Năm 2011, UBND tỉnh Đăk Nông thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2009 đến năm 2012” giai đoạn 2 trên địa bàn tỉnh Đăk Nông, gồm 08 thành viên do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban.
Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2009 đến năm 2012” trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đã được các cấp, các ngành và địa phương tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện. Hàng năm Ban thường vụ Hội Nông dân tỉnh đều xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án trong cán bộ, hội viên từ tỉnh đến chi hội.
Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, toàn tỉnh hiện có 81 báo cáo viên, tuyên truyền viên, tình nguyện viên làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thành lập 04 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” với 200 thành viên; trong đó có 39 cộng tác viên pháp luật. Ngoài ra, các thôn, buôn bon thành lập 849 tổ hòa giải ở cơ sở, với 3.623 hòa giải viên, đây cũng là lực lượng tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số rất hiệu quả.
Trên cơ sở kế hoạch thực hiện “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số” của tỉnh, Ban thường vụ Hội Nông dân tỉnh xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí và phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp hội. Trong quá trình triển khai thực hiện đều có biên soạn tài liệu cấp phát cho học viên tham dự các lớp tấp huấn. Nội dung tập trung: Luật khiếu nại, tổ cáo, Luật đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Bình đẳng giới và Luật phòng chống bạo lực gia đình; luật giao thông đường bộ, Luật biên giới quốc gia và những vấn đề cơ bản về giải quyết tranh chấp đất đai ở cơ sở; với số lượng 4.010 cuốn, đây cũng là tài liệu được báo cáo viên, tuyên tuyên viên dùng để tuyên truyền, phổ biến giáo pháp luật cho hội viên, nông dân.
Hội Nông dân tỉnh trực tiếp biên soạn phát hành Bản tin nhằm chuyển tải những chủ trương của đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đến hội viên, nông dân trên địa bản tỉnh được 5.400 cuốn.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh còn tranh thủ từ sự hỗ trợ của các ngành: Tư pháp, Công an, Ban An toàn Giao thông, Tài nguyên và Môi trường, cấp tài liệu cho các cấp hội với nhiều nội dung như: Công tác hòa giải, pháp luật về an toàn giao thông, Môi trường… Năm 2010 và 2011, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cấp 418 đầu sách tuyên truyền pháp luật các loại; xây dựng 17/71 tủ sách pháp luật ở các xã, thị trấn, chỉ đạo các cấp hội trong toàn tỉnh xây dựng được 111 câu lạc bộ.
Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở tư pháp tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức khá phong phú và đa dạng như: tuyên truyền miệng, hội nghị tập huấn, phổ biến, quán triệt; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh- truyền hình; tủ sách pháp luật; các đợt sinh hoạt Hội, sinh hoạt tổ hòa giải; các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật; các đợt tư vấn, trợ giúp pháp lý; giao lưu văn hóa văn nghệ lồng ghép với tuyên truyền phổ biến pháp luật thông qua các câu lạc bộ ở cơ sở như câu lạc bộ nông dân với pháp luật; cấp phát tờ rơi, tờ gấp… với phương châm hướng mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về cơ sở, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chính trị cho các đối tượng. Trong những năm qua, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức được 1.408 buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho 90.975 lượt hội viên nông dân, qua đó từng bước giúp hội viên nông dân hiểu và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế khiếu kiện sai, vượt cấp.
Phối hợp với Thanh tra tỉnh, Sở Tư Pháp và Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức được 43 lớp tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, cho 3.015 lượt báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Nội dung tập huấn: Luật khiếu nại, tố cáo, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật phồng chống bạo lực gia đình, luật biên giới quốc gia…; tổ chức được 4.085 lớp phòng chống tệ nạn xã hội cho 160.059 lượt người tham dự, 1.020 lớp phòng chống Ma túy cho 56.704 lượt người tham dự, 800 lớp phòng chống AIDS cho 45.561 lượt người tham dự, 668 lớp phòng chống tội phạm 35.716 lượt người tham dự.
Phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý, từng bước xây dựng và hình thành hệ thống tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý theo Nghị định 65/NĐ-CP của Chính phủ. Trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; xây dựng mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên tại thôn, buôn, bon, tổ dân phố. Mời cộng tác viên, tuyên truyền viên tham gia thành viên “câu lạc bộ nông dân với pháp luật” từ đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết những thắc mắc của hội viên nông dân góp phần hạn chế khiếu nại, tố cáo, giữ gìn an ninh chính trị ở nông thôn. Cùng với việc xây dựng “câu lạc bộ nông dân với pháp luật”, xây dựng được 71/71 tủ sách pháp luật, trong đó có 17 tủ sách do Hội trực triếp quản lý và 54 tủ sách pháp luật do UBND quản lý; thành lập được 04 “câu lạc bộ nông dân với pháp luật”.
Nhìn chung, thời gian qua việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, sinh động. Kinh nghiệm từ những thành công trên là nội dung phải đa dạng, lồng ghép, sử dụng nhiều kênh từ các đoàn thể, tổ hợp tác, hợp tác xã thật sự hiệu quả. Tạo được đội ngũ báo cáo viên, tuyên tuyền viên về pháp luật ở các cấp hội từ tỉnh xuống cơ sở, đây là nhân tố quan trọng để công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số đạt được kết quả.
Ngân Hà