Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nông dân bằng nhiều hình thức phong phú, trong năm 2015, các cấp Hội tỉnh Tiền Giang đã tổ chức được 5.496 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý được 946 vụ việc cho hội viên, nông dân.
KNTC- Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các cấp Hội trong tỉnh áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân như: sinh hoạt chi, tổ hội, sinh hoạt Câu lạc bộ nông dân với pháp luật, phát hành tờ rơi, tờ gấp, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tờ Thông tin công tác Hội. Trong năm 2015 các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức 5.496 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho 163.316 lượt hội viên, nông dân tham dự.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được các cấp Hội tập trung những nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống của hội viên nông dân như Hiến pháp Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Luật đất đai, Luật dân sự, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, và đóng góp Bộ Luật hình sự sửa đổi… Các nội dung tuyên truyền được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biên soạn dưới dạng sổ tay và hỏi đáp qua đó giúp hội viên nông dân dễ đọc, dễ hiểu và dễ vận dụng.
Thực hiện chỉ thị 26/2001/CT-TTg ngày 9/10/2001 (nay là Quyết định 81/2014/QĐ-TTg) của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội luôn lấy công tác hòa giải ở cơ sở làm nhiệm vụ trọng tâm, phát huy thế mạnh của tổ chức Hội vừa rộng khắp, vừa gần gũi, sâu sát, có uy tín đối với nông dân, Hội Nông dân cơ sở đã kịp thời phát hiện những mâu thuẩn mới phát sinh để có hình thức hòa giải phù hợp. Đồng thời kiên trì vận động, thuyết phục với nhiều hình thức hòa giải linh hoạt như: Dựa trên tình làng nghĩa xóm, anh, chị, em, thân tộc, qua đối thoại trực tiếp, qua sinh hoạt chi, tổ hội, qua người có uy tín với đối tượng và phối hợp với chính quyền, các đoàn thể để tổ chức hòa giải. Trong đó tập trung hòa giải tại chi hội, tổ hội, kịp thời giải quyết mâu thuẩn ngay tại ấp.
Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội đã hòa giải thành được 534 vụ/ 1.051 vụ. Tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân được 946 vụ việc cho 3426 người được trợ giúp, tư vấn. Tính đến nay đã thành lập được 137/ 167 cơ sở Hội có “ Câu lạc bộ nông dân với pháp luật ” có 2.677 thành viên Câu lạc bộ ( Tăng 39 Câu lạc bộ và 826 thành viên so với năm 2014 ) đã góp phần đảm bảo trật tự xã hội ở nông thôn, hạn chế tối đa việc khiếu kiện vượt cấp, vừa nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, vừa giữ được tình làng nghĩa xóm, tăng cường khối đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Các đơn vị làm tốt công tác hòa giải, khiếu nại, tố cáo là các huyện Châu Thành, Gò Công Đông, Mỹ Tho, Gò Công Tây.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo cùng với các ngành chức năng, được 241 vụ việc. Đối với những vụ việc hòa giải không thành hoặc những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người, các cấp hội tiếp tục theo sát quá trình giải quyết để từ đó kết hợp giữa công tác vận động, thuyết phục của Hội với biện pháp hành chính của chính quyền, chú trọng việc hòa giải trong và sau khiếu nại, tố cáo.
Ngoài các nội dung thực hiện trên Hội Nông dân còn phối hợp với Ủy Ban Mặt Trận tỉnh thực hiện giám sát phản biện xã hội về vệ sinh, nước sạch và môi trường trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được 17 cơ sở của 5 Huyện Thành Thị. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ủy Ban Mặt Trận, Sở Công Thương, Sở Nông Nghiệp và PTNT thực hiện giám sát về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Hội Nông dân các cấp trong tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc của nhân dân, từ đó có những kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời, thỏa đáng những yêu cầu của người dân, góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận, chia sẽ của nhân dân với Đảng, chính quyền.
Như vậy, năm 2015, các cấp Hội tỉnh Tiền Giang đã tích cực phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhất là những vụ việc liên quan đến đất đai, những vụ việc khiếu nại, khiếu kiện đông người, vượt cấp góp phần ổn định an ninh, an toàn trên địa bàn nông thôn.