Cà Mau: tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 409.430 lượt cán bộ, hội viên, nông dân
Phối hợp với các ban, ngành chức năng, hàng năm Hội Nông dân tỉnh Cà Mau không ngừng đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng Kế hoạch thực hiện và chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện đến các cơ sở Hội.
Các cấp Hội Nông dân tỉnh Cà Mau đã sáng tạo vận dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo từng địa bàn, đối tượng, tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật đến tận ấp, bản thu hút được sự quan tâm của nông dân. Trong 3 năm qua (2013-2015), các cấp Hội đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý được 409.430 lượt người về các văn bản pháp luật liên quan thiết thực đến người dân như Luật đất đai, Luật bảo vệ, phát triển rừng; Luật bảo vệ môi trường; chính sách giao đất giao rừng; chính sách tín dụng; Luật phòng chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Luật hợp tác xã; phòng chống tội phạm; Luật hôn nhân gia đình; Luật bình đẳng giới; Luật giao thông đường bộ; Luật giao thông đường thủy nội địa; thực hiện quy chế dân chủ, xây dựng gia đình văn hóa, khóm - ấp văn hóa.
Đặc biệt, các cấp Hội đã tổ chức trên 315 cuộc tuyên truyền cho gần 3.650 lượt người về các nội dung: Chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn và các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020”.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhìn chung cán bộ, hội viên, nông dân có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức trong việc thực hiện nghị quyết của Đảng, chấp hành pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.
Nhằm phát huy thế mạnh của mỗi ban, ngành kết hợp nhiều hình thức phong phú tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Hội Nông dân tỉnh tăng cường năng lực, kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ Hội thông qua các lớp tập huấn, trong năm đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ công tác Hội cho 750 cán bộ. Các huyện, thành Hội phối hợp bồi dưỡng lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ công tác Hội cho 6.258 cán bộ hội viên, nông dân. Các lớp tập huấn của tỉnh, huyện về phổ biến, giáo dục pháp luật với 24 lớp về tuyên truyền phòng chống tội phạm mại dâm, ma túy, 09 lớp phổ biến về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Hội đã tổ chức xây dựng được trên 100 mô hình Dân vận khéo. Nhiều mô hình Dân vận khéo do Hội Nông dân các cấp trực tiếp hướng dẫn thực hiện góp phần không nhỏ vào việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân nói chung, hội viên nông dân nói riêng, củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn dân cư, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Một hoạt động phổ biến pháp luật được chú trọng tổ chức đó là thông qua sinh hoạt “Câu lạc bộ nông dân với pháp luật”. Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh đã thành lập thêm 02 câu bộ nông dân với pháp luật về “Tuyên truyền vận động hội viên, ngư dân không đánh bắt thủy sản xâm phạm lãnh hải nước ngoài” tại khóm 8, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời và tại thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân. Đây là những địa chỉ cho bà con ngư dân trao đổi tâm tư, nguyện vọng, nhận thức về việc tuân thủ các quy định hàng hải quốc tế và của Việt Nam đồng thời đưa ra những kiến nghị về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với ngư dân...
Thực hiện Chương trình phối hợp, Ban Thường vụ tỉnh Hội chỉ đạo các huyện, thành Hội và cơ sở tiếp tục Cuộc vận động “Hội viên nông dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông”, vận động cán bộ, hội viên, nông dân làm nòng cốt, gương mẫu tuyên truyền và thực hiện phong trào “Hãy nói không với tai nạn giao thông”. Kết quả đã có 9/9 huyện, thành Hội phối hợp triển khai đến 100% cơ sở Hội. Tổ chức tuyên truyền 262 cuộc cho hơn 8.900 lượt hội viên nông dân, vận động 6.221 hội viên nông dân đăng ký cam kết thực hiện không vi phạm các quy định về an toàn giao thông.
Như vậy, với thực tế còn nhiều khó khăn nhưng các cấp Hội Nông dân tỉnh Cà Mau với tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, tích cực phối hợp, lồng ghép các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật, tạo nền móng cho việc phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, hội viên, nông dân./.