Tuyên truyền phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cho 584.995 lượt người
(KNTC)- Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã chủ động xây dựng kế hoạch lồng ghép công tác phổ biến giáo dục pháp luật với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành, tích cực phổ biến, tuyên truyền các văn bản mới tập trung vào các lĩnh vực như: An toàn giao thông, môi trường, đất đai, hôn nhân gia đình, khiếu nại, tố cáo ... ban hành hướng dẫn các cấp Hội triển khai thực hiện luật phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).
|
Hội ND Nghệ An tuyên truyền pháp luật cho hội viên, nông dân (Ảnh minh họa) |
Hội Nông dân tỉnh xây dựng hướng dẫn Hội Nông dân cấp dưới tổ chức ngày pháp luật bằng hình thức tuyên truyền, treo băng rôn theo chủ đề của Trung ương Hội hướng dẫn, đồng thời báo cáo kết quả thực hiện ngày pháp luật về tỉnh Hội.
Nội dung PBGDPL thường được thực hiện bằng các hình thức như tuyên truyền qua Tập san Tiếng nói nhà nông, qua loa đài truyền thanh xã, tổ chức tuyên truyền qua tập huấn công tác Hội, các cuộc thi bằng hình thức viết hoặc sân khấu hóa đến với hội viên nông dân; tuyên truyền qua hội nghị cán bộ Hội các cấp, thông qua sinh hoạt định kỳ của chi hội để công tác giáo dục pháp luật đến tận hội viên nông dân, thành lập câu lạc bộ nông dân với pháp luật, tập huấn tuyên truyền PBGDPL.
Cách làm hiệu quả nhất đó là thông qua hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ nông dân với pháp luật. Từ năm 2013-5/2016, Hội đã phối hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý được 584.995 lượt người. Thành lập mới 01 CLB Nông dân với pháp luật, tập huấn phổ biến giáo dục pháp luật với 720 người tham gia và kiện toàn tổ chức, duy trì hoạt động 3 câu lạc bộ.
Đội ngũ mạng lưới cán bộ làm công tác PBGDPL được hoạt động kiêm nhiệm, lồng ghép. 100% cán bộ chuyên trách cấp huyện và cơ sở đều là những tuyên truyền viên.
Công tác PBGDPL cho hội viên và nông dân của Hội nói chung có những chuyển biến đáng kể, nhận thức pháp luật của nông dân từng bước được nâng lên và đã dần đi vào nề nếp, nội dung PBGDPL được lựa chọn phù hợp với đối tượng, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương. Nhiều nội dung pháp luật đã đến với hội viên nông dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đã sử dụng các hình thức tuyên truyền pháp luật phù hợp đưa pháp luật đến với hội viên nông dân. Góp phần hạn chế được tình trạng vi phạm pháp luật, hạn chế tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.
Với trách nhiệm là một thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Tuyên truyền PBGDPL cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2012-2016”. Hàng năm, ngay từ đầu quý I đã chủ động xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện của Hội Nông dân tỉnh và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội một cách cụ thể để phối hợp thành công tổ chức hội nghị, tập huấn, xây dựng các Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” cũng như công tác tuyên truyền thông qua các thông tin đại chúng, chủ động tích cực triển khai tổ chức thực hiện các nội dung mà Ban chỉ đạo Đề án tỉnh đã chỉ đạo.
Hàng năm Hội Nông dân tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra giám sát từ đầu năm, trong kế hoạch đó có nội dung kiểm tra việc thực hiện công tác tuyên truyển phổ biến pháp luật và hoạt động câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, mỗi năm kiểm tra 2 đợt vào 6 tháng đầu năm và cuối năm.
Năm 2013 Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng mô hình Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Lưu), Chi Khê (Con Cuông). Thông qua câu lạc bộ, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân huyện và xã nắm tình hình kinh tế - xã hội và nhận thức pháp luật, chấp hành pháp luật tại nơi được chọn để tổ chức học tập và tuyên truyền PBGDPL.
Các cơ sở có câu lạc bộ Nông dân với pháp luật hội viên nông dân đều nâng cao nhận thức về pháp luật góp phần giữ vững ổn định tình hình an toàn trật tự nông thôn. Năm 2016 đang triển khai thành lập mới 2 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại xã Nghĩa Mỹ (Thái Hòa), Khai Sơn (Anh Sơn).
Việc tuyên truyền, phổ biến các nội dung pháp luật thông qua các hình thức phù hợp cho hội viên, nông dân, người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, từng bước hình thành nếp sống và làm việc theo pháp luật của người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.