(KNTC)- Việc thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ gắn liền với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tạo điều kiện để hội viên, nông dân phát huy quyền làm chủ của mình, công khai minh bạch tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng Hội Nông dân trong sạch vững mạnh.
|
Ảnh minh họa |
Tại tỉnh Bình Dương, Ban chỉ đạo các cấp qua đánh giá và rút kinh nghiệm hàng năm cho thấy hoạt động từ tỉnh đến cơ sở đã có sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa các ngành, đoàn thể khi triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết như: kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nông dân, các thủ tục khiếu nại tố cáo và cấp có thẩm quyền giải quyết để nông dân kiến nghị, đề xuất. Đồng thời, gắn với việc thực hiện qui chế dân chủ để hội viên nông dân có nhận thức sâu sắc, đúng đắn chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của mình theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện của UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài Nguyên - Môi Trường và Thanh tra tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai toàn diện nội dung Chỉ thị 26 đến tận các cơ sở Hội. Phối hợp với các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tham gia hòa giải, giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo của nông dân. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng pháp luật và chấp hành pháp luật ở nông thôn; giúp cán bộ, hội viên, nông dân tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; tạo sự tự tin khi tham gia các quan hệ kinh tế, dân sự; các vụ khiếu kiện được giải quyết kịp thời, góp phần giữ vững trật tự xã hội ở địa bàn nông thôn.
Từ đầu năm đến nay các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức được 883 cuộc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật với 36.777 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự. Phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý (TGPL) tuyên truyền cho 1.900 lượt người dự. Đồng thời, Hội còn tập huấn, trang bị những kỹ năng, kiến thức pháp luật cơ bản cho cán bộ, hội viên, vận động chấp hành pháp luật ở nông thôn, tham gia hòa giải, tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ngoài ra, các cấp Hội còn tổ chức tiếp công dân tại trụ sở 215 buổi, trong đó cấp cơ sở chiếm đa số. Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai tại các xã, phường thị trấn trên địa bàn, tham gia hòa giải 390 vụ việc, trong đó hòa giải thành 304 vụ việc đạt 78%, còn lại 86 vụ việc được chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Bên cạnh đó Hội Nông dân còn phối hợp với Trung tâm TGPL của tỉnh tổ chức 103 cuộc trợ giúp pháp lý, có 3.173 lượt người dự, có 450 trường hợp tư vấn.
Các đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý lưu động đã được đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân đánh giá cao, chính quyền cơ sở ủng hộ; giúp hội viên, nông dân thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần hạn chế khiếu nại, tố cáo của nông dân do thiếu hiểu biết về pháp luật, nhẹ dạ cả tin, dễ bị kẻ xấu lợi dụng kích động, xúi dục dẫn đến khiếu kiện đông người, góp phần đáng kể vào việc ổn định trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.