Lạng Sơn: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về cơ sở.
Để công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo tập trung tuyên truyền lồng ghép thông qua hội thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền miệng thông qua tổ chức hội nghị chuyên đề, hội nghị lồng ghép phổ biến pháp luật; phổ biến pháp luật thông qua tủ sách pháp luật; thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở; thông qua hoạt động của Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”; thông qua trợ giúp pháp lý và phát hành tài liệu pháp luật.
Năm 2015, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tuyên truyền 4.054 cuộc cho 200.690 lượt người nghe, đạt trên 100% kế hoạch đề ra. Qua tuyên truyền đã giúp cho hội viên, nông dân nắm rõ hơn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, về an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Việc lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng đã được Hội Nong dân các cấp xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đề ra tiêu chí để tuyên truyền hiệu quả. Cụ thể, đối với vùng thấp, dân trí cao hơn thì đi sâu vào tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lồng ghép tuyên truyền chương trình xây dựng nông thôn mới. Đối với các thôn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tập trung tuyên truyền người dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, định canh định cư, ổn định sản xuất, xoá đói, giảm nghèo. Vận động nhân dân đưa giống mới vào sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tuyên truyền không thả rông gia súc, vệ sinh đường làng ngõ xóm, xây dựng thôn, bản văn hoá.
Tại cơ sở Hội, tủ sách Chi hội nông dân tiếp tục được duy trì và nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu chính sách, pháp luật của hội viên, nông dân. . Hiện nay 159 xã, phường, thị trấn có hơn 100 tủ sách được đặt tại nhà riêng chi Hội trưởng hoặc hộ gia đình hội viên để tiện sinh hoạt, hội họp. Ngoài những đầu sách do Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ; trong năm qua, Hội Nông dân các huyện đã phối hợp với Thư viện thông qua công tác luân chuyển đầu sách. Hàng năm, một số sách pháp luật và các loại tờ gấp về thủ tục hành chính, các quy định pháp luật gắn liền với đời sống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn nông thôn và được vận dụng hiệu quả trong công tác hòa giải cơ sở.
Định kỳ hàng tháng, Hội Nông dân tỉnh nhận tờ bản tin tư pháp từ Sở tư pháp cập nhật để cấp phát cho các xã cơ sở và Chi, Tổ hội…kịp thời giúp hội viên, nông dân cập nhật thông tin về các nội dung cơ bản liên quan đến pháp luật đời sống.
Điểm nhấn nổi bật nhất trong đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật đến người dân vùng cao là công tác trợ giúp pháp lý ở Lạng Sơn đã được tập trung thông qua việc mở rộng mạng lưới tổ hòa giải cơ sở và đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý tại các xã, thị trấn. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát triển được 2.323 tổ hòa giải ở thôn, bản với 1.228 hòa giải viên.
Các tổ hòa giải đã tham gia hòa giải 100% việc phát sinh, trong đó tỷ lệ hòa giải thành công thường xuyên đạt trên 80%. Qua đó đã giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp và vi phạm pháp luật nhỏ trong cộng đồng dân cư, góp phần củng cố tình làng nghĩa xóm và ổn định chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn.
Bên cạnh đó, xuất phát từ những đặc điểm riêng của một tỉnh miền núi biên giới, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân vùng cao, tỉnh Lạng Sơn đã chú trọng phát huy tốt vai trò của đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm Sở Tư pháp phối hợp cùng Ban Dân tộc và các cơ quan chức năng trên địa bàn tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ người có uy tín của tỉnh. Ngoài những nội dung như Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống ma túy…, người có uy tín còn được bồi dưỡng những kiến thức về công tác dân tộc, tôn giáo; biện pháp bảo đảm an ninh trật tự.
Với những việc làm cụ thể, công tác giáo dục pháp luật đã nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và người dân trong toàn huyện. Đây là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và ổn định trật tự ở địa phương./.