Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992
09:26 - 12/09/2012
Ngày 10 -11.9, tại TP Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu lập pháp - UBTVQH đã phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo Quy trình, thủ tục, cách thức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Các đại biểu cho rằng, để việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 thực sự là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, huy động được trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân thì quá trình tổ chức thực hiện phải bảo đảm các nguyên tắc: thật sự cởi mở, công khai, minh bạch và dân chủ, tránh hình thức và trình diễn.

 

Nội dung cơ bản của dự thảo Hiến pháp sửa đổi, nhất là những vấn đề mới, liên quan đến lợi ích thiết thân của nhân dân cần phải được phổ biến rộng rãi để nhân dân có điều kiện đóng góp ý kiến; các hình thức lấy ý kiến nhân dân cũng phải được đa dạng hóa như tổ chức hội nghị, tọa đàm chuyên sâu, tiếp nhận thư góp ý, lấy ý kiến qua các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Thời gian lấy ý kiến nhân dân có thể sẽ kéo dài từ 4-6 tháng chứ không phải 2 tháng như kế hoạch ban đầu”. GS-TS Trần Ngọc Đường - chuyên gia cao cấp của Quốc hội, cho rằng theo thông lệ, các lần sửa đổi Hiến pháp của nước ta đều phải tiến hành lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân cả nước như là một khâu bắt buộc trước khi Quốc hội xem xét thông qua với đa số tuyệt đối.

 

Việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Hiến pháp đã từng được thực hiện trong một số lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp trước đây. Tuy nhiên, do các văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định đây là một khâu bắt buộc trong quy trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nên việc thực hiện lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp chưa được tiến hành bài bản, hiệu quả và chất lượng chưa cao.

 

Một số ý kiến khác đề xuất QH cần ban hành một Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, trong đó quy định rõ các nguyên tắc, hình thức, quá trình tổ chức thực hiện lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân.

 

Kết thúc Hội thảo, Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho biết: Kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới, Ban soạn thảo sẽ có tờ trình Quốc hội đề nghị ban hành nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp 1992.

Song Vũ

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp