Chúng ta biết rằng, hòa giải là một truyền thống, một đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Mục đích chính của công tác hòa giải ở cơ sở nhằm giữ gìn tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng, tập thể, hàn gắn, vun đắp sự hòa thuận, hạnh phúc cho từng gia đình, tình làng, nghĩa xóm.
Theo thống kê, toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 987 Tổ hòa giải ở thôn, khu phố với 5.116 thành viên, có 127 Hội đồng hòa giải ở xã, phường, thị trấn với 1.248 thành viên, có 86 ban hòa giải với 616 thành viên. Trong 10 năm qua, đã tiến hành hòa giải thành 15.055 vụ/31.139 vụ, trong đó Hội Nông dân trực tiếp hoà giải thành 419/1.759 vụ, số còn lại chuyển các cấp, các ngành tham gia.
Có thể nói, công tác hòa giải được các cấp Hội đặc biệt coi trọng mà trọng tâm là việc giải quyết khiếu nại – tố cáo của nông dân, trong đó chú ý việc tranh chấp đất đai, tùy theo nội dung tính chất của từng vụ việc, các Tổ, Ban, Hội đồng hòa giải kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những vướng mắc, mâu thuẫn trong nội bộ của nông dân.
Công tác hòa giải được tiến hành bằng các hình thức đa dạng như: vận động, thuyết phục bằng nhiều hình thức linh hoạt như: dựa trên tình làng nghĩa xóm, anh em, thông qua đối thoại trực tiếp, qua sinh hoạt chi, tổ hội, thông qua người có uy tín với đối tượng và phối hợp với chính quyền các cấp, đoàn thể có liên quan để tháo gỡ vướng mắc cho nông dân và tuyên truyền, vận động giải thích cho nông dân khi có khiếu kiện đông người, vượt cấp tại địa bàn.
Hiện nay công tác hòa giải đang hoạt động một cách hiệu quả, số vụ hòa giải thành ngày càng tăng góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Hoàng Hải