Đồng bào công giáo tích cực sản xuất, giữ vững an ninh thôn xóm
16:45 - 16/05/2016
(KNTC)- Năm năm qua, đồng bào Công giáo cả nước đã có nhiều hoạt động thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015. 
Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng khen cho các cá nhân công giáo tiêu biểu. (Ảnh QĐ)


Trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng bào Công giáo hăng hái tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nhiều khu dân cư Công giáo đã trở thành những khu dân cư điển hình tiên tiến xuất sắc trong phát triển kinh tế.

 
Nhiều gia đình Công giáo đã trở thành những tấm gương tiêu biểu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng động trong kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình... góp phần nâng cao đời sống và làm giàu cho xã hội. Nhiều vị linh mục, tu sĩ là những gương sáng trong cuộc sống đạo – đời, trong lao động sản xuất và xây dựng quê hương đất nước, xây dựng giáo xứ, giáo họ và khu dân cư giàu đẹp.
 


Tận dụng thế mạnh và điều kiện tự nhiên ở mỗi địa phương, giáo dân đã lựa chọn cách thức phát triển kinh tế phù hợp như: hộ gia đình bà Anna Nguyễn Thị Liên, xã Đại Xuân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, quy hoạch 3 ha để nuôi cá thâm canh, thu hoạch được 30 tấn cá các loại thu lãi 400 triệu đồng/năm; hộ gia đình ông Đaminh Hoàng Văn Định, Trưởng ban hành giáo, giáo xứ Nhật Hà, thuộc giáo xứ Quảng Phúc, huyện Đăk G’long, tỉnh Đăk Nông kết hợp mô hình chăn nuôi với trồng cây cà phê mỗi năm thu lãi 550 triệu đồng; hộ gia đình ông Giuse Phạm Đăng Khuyến, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thánh Hóa, tỉnh Ninh Bình đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 500 lao động với mức lương bình quân từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng.


 
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, bà con giáo dân cũng rất năng động chế tạo sản phẩm, tìm thị trường để phát triển nghề phụ, ngành nghề truyền thống tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định từ 3 triệu đồng đến 10 triệu đồng/tháng, tiêu biểu như: Bà Maria Đinh Thị Lương, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam; bà Vũ Thị Yến, phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng; Linh mục Martinô Nguyễn Hoàng Hôn, Chánh sở họ đạo Cái Rắn, xã Phú Hưng, Cái Nước, tỉnh Cà Mau; ông Phêrô Trần Thái Hiệp, thành phố Cần Thơ; ông Gioan Nguyễn Văn Sinh, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Đặc biệt, mô hình Hợp tác xã Hiệp Nhất do Linh mục Phaolô Dương Công Hồ, Trưởng ban Đoàn kết Công giáo huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng làm Chủ nhiệm duy trì ổn định công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, trong đó có nhiều lao động là người dân tộc thiểu số.


 
Ông Trần Văn Kiều, Chủ tịch Hội đồng sáng chế trẻ tỉnh Nam Định, Giám đốc Công ty TNHH Tân Phú ở Xuân Tiến, Xuân Trường, tỉnh Nam Định đã sáng chế sản phẩm “lò đốt rác xử lý khí”. Hiện nay, sản phẩm lò đốt rác xử lý khí này đã nhân rộng ra trên địa bàn trong và ngoài tỉnh có 75 lò.


 
Trong lĩnh vực phát triển dịch vụ, đồng bào Công giáo đã khẳng định được ưu thế trong việc giao thương các sản phẩm hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp do người Công giáo làm chủ tại các giáo xứ, họ đạo, dòng tu có xu hướng phát triển, làm ăn hiệu quả, trong đó phải kể đến một số doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Ninh Bình...


 
Ở Đăk Nông, xưởng cưa mộc dân dụng Khánh Công tạo việc làm cho hàng trăm công nhân, thu nhập bình quân từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghệp tư nhân chế biến nông sản Tất Thắng đã giải quyết việc làm cho 200 lao động với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Bên canh đó, người Công giáo còn đoàn kết chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh giúp nhau thoát nghèo bằng nhiều hình thức như: cho vay vốn không tính lãi, hỗ trợ giúp đỡ về giống mới, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản.

 
 
Phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được các linh mục, hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ, cộng đoàn giáo dân tích cực hưởng ứng, nhiều địa phương bà con đã tự nguyện đóng góp hàng chục tỷ đồng và hàng trăm ngàn ngày công, hiến đất, nguyên vật liệu, tự nguyện bàn giao mặt bằng làm đường giao thông nông thôn góp phần cho diện mạo quê hương xứ, họ ngày càng khang trang sạch đẹp.
 

 
Điển hình như ở tỉnh Đồng Nai, bà con giáo dân tích cực góp sức người, sức của, làm mới, sửa chữa, nâng cấp đường, nạo vét cống rãnh, xây dựng, sửa chữa cầu với tổng số tiền trên 107 tỷ đồng, dẫn dầu là các giáo họ Xuân Lộc trên 15 tỷ đồng, An Bình trên 14 tỷ đồng, Hòa Thanh 13 tỷ đồng góp phần xây dựng huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh đạt chuẩn huyện nông thôn mới đầu tiên trong cả nước.


 
Các linh mục ở tỉnh Cà Mau kêu gọi ân nhân trong và ngoài nước xây dựng hàng trăm cầu bê tông trị giá mỗi cây từ 30 đến 80 triệu đồng. Bà con giáo dân tỉnh Hà Nam tự nguyện hiến 16.892,88 m2 đất trị giá khoảng 13 tỷ đồng để làm đường giao thông.
 


Ở tỉnh Nghệ An, bà con giáo dân hiến 25.478 m2 đất, 1.470 m tường bao, tháo dỡ nhiều công trình phụ, chặt hạ nhiều cây lâu năm, ủng hộ 2.310 ngày công, đóng góp 2,84 tỷ đồng xây dựng đường giao thông theo tiêu chí nông thôn mới. Bà con giáo dân ở các giáo xứ tỉnh Đăk Nông như: Vinh An, Xã Đoài, Vinh Hương, Bác Ái, Đức Hạnh, Thổ Hoàng, Xuân Lộc, Thánh Mẫu, Vô Nhiễm... góp hàng chục tỷ đồng, hàng ngàn ngày công để cùng với chính quyền địa phương xây dựng đường cấp phối, bê tông hóa đường nội thôn, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại dễ dàng và phục vụ sản xuất.
 


Cũng trong 5 năm qua, các vị linh mục, đồng bào Công giáo ở tp. Hà Nội, Bắc Giang, Lâm Đồng, Nam Định, Đà Nẵng, Tiền Giang… tích cực tham gia nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức an ninh – quốc phòng, tìm hiểu về Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
 


Ngoài việc tham gia nhiệt tình công tác giáo hội, người Công giáo còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Tại một số xã, phường, thị trấn đảng viên người Công giáo được tín nhiệm giữ chức vụ chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền, hội đồng nhân dân ở khu dân cư. Nhiều giáo dân tích cực tham gia các vị trí như trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, ban công tác mặt trận, ban thanh tra nhân dân, tổ hòa giải, các tổ chức đoàn thể quần chúng như: Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Hội  phụ nữ, Hội người cao tuổi.


 
Ngày càng có nhiều cán bộ, đảng viên người Công giáo được tín nhiệm giữ các cương vị lãnh đạo của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương.


 
Trên mặt trận phòng chống tệ nạn xã hội, đồng bào Công giáo đã tích cực tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong các buổi rao giảng tại nhà thờ, thậm chí một số linh mục còn đến tận nhà gia đình có người mắc tệ nạn xã hội để răn bảo, vận động bà con giáo dân ngăn ngừa, phòng chống các tệ nạn xã hội.


 
Vì vậy, các tệ nạn như: Say rượu, cờ bạc, hút chích ở các xứ, họ đạo thường rất ít, nhiều nơi hầu như không có. Tấm gương tiêu biểu cho phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc là: Linh mục Nguyễn Tấn Đạt ở Cà Mau, ông Nguyết Quyết Tiến ở Phú Thọ, ông Nha Tấn Hiệp ở Vĩnh Long.


 
Ngoài ra, các linh mục, tu sĩ và giáo dân tích cực tham gia tìm hiểu, góp ý vào một số dự án luật trong quá trình xin ý kiến đóng góp của người dân như: Luật Khiếu nại Tố cáo, Luật Giao thông, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Đất đai, Luật Nghĩa vụ Quân sự, dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo… Nhiều ý kiến góp ý vào các dự thảo luật được cơ quan soạn thảo tiếp thu.


 
Phong trào thi đua yêu nước trên của đồng bào Công giáo Việt Nam là  minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước và truyền thống đoàn kết, gắn bó đồng hành của đồng bào Công giáo Việt Nam.

Thủy Liên
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp