(KNTC) - Phối hợp với Trung tâm Tư vấn pháp luật nông dân Trung ương Hội, Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Nông dân tỉnh An Giang đã xây dựng Kế hoạch tổ chức tư vấn pháp luật cho nông dân năm 2015 triển khai đến các huyện, thị và cơ sở.
Thực hiện Kế hoạch số hoạch 04-KH/TTTVPL, của Trung Tâm tư vấn pháp luật Hội Nông dân tỉnh An Giang về tư vấn lưu động năm 2015, được sự hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ của Trung tâm tư vấn pháp luật nông dân Trung ương Hội, Trung tâm đã phối hợp với các luật sư, cộng tác viên tổ chức 04 cuộc tư vấn pháp luật miễn phí cho hội viên, nông dân, đối tượng chính sách tại 4 xã thuộc 4 huyện, thị trên địa bàn tỉnh.
Để các buổi tư vấn đạt được mục tiêu đề ra, Trung tâm đã có những bước chuẩn bị phối hợp với HND các huyện, thị và Hội Nông dân cơ sở nơi dự kiến tổ chức tư vấn pháp luật tiến hành khảo sát tình hình dân trí, trình độ am hiểu pháp luật, tập hợp những nội dung cần trợ giúp, tư vấn của hội viên, nông dân đồng thời tham mưu, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện thông báo, truyền thông về thời gian, địa điểm, các quyền lợi của người được tư vấn, trợ giúp pháp luật đến cán bộ, hội viên, nông dân và các đối tượng chính sách được biết. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu tư vấn pháp luật, Trung tâm tư vấn pháp luật HND tỉnh An Giang đã phối hợp tổ chức tư vấn tại các xã Bình Long, huyện Châu Phú; xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu; xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên và xã An Cư, huyện Tri Tôn.
Trước khi đi vào giải đáp, trợ giúp các vụ việc cụ thể, Đoàn tư vấn đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến một số văn bản pháp luật gắn liền đến đời sống, sản xuất của người dân ở nông thôn, gợi ý một số tình huống có liên quan về luật pháp mà hội viên nông dân chưa rõ, còn lúng túng trong quá trình thực hiện cũng như chấp hành pháp luật. Đặc biệt, các luật sư đã trao đổi nhiệt tình, giải đáp các vướng mắc, băn khoăn của nông dân là đồng bào Khmer, hướng cho bà con đặt câu hỏi, nêu lên nguyện vọng được tư vấn đúng các chủ trương, chính sách, pháp luật mà họ quan tâm.
Qua các buổi tư vấn, Đoàn công tác đã nhận được 189 câu hỏi về các vụ việc xảy ra trong thực tế ở địa phương, nhiều câu hỏi liên quan đến các chế độ chính sách đối với người dân tộc thiểu số và các lĩnh vực Luật đất đai, Luật dân sự, Luật Hôn nhân gia đình, Luật lao động, Luật Giao thông đường bộ, Luật hình sự, Luật bảo hiểm Y tế, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản của địa phương đã ban hành. Những câu hỏi nông dân đặt ra được luật sư và các tư vấn viên trả lời thỏa đáng.
Kết quả làm việc tại các buổi tư vấn đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến cán bộ, hội viên, nông dân. Thông qua các cuộc tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, các cấp Hội cũng nhận thấy như cầu tìm hiểu pháp luật của hội viên nông dân là rất lớn. Có nhiều ý kiến của các tổ chức, chính quyền địa phương đề nghị trong thời gian tới tổ chức Hội Nông dân cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn trợ giúp pháp lý lưu động nhằm nâng cao sự hiểu biết pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân từ đó thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước./.