Bình Thuận: Tuyên truyền, phổ biến và vận động chấp hành pháp luật ở nông thôn
10:20 - 14/07/2016
(KNTC)- Thực hiện Tiểu Đề án 3 “Huy động sự tham gia của nông dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động chấp hành pháp luật ở nông thôn” thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp với từng địa bàn, từng vùng đã phổ biến, giáo dục pháp luật đến với nhiều hội viên, nông dân.

ảnh minh họa
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được tiến hành thường xuyên và rộng khắp hơn với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng và luôn được cải tiến, thay đổi phù hợp cho từng đối tượng, từng vùng, từng thời điểm đã tạo sự chuyển biến nhất định trong việc nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên, nông dân, nhất là đồng bào nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có trên 60% hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh, 100 % cán bộ các cấp Hội, trên 80% cán bộ chủ chốt của Hội ở cơ sở, đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên của Hội được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền.

Hội Nông dân các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với ngành Tư pháp, Mặt trận, các đoàn thể, các ngành chức năng tích cực phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực, đa dạng gắn với các hoạt động Hội như: Phối hợp tổ chức Hội thi “Hòa giải viên cơ sở giỏi”, Hội thi “Nông dân với công tác bảo vệ môi trường”, Hội thi “Nông dân với An toàn giao thông”, Hội thi “Nhà nông đua tài” bản tin Nông dân tỉnh, trang Web của Hội Nông tỉnh... sinh hoạt chi, tổ Hội, tập huấn bồi dưỡng cán bộ Hội, sinh hoạt các Câu lạc bộ  “Nông dân với pháp luật”...

Hội Nông dân các cấp thành lập 34 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” đi vào hoạt động ngày càng mang lại hiệu quả. Qua hoạt động của câu lạc bộ, nông dân đã được cung cấp, tiếp cận các kiến thức pháp luật cơ bản, liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ, đến đời sống, sản xuất của hội viên, nông dân thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, đa dạng và phù hợp góp phần nâng cao nhận thức pháp luật tạo chuyển biến thành hành vi thực hiện và chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên, nông dân, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương, gìn giữ khối đại kết đoàn kết toàn dân, hạn chế tình trạng khiếu nại đông người, vượt cấp, tranh chấp kéo dài.

Mặc khác, Hội Nông dân tỉnh đã phát nhiều bản tin, tờ rơi, bướm, tài liệu pháp luật liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trang tin điện tử Hội Nông dân tỉnh; trên loa phóng thanh ở địa phương; xây dựng và khai thác 150 Tủ sách pháp luật, trong đó 110 Tủ sách thuộc xã, phường, thị trấn; 20 Tủ sách ở thôn, tổ dân phố. Trung bình mỗi tủ sách được trang bị từ 150 đến 250 đầu sách như Sách hỏi-đáp pháp luật, Tìm hiểu pháp luật, Đề cương pháp luật, công báo, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, địa phương…

Trong ba năm qua, Hội đã phối hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật được 10.189 cuộc cho 534.295 lượt hội viên, nông dân; trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật 40 đợt cho 1.261 hội viên, nông dân tham dự; Hội còn phối hợp củng cố, kiện toàn 987 tổ hòa giải ở thôn, khu phố, 127 hội đồng hòa giải ở xã, phường, thị trấn; Hội Nông dân các cấp đã tham gia hòa giải thành 3.232 vụ mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ nông dân.

Việc huy động sự tham gia của nông dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động chấp hành pháp luật ở nông thôn đã góp phần nâng cao kiến thức về pháp luật cho nông dân nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, hội viên, nông dân; thực hiện tốt các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của Hội; tạo thành phong trào sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong hội viên, nông dân góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị ở nông thôn. 
Thu Hà
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp