Gia Lai với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nông dân
10:16 - 27/08/2012
Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động nông dân chấp hành pháp luật, từ năm 2009 đến nay, các cấp Hội Nông dân tỉnh Gia Lai đã kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đa dạng, phù hợp với đời sống, phong tục tập quán, văn hóa của bà con nông dân trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua thực tiễn của công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động nông dân chấp hành pháp luật ở tỉnh Gia Lai, Hội Nông dân đã tổng kết và đánh giá được nhiều cách làm, giải pháp hay, hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đối tượng nông dân chiếm phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một thách thức lớn nhưng cũng là môi trường để rèn luyện nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở.

Tuyên truyền pháp luật cho người nông dân đã khó, tuyên truyền pháp luật cho nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số lại càng khó khăn hơn, vì những hạn chế về nhận thức, bị ràng buộc bởi một số hủ tục, thêm vào đó đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn và có nơi đồng bào không biết tiếng kinh. Đó là một cản trở không nhỏ đối với đội ngũ cán bộ Hội làm công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến được với nông dân.

Xác định nhân tố “con người” là hết sức quan trọng nên những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Gia Lai đã tăng cường  xây dựng, củng cố, đào tạo bồi dưỡng mạng lưới cán bộ làm công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nông dân, xây dựng được đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt ở cấp cơ sở. Trong 3 năm, các cấp Hội đã mở được 51 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật cho 4.536 người dự trong đó ngoài các tuyên truyền viên, cán bộ Hội cơ sở còn có đại diện Đảng ủy, UBND, một số ban, ngành đoàn thể của các xã tham dự, các già làng, trưởng thôn ở 16/17 huyện, thị xã, thành phố của Tỉnh.

Xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên truyền, phổ biến pháp luật chủ yếu là người dân tộc thiểu số, kết hợp với việc sử dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền, lựa chọn thời gian, địa điểm, cách thức phù hợp với từng địa bàn, từng dân tộc đã được các cấp Hội áp dụng hiệu quả. Các hình thức tuyên truyền đó là Biên soạn, in và phát hành 10.536 bộ tài liệu  nội dung về một số điều cơ bản của Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Tố cáo, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật hình sự, Dân sự, Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới, Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Pháp lệnh DS-KHHGĐ, một số nội dung tuyên truyền đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của bọn phản động (Fulrô); “Tin lành ĐêGa”; “Tà Đạo Hà Mòn”. Các tài liệu này chủ yếu sử dụng cấp cho học viên các lớp tập huấn, Hội Nông dân 17 huyện, thị xã, thành phố, 222 cơ sở Hội và 2.121 Chi hội và hội viên nông dân trong toàn tỉnh. Bên cạnh các tài liệu tuyên truyền chính sách, pháp luật, Hội Nông dân tỉnh đã cấp 511 cuốn sách pháp luật, kỹ thuật trồng trọt, canh tác nông nghiệp cho 07 câu lạc bộ điểm ở các huyện Ia Grai, Chư Păh, Đak Đoa, Mang Yang, Chư Sê, Phú Thiện, Chư Pưh.

 Xây dựng các mô hình điểm về phát động phong trào chấp hành pháp luật ở nông thôn cũng được quan tâm vớí 07 mô hình điểm Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” ở 7 xã, hoạt động chủ yếu là tuyên truyền phổ biến pháp luật, hòa giải, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, trợ giúp pháp lý cho nông dân. Đây là mô hình tuyên truyền phổ biến pháp luật có hiệu quả nhất đới với nông dân, các vụ việc xảy ra ở cơ sở được hòa giải, giải quyết kịp thời tránh việc khiếu kiện kéo dài, tụ tập đông người, vượt cấp.

Các hình thức tuyên truyền khác cũng được các cấp Hội chủ động, linh hoạt áp dụng như tuyên truyền thông qua Bản tin ra hàng qúi của Hội Nông dân tỉnh (27.600 bản), trên các phương tiện thông tin đại chúng (Báo, đài TW, địa phương, trên loa truyền thanh của xã …), tổ chức 02 cuộc thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật” (150 thí sinh và 750 cổ động viên tham dự).

Như vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và vận động nông dân chấp hành pháp luật đã đạt kết quả nhất định, nhận thức pháp luật của nông dân ngày càng được nâng cao. Từ đó việc chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tốt hơn, đơn thư khiếu nại, tố cáo ngày càng giảm, mâu thuẫn nội bộ được hòa giải kịp thời, an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Tỉnh.
                                                                          Dương Thùy

                                                                                                         

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp