền, vận động, tư vấn kiến thức pháp luật cho các đối tượng giúp hòa giải các mâu thuẫn trong nông dân ngay tại các chi, tổ Hội.
Hội Nông dân thị trấn phối hợp với chính quyền tham gia tiếp nông dân và tham gia các buổi đối thoại để giải quyết khiếu kiện của nông dân; giám sát việc thực hiện và vận động nông dân thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hội chủ động cử đại diện tham gia Ban quản lý các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng nhất là các dự án có liên quan đến quyền, lợi ích của nông dân. Tham gia giám sát, đóng góp ý kiến vào các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế- xã hội, chính sách liên quan đến đền bù, thu hồi đất của nông dân, kịp thời có chính kiến để bảo vệ quyền lợi của hội viên, nông dân.