Căn cứ vào hướng dẫn của Trung ương Hội, Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang tiếp tục cùng Ban chỉ đạo xã Bình Đức, huyện Châu Thành làm điểm xây dựng mô hình “ Vận động nông dân chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh chăn nuôi, trồng trọt ” năm 2015.
KNTC-Trên cơ sở thống nhất của Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang và của huyện Châu Thành, Đảng ủy, UBND xã Bình Đức, Ban Chấp hành Hội Nông dân xã tiếp tục củng cố nâng cao năng lực Ban Chủ nhiệm, các nhóm nòng cốt, cộng tác viên của câu lạc bộ Nông dân với pháp luật về xây dựng mô hình điểm “ Vận động nông dân chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh chăn nuôi, trồng trọt ” năm 2015.
Ban chủ nhiệm và các nhóm tập trung tuyên truyền hướng dẫn thảo luận cho các cộng tác viên và thành viên trong nhóm, các nhóm trưởng, đã triển khai bộ câu hỏi và đáp án, trang bị kiến thức chung về an toàn thực phẩm đến các hộ chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt năm 2015. Hội Nông dân tỉnh đã cung cấp hàng trăm tờ gấp pháp luật về Hiến pháp, đất đai, hàng chục cuốn sách hỏi đáp về Luật đất đai, về xây dựng nông thôn mới và các hình thức kinh tế tập thể, Bộ câu hỏi và đáp án đánh giá kiến thức chung về an toàn thực phẩm, nông lâm thủy sản đến tận cán bộ, hội viên nông dân, và cộng tác viên ở các chi, tổ Hội.
Qua các buổi sinh hoạt tình hình nhận thức của cộng tác viên và thành viên trong nhóm và hội viên nông dân cho thấy đa số nông dân có thường xuyên theo dõi báo đài, tham dự các buổi sinh hoạt nhóm chi, tổ hội theo dõi thông tin, thời sự, nên có hiểu biết về luật an toàn thực phẩm, nhất là bộ câu hỏi và đáp án đánh giá kiến thức chung về an toàn thực phẩm. Ban chủ nhiệm, nhóm trưởng kết luận buổi sinh hoạt đưa ra những câu hỏi về kết luận đáp án đúng để từng cộng tác viên, thành viên trong nhóm, nâng cao nhận thức về tuyên truyền rộng rãi trong nông dân.
Ngoài công tác tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm, các nhóm trưởng, cộng tác viên còn tuyên truyền và tham gia đi giám sát vệ sinh môi trường nhằm bảo vệ cho hộ gia đình và những người xung quanh mình trên địa bàn ấp, tổ hội được cán bộ, hội viên, và nông dân đồng tình thống nhất cao.
Ban chủ nhiệm và các thành viên trong “Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật ”đã hướng dẫn trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm cho từng hộ hội viên và nông dân trong xóm ấp. Kỹ năng quản lý, tổ chức điều hành thảo luận trong nhóm ngày càng được nâng cao.
Ngoài ra các nhóm còn tìm hiểu, trao đổi các nội dung theo tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Trung ương Hội phát hành như: Hiến pháp Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp; Luật đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản trong sản xuất, kinh doanh về cây trồng, vật nuôi…
Bên cạnh đó, Câu lạc bộ tham gia hòa giải 3 vụ tranh chấp quyền sử dụng đất; Ba nhóm tổ chức sinh hoạt, thảo luận theo chuyên đề được 21 cuộc có 630 lượt cán bộ hội viên nông dân tham dự.
Nhìn chung qua các hoạt động của Ban Chỉ đạo mô hình và Ban chủ nhiệm câu lạc bộ đã nâng cao nhận thức đầy đủ hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, trong sản xuất và chế biến lương thực thực phẩm cho hội viên, nông dân, từ đó giúp họ không chỉ tự bảo vệ quyền và lợi ích của bản thân, gia đình mà còn tích cực phát huy quyền làm chủ, tham gia đóng góp cho phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới.