Hội Nông dân Việt Nam: Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn
14:55 - 20/07/2016
(KNTC)- Từ năm 2013 đến nay, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã chỉ đạo các cấp Hội tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho nông dân; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo và hòa giải ở cơ sở nhất là những nơi còn nhiều khiếu nại, tố cáo của nông dân.

ảnh minh họa
Công tác tuyên truyền pháp luật về khiếu nại, tố cáo thông qua các phương tiện thông tin đại chúng của Hội được chú trọng. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc phổ biến pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; công tác tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân của các cấp Hội; vận động nông dân thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo; tham gia hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nông dân, nông thôn; đánh giá, kiến nghị những tác động của việc thu hồi, đền bù về đất nông nghiệp. Đến nay Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của Hội được 1180 tin, bài; trên Báo Nông thôn ngày nay được 900 tin, bài, phóng sự  và 120 bài viết, nghiên cứu trên Tạp chí Nông thôn mới.

Bên cạnh đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam còn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến, tư vấn pháp luật trên Đài Truyền hình Việt Nam qua chuyên mục “Hỏi - đáp chính sách pháp luật” thực hiện được 60 số; phối hợp xây dựng chuyên mục “Phổ biến pháp luật cho nông dân” được 36 số, nội dung chuyên mục chủ yếu tư vấn giải đáp các đơn thư yêu cầu của cán bộ, hội viên nông dân, đồng thời phổ biến các chính sách, văn bản pháp luật của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Hàng năm, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đều biên soạn, in ấn, phát hành Sổ tay Phổ biến pháp luật cho nông dân dưới hình thức hỏi – đáp; tờ gấp phổ biến pháp luật. Qua đó  giới thiệu pháp luật về khiếu nại, tố cáo, hòa giải, đất đai và một số tình huống pháp luật thường xảy ra mâu thuẫn, xung đột trong đời sống nông dân. Từ năm 2013 đến nay, Trung ương Hội đã biên soạn được 08 cuốn sổ tay phổ biến pháp luật với lượng in ấn gần 50.000 cuốn, 40 loại tờ gấp; phát hành miễn phí đến 63 tỉnh, thành Hội làm tài liệu tuyên truyền, sinh hoạt Câu lạc bộ nông dân với pháp luật, sinh hoạt chi, tổ Hội.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Hội Nông dân 41 tỉnh, thành phố tổ chức được 82 lớp tập huấn pháp luật về khiếu nại, tố cáo, pháp luật về hòa giải và một số kỹ năng công tác hòa giải, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kỹ năng về tổ chức, điều hành hoạt động Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”… cho 7380 học viên là cán bộ, hội viên, nông dân, cộng tác viên, tuyên truyền viên  Câu lạc bộ của Hội Nông dân các xã, phường, thị trấn.

Bên cạnh đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp, hướng dẫn lựa chọn 47 cơ sở có những mâu thuẫn, vướng mắc trong nông dân hoặc tiềm ẩn những mâu thuẫn sẽ phát sinh khi địa phương thực hiện các dự án thu hồi, đền bù về đất nông nghiệp làm các khu công nghiệp, các công trình giao thông, công trình dân sinh… để xây dựng mô hình điểm “Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội”.

Tại các mô  hình điểm, các cấp Hội đã tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về khiếu nại, tố cáo, về nghiệp vụ công tác hòa giải ở cơ sở, một số kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nông dân được 329 lớp với 19.720 học viên là cán bộ, hội viên, nông dân và cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật thuộc các Tổ hòa giải, các CLB “Nông dân với pháp luật” tại các xã điểm; thành lập và duy trì sinh hoạt hàng tháng 47 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” với tổng số 2.350 thành viên tham gia; Thành lập mới được 470 nhóm nòng cốt gồm những người có hiểu biết pháp luật, nhiệt tình, có kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng để tham gia các Tổ hòa giải, các CLB tại địa phương; duy trì các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” có nội dung thiết thực với nông dân; cùng với chính quyền tham gia đối thoại, giải thích chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về khiếu nại, tố cáo, về chính sách đất đai cho nông dân tại các cơ sở còn nhiều mâu thuẫn, vướng mắc về thu hồi, đền bù đất nông nghiệp, về thực hiện chính sách sử dụng đất đai của địa phương khi được yêu cầu; Tham gia hòa giải được hơn 500 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nông dân về tranh chấp lối đi, thắc mắc đền bù, tái định cư, không để xảy ra khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo kết hợp tăng cường sự tham gia của các cấp Hội Nông dân trong công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần giảm bớt khiếu nại, tố cáo sai, vượt cấp góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị trên  địa bàn nông thôn.
 
Hà Phương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp