|
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng nông thôn tuy có phát triển nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung cả nước, nông dân vẫn còn nhiều hộ chưa có nước sạch, công trình vệ sinh, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng sâu, vùng xa lại càng thấp; nông thôn, nông dân phát triển không đồng đều giữa các vùng.
Nhận thức pháp luật của bà con nông dân cũng còn nhiều hạn chế. Qua khảo sát trên 2.000 hội viên, nông dân về nhận thức pháp luật cho thấy chỉ còn 40% hiểu biết pháp luật, số còn lại nhận thức còn chung chung và chưa biết. Trước tình hình trên, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Gia Lai tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, phối hợp với các ngành chức năng về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nông dân nhất là nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tín đồ tôn giáo thông qua mô hình Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”.
Thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 09/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, Hội Nông dân tỉnh và các ngành liên quan (Công an, Tư pháp, Thanh tra nhà nước, Tài nguyên & Môi trường, Ban Dân tộc, Ban Tôn giáo…) đã ký kết nghị quyết liên tịch giữa các ngành nhằm cụ thể hóa Chỉ thị vào điều kiện thực tế của địa phương.
Trong thời gian qua, công tác phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Gia Lai được các cấp, các ngành đã chú trọng thực hiện nên đạt những kết quả đáng khích lệ, kịp thời phổ biến, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ và nhân dân góp phần vào việc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng như nâng cao kiến thức, ý thức pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh nói chung và vùng khiếu kiện phức tạp liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, các tín đồ tôn giáo nói riêng.
Sáu tháng đầu năm 2015, tỉnh Hội đã tổ chức phổ biến, giáo dục pháp thông qua các hình thức như: tư vấn pháp luật, tuyên truyền pháp luật, giải đáp những vướng mắc về pháp luật ... theo yêu cầu của nông dân. Tập hợp, tuyển chọn, biên soạn mới hoặc chỉnh lý, in ấn và phát hành các loại sách pháp luật chuyên đề, sách hỏi đáp pháp luật, tài liệu, tờ gấp pháp luật; cập nhật các nội dung pháp luật về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, chính sách dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, phổ biến cho người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và tín đồ tôn giáo. Biên soạn đề cương tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền, phổ biến ở những địa bàn có nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tín đồ tôn giáo và các lĩnh vực đang có nhiều bức xúc như: đất đai, hôn nhân gia đình, khiếu nại, tố cáo, bình đẳng giới, trật tự an toàn giao thông, cải cách hành chính, quản lý và bảo vệ rừng; phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí
Bên cạnh đó, các cấp Hội tổ chức tập huấn được 32 cuộc với 11.104 cán bộ, hội viên, nông dân tham dự . Điển hình như Hội Nông dân các xã Ia Tiêm (Chư Sê); Nghĩa Hưng (Chư Păh); Đăk Krong: phổ biến pháp luật thông qua giao lưu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ: 1.393 buổi với 69.650 hội viên tham dự; tuyên truyền khác: Xây dựng “điểm sáng” chấp hành pháp luật; phát động phong trào “Toàn dân thực hiện tốt pháp luật” theo các tiêu chí chung: thôn, làng không có người vi phạm pháp luật; không có khiếu kiện trái pháp luật đông người kéo dài; không có người vượt biên trái phép.
Qua thực tiễn phổ biến pháp luật, nhận thấy hình thức trợ giúp pháp lý lưu động và mô hình phổ biến pháp luật thông qua Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp và dễ đi tác động vào nhận thức của hội viên, nông dân là do Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã đề ra nội dung và hình thức trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, phong tục tập quán và trình độ dân trí của địa phương. Sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể một số huyện, xã trọng điểm nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân nhất là nông dân dân tộc thiểu số, nông dân là tín đồ tôn giáo. Thông báo trên sóng truyền thanh của xã về nội dung, thời gian, địa điểm để các đối tượng có nhu cầu đến tham dự.
Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” đã thu hút các thành viên là già làng, trưởng thôn, chi hội trưởng nông dân, hội viên nông dân nòng cốt. Thông qua mô hình này đã giúp cho Hội Nông dân cơ sở thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động hội viên nông dân chấp hành pháp luật; tham gia giải quyết mâu thuẫn, vướng mắc trong nội bộ nông dân; tạo điều kiện học hỏi, trao đổi kiến thức pháp luật cần thiết cho thành viên Câu lạc bộ, giúp các thành viên nắm vững pháp luật, có điều kiện học tập, đề đạt, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền những quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến nông dân, những vấn đề có liên quan đến công tác xây dựng và thi hành pháp luật ở địa phương; phát huy tính tích cực của cán bộ, hội viên nông dân và cộng tác viên tuyên truyền pháp luật ở cơ sở trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thi hành pháp luật từ đó giúp hội viên nông dân hiểu biết kiến thức pháp luật, hình thành lòng tin pháp lý, ý thức tôn trọng pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật góp phần đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa, văn nghệ và nhu cầu tìm kiếm pháp luật của cán bộ, hội viên nông dân nhất là cán bộ, hội viên nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Ngoài ra, thông qua mô hình CLB đã lồng ghép tuyên truyền những chủ chương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các gia đình chính sách, người dân ở nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, các tín đồ tôn giáo để mọi người hiểu và thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Đồng thời phổ biến, tuyên truyền văn bản pháp luật mới ban hành. Công tác trợ giúp pháp lý đã góp phần phát huy quy chế dân chủ cơ sở, nhiều vướng mắc về pháp luật của bà con được tháo gỡ kịp thời; qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xóa bỏ những thói quen, phong tục, tập quán lạc hậu không phù hợp với pháp luật, lành mạnh hóa các quan hệ xã hội ở địa phương; hạn chế được những khiếu nại, tố cáo không đáng có, tình làng nghĩa xóm được gắn bó hơn. Đây cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở phát triển toàn diện và bền vững.
Vân Lam