Đồng Tháp: Tuyên truyền thực hiện pháp luật quản lý sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp cho cán bộ, hội viên, nông dân.
Trong những năm qua việc thực hiện Quyết định 217, 218 đã từng bước phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; có sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân, nhất là người đứng đầu trong công tác giám sát, phản biện xã hội và đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Cùng với đó là sự lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp trách nhiệm của chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị xã hội đã phát huy vai trò, chức năng của tổ chức chính trị, xã hội; tăng cường công tác giám sát, phản biện góp phần quan trọng vào việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở…
Từ đầu năm 2016 đến nay Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch tuyên truyền thực hiện Quyết định 217 rộng khắp tại các cơ sở Hội. Kết quả: các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền thông qua lồng ghép sinh họat ở chi, tổ Hội được 1789 cuộc, có 53.671 hội viên, nông dân dự; Tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức công tác tuyên truyền pháp luật và phương pháp giám sát thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp cho 154 cán bộ chủ chốt cấp huyện và cơ sở.
Bên cạnh việc tuyên truyền, tổ chức tập huấn, tỉnh Hội đã cấp phát 360 bộ tài liệu cho Hội Nông dân cấp huyện và cơ sở (trong đó có 200 chi Hội được chọn điểm để tuyên truyền, nội dung tài liệu gồm: Sổ tay về Một số kiến thức về phân bón vô cơ; Hướng dẫn chính quyền địa phương trong việc quản lý buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; Hướng dẫn một số biện pháp đơn giản để nhận biết phân bón giả, phân bón kém chất lượng (vô cơ, hữu cơ); Một số biện pháp để nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng về thức ăn thủy sản và sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản.
Công tác phối hợp với các Sở, ngành địa phương để triển khai thực hiện Quy chế giám sát theo Quyết định 217 của Bộ chính trị đã được Hội Nông dân tỉnh chủ động phối hợp, kịp thời tham mưu cho tỉnh ủy, UBND tỉnh phối hợp thực hiện chú trọng các lĩnh vực mang tính khả thi cao: Năm 2014, Phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân Tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề về vai trò của nông dân trong việc xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh, tại xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười; xã Phú Đức, huyện Tam Nông; xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành, có 351 cử tri tham dự. Các cấp Hội vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tham dự các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, tham dự các buổi đối thoại trực tiếp với Bí thư cấp ủy huyện, thị, thành phố về xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Qua đó, đã có nhiều ý kiến, tham gia góp ý xây dựng các chủ trương, chính sách, pháp luật và kiến nghị, phản ánh tâm tư nguyện vọng, những bức xúc của hội viên, nông dân với Đảng, chính quyền về các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tham gia góp ý kiến văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Kết quả có 367 cuộc, với 13.926 lượt hội viên nông dân tham dự.
Năm 2015, tham gia cùng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Tỉnh giám sát tình hình triển khai thực hiện chính sách nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ (giai đoạn 1); giám sát mức độ hài lòng của người dân đối với hành chính công và tình hình thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đối với một số huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời tham gia giám sát việc xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình phúc lợi tại địa phương.
Là một tỉnh có dân số làm nông nghiệp tương đối cao, trong năm qua Đồng Tháp đã triển khai công tác giám sát trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp có trọng điểm nhất là các vùng chuyên canh cây nông nghiệp, các địa bàn tập trung kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp.Thực hiện Chương trình phối hợp, giám sát thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, Hội Nông dân Tỉnh phối hợp với Trung ương Hội, Trung tâm khảo nghiệm phân bón vùng Nam Bộ, Sở Nông nghiệp - PTNT, Sở Công thương và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Tỉnh giám sát và lấy 28 mẫu phân bón trên địa bàn 03 huyện Thanh Bình, Cao Lãnh và Tháp Mười.
Qua 02 năm thực hiện các Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI), nhìn chung Hội Nông dân các cấp trong tỉnh, đã tập trung triển khai, tuyên truyền, quán triệt, tổ chức nghiêm túc việc học tập và ban hành các văn bản để triển khai thực hiện. Kết quả bước đầu đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân trong việc thực hiện Quy chế, Quy định về giám sát, phản biện xã hội và tổ chức cho các cấp Hội tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức, phương pháp, cách làm, linh hoạt trong công tác tham mưu, chỉ đạo; xây dựng Chương trình phối hợp với các Sở, ngành liên quan để thực hiện nội dung giám sát. Đồng thời, lựa chọn những công việc có trọng tâm, trọng điểm, các nội dung giám sát, phản biện xã hội gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh và những vấn đề được đông đảo nhân dân quan tâm, tình hình kinh doanh mua bán, sử dụng phân bón vô cơ, hữu cơ kém chất lượng… Qua giám sát, đã có những kiến nghị xác đáng, kịp thời đề xuất điều chỉnh những quy định đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn đời sống xã hội; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.