Hội ND: Trợ giúp pháp lý lưu động trên 6 ngàn buổi cho gần 300 ngàn lượt cán bộ, hội viên, nông dân
15:39 - 10/12/2015
(KNTC)- Các cấp Hội trong cả nước đã tổ chức được trên 105 ngàn cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho 5,2 triệu lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự; tổ chức trên 15.300 cuộc tuyên truyền các nội dung thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đến 1.536.000 hội viên, nông dân. 
Phó Chủ tịch BCH TƯ Hội NDVN Lều Vũ Điều (đầu tiên, bên trái) tham gia giám sát vật tư nông nghiệp tại Nghệ An


Năm 2015, các cấp Hội Nông dân tiếp tục triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc thực hiện có hiệu quả Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.


 
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân như: sinh hoạt chi tổ Hội, sinh hoạt Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, phát hành tờ rơi, tờ gấp, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tờ tin công tác Hội, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề... các cấp Hội đã tổ chức được trên 105 ngàn cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho 5,2 triệu lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự; tổ chức trên 15.300 cuộc tuyên truyền các nội dung thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đến 1.536.000 hội viên, nông dân.


 
Qua đó, vai trò của Hội trong việc tuyên truyền vận động thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có chuyển biến tích cực, cán bộ, hội viên, nông dân có ý thức hơn trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, thông qua việc tham gia hội họp, mạnh dạn tham gia phát biểu ý kiến đóng góp xây dựng tổ chức Hội, cũng như sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, xây dựng cộng đồng dân cư.


 
Nhằm hưởng ứng “Ngày Pháp luật” năm 2015 với chủ đề “Thực hiện Hiến pháp và pháp luật góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền cổ động và sinh hoạt Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật theo chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.



Phối hợp Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, Đoàn Luật sư của tỉnh, thành phố tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động 6.210 buổi cho trên 278.450 lượt cán bộ, hội viên, nông dân, qua đó từng bước giúp hội viên, nông dân hiểu và thực hiện đúng đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, hạn chế khiếu kiện sai và vượt cấp ở địa phương.


 
Năm 2015, các cấp Hội đã trực tiếp hòa giải thành 6.276 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nông dân; chủ động tham gia với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hoà giải thành trên 34.970 vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, tranh chấp dân sự, mâu thuẫn gia đình... nhờ đó giữ được tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết gắn bó trong nội bộ nông dân.


 
Gắn thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với thực hiện Chỉ thị 26 (Quyết định 81) của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội đã chủ động phối hợp cùng chính quyền, các Ban ngành chức năng tham gia tiếp dân định kỳ hàng tháng tại các điểm tiếp dân, nghe phản ánh các nội dung khiếu nại, tố cáo của người dân, đồng thời phối hợp giải quyết khiếu nại tố cáo. Kết hợp giữa công tác vận động thuyết phục của Hội với biện pháp hành chính của chính quyền, chú trọng thực hiện hòa giải trong và sau khiếu kiện. Nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp Hội vừa tham gia cùng chính quyền giải quyết, vừa kiên trì hòa giải đạt hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn.
 
Năm 2015, Hội đã tham gia cùng chính quyền giải quyết thành công 6.740 đơn, nhiều vụ việc sau khi được cán bộ giải thích hội viên, nông dân đã tự nguyện rút đơn khiếu nại, tố cáo.


 
 Tại cơ quan Trung ương Hội tiếp nhận 46 đơn thư, trong đó có 5 đơn khiếu nại, 10 đơn tố cáo, 31 đơn kiến nghị, phản ánh, nội dung chủ yếu về đất đai, tài chính, dân sự, hành chính, hình sự, chế độ chính sách... Tiếp, hướng dẫn và tư vấn 2 vụ việc của  hội viên nông dân về những nội dung chủ yếu liên quan đến đất đai.


 
Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng giám sát, phản biện cho cán bộ Hội Nông dân các cấp; tổ chức tuyên truyền các điển hình hay, việc làm được trên Báo Nông thôn Ngày nay; tham gia các đoàn giám sát thí điểm của Trung ương về giám sát việc thực hiện pháp luật trong quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp tại tỉnh Hòa Bình, Hà Nội, Bạc Liêu, Gia Lai và Nghệ An. 


 
Hội Nông dân các cấp đã tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về nhận thức, trách nhiệm của tổ chức Hội các cấp và cán bộ, hội viên nông dân đối với nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội. Bước đầu đã thực hiện việc cụ thể hóa Quy chế bằng các hoạt động giám sát chính sách hỗ trợ của nhà nước, bảo đảm lợi ích chính đáng, thiết thực của hội viên, nông dân. Hội Nông dân một số tỉnh, thành phố đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, ngành Nông nghiệp và PTNT và ngành Công Thương ký các Chương trình phối hợp về giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014-2020.


 
Thực hiện QCDC cơ sở, các cấp Hội vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia xây dựng, giám sát chính quyền trong hoạt động quản lý, điều hành, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án tại địa phương. Tích cực tham gia xây dựng và chỉnh đốn Đảng, góp ý kiến xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên. Nhờ đó mà công tác lãnh đạo các cấp uỷ Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền địa phương cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực.
 


Hội Nông dân các cấp đã chủ động phối hợp, tham mưu với cấp uỷ Đảng và chính quyền cùng cấp triển khai có hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò đại diện, tạo điều kiện để hội viên phát huy dân chủ trong các lĩnh vực đời sống, xã hội.
 

Hải Hậu
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp