Kết quả công tác kiểm tra của Hội ND Hải Dương
10:30 - 20/01/2011
Năm 2010 các cấp Hội Nông dân Hải Dương tiếp tục kiện toàn đội ngũ làm công tác kiểm tra với 855 cán bộ. Ban Kiểm tra của tỉnh, huyện và cơ sở đã được kiện toàn và phát huy tác dụng tốt. Các cấp Hội đã tổ chức 17 lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ cơ sở về công tác kiểm tra, đặc biệt chú trọng tập huấn về nghiệp vụ thực hiện Chỉ thị 26/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng chương trình kiểm tra và triển khai tới các huyện, thành Hội. Căn cứ vào chương trình của tỉnh 12/12 huyện, thị, thành Hội đều xây dựng chương trình kiểm tra tới các cơ sở hội, chi, tổ hội. Tại các đơn vị kiểm tra đều có lưu đầy đủ kế hoạch, chương trình kiểm tra của các đơn vị. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc: triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội và các Nghị quyết chuyên đề của Hội; kiểm tra  thực hiện Điều lệ Hội, chương trình nhiệm vụ công tác Hội năm 2010, trong đó tập trung kiểm tra việc phát triển hội viên mới, thu chi hội phí, xây dựng và quản lý quỹ Hội (36 cơ sở, 83 chi Hội); kiểm tra kết quả đăng ký các chỉ tiêu thi đua năm 2010: việc thực hiện xây dựng mô hình đã đăng ký từ đầu năm đặc biệt chú trọng kiểm tra việc thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng (12/12 huyện, thị, TP; 36 cơ sở và 51 chi hội). Ngoài thực hiện kiểm tra theo chương trình, hàng tháng cán bộ phong trào cơ quan Hội Nông dân tỉnh cùng cán bộ các huyện, thành Hội đi nghe, nắm tình hình từ 2 đến 3 cơ sở, đó là một hình thức kiểm tra trực tiếp có hiệu quả; giúp cho cơ sở Hội và đội ngũ cán bộ cơ sở về phương pháp công tác, về tổ chức thực hiện các hoạt động của Hội phù hợp với từng địa phương cơ sở, đồng thời uốn nắn, nhắc nhở những khuyết điểm tồn tại để cơ sở kịp thời sửa chữa khắc phục.

Các cấp Hội chú trọng kiểm tra công tác phát triển nguồn lực của Hội, đến nay 100% cơ sở Hội, chi hội có quỹ: quỹ Hội toàn tỉnh có 13,7 tỷ đồng, tăng hơn năm 2009 là 1,2 tỷ đồng; Quỹ hỗ trợ nông dân 4 cấp: 12,96 tỷ đồng cho 17.109 lượt hộ vay; Quỹ hội, Quỹ hỗ trợ nông dân đều có hệ thống sổ sách theo dõi chặt chẽ, ghi chép đầy đủ, được quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc bảo tồn và tăng trưởng của quỹ. Qua kiểm tra việc thu nộp và quản lý sử dụng hội phí ở các cơ sở Hội nhìn chung đều được các cơ sở hội quan tâm từ tuyên truyền nghĩa vụ trách nhiệm, quyền lợi của hội viên, việc xây dựng kế hoạch chi phí cho các hoạt động của hội từ nguồn hội phí cụ thể, rõ ràng, công khai đến các chi, tổ hội và hội viên nông dân, vì vậy việc chấp hành nộp hội phí của hội viên cơ bản vào nề nếp, 100% cán bộ chuyên trách công tác hội từ Tỉnh đến cơ sở thực hiện nghiêm túc việc đóng hội phí; 100% cơ sở hội thu được hội phí, chỉ còn một vài cơ sở hội chưa thu được đủ theo quy định của Điều lệ hội.

Năm 2010, các cấp Hội Nông dân trong toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ theo Công văn số 1502/TTg- V.II của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo HND các huyện, TP xây dựng mới các CLB Nông dân với pháp luật, toàn tỉnh hiện có 41 CLB Nông dân với pháp luật. Việc đẩy mạnh công tác thực hiện Chỉ thị 26 đã góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an ninh trật tự ở nông thôn, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp. Hội Nông dân các cấp thường xuyên tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật cho nông dân thông qua sinh hoạt chi, tổ Hội, qua hệ thống loa truyền thanh, qua chuyên mục "Tìm hiểu chính sách pháp luật" trên Bản tin Hội Nông dân tỉnh được phát hành đến 100% các chi hội trong toàn tỉnh. Trong năm các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tổ chức 231 buổi trợ giúp pháp lý tại 196 cơ sở cho 12.755 lượt cán bộ, hội viên nông dân tham dự.
        
Công tác tiếp dân, tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, tham gia hoà giải mâu thuẫn trong nội bộ nông dân được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chỉ thị 26. Cán bộ chủ chốt của Hội từ tỉnh đến cơ sở đều đặn theo lịch tham gia tiếp dân cùng với lãnh đạo chính quyền và các ngành liên quan. Năm 2010 các cấp Hội trong toàn tỉnh đã phối hợp tiếp dân được 2876 buổi; tiếp nhận và trực tiếp giải quyết 27 đơn thư KNTC (trong đó: HND tỉnh giải quyết 3 đơn, HND huyện giải quyết 8 đơn, HND cơ sở 16  đơn), tham gia giải quyết 215 đơn; tham gia hoà giải thành 657 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nông dân trên tổng số 891 vụ.

Năm 2010, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền nội dung Pháp lệnh dân chủ, việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ được các cấp Hội triển khai gắn với việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; Hội Nông dân cơ sở thường xuyên phối hợp với chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể phổ biến quán triệt tới đông đảo hội viên, nông dân  Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những quy định cụ thể của địa phương cho mọi người dân được biết. Thông qua những việc làm thiết thực, vai trò đại diện lợi ích cho hội viên nông dân của các cấp Hội được nâng cao, tạo ra không khí dân chủ, đoàn kết, tạo niềm tin của nông dân với Đảng, Nhà nước và tổ chức Hội.
                                                                  Quang Huy

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp