Xác định rõ tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, năm 2010, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát làm cơ sở cho các cấp Hội xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tại địa phương.
Năm 2010, các cấp Hội tập trung vào kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác Hội và phong trào nông dân; kiểm tra việc xây dựng, quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ nông dân, các hoạt động dịch vụ hỗ trợ vốn cho nông dân; kiểm tra việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg và Công văn số 1502/TTg-V.II về việc tăng cường phối hợp với Hội Nông dân các cấp để giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra việc thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hòa giải trong nội bộ nông dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cán bộ, hội viên, nông dân; tham gia thực hiện pháp lệnh dân chủ ở cơ sở. Trung ương Hội tiến hành kiểm tra công tác Hội và phong trào nông dân và thực hiện Chỉ thị 26 tại 43 tỉnh, thành, 48 huyện và 56 cơ sở. Các địa phương tổ chức được 56.640 cuộc kiểm tra, trong đó cấp tỉnh tổ chức 1.536 cuộc, cấp huyện 11.526 cuộc và cơ sở 43.542 cuộc. Qua kiểm tra, các cấp Hội đã đánh giá tình hình tổ chức và hoạt động của Hội, giúp cho Ban Thường vụ Hội các cấp kịp thời bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, biện pháp công tác Hội.
Thực hiện Chỉ thị 26, bằng nhiều hình thức phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân như sinh hoạt chi, tổ Hội, sinh hoạt CLB nông dân với pháp luật, phát hành tờ rơi, tờ gấp, bản tin công tác hội, Hội thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu, qua hệ thống thông tin đại chúng… năm 2010 các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho hơn 8.775.000 lượt hội viên, nông dân tham dự. Bên cạnh đó, Hội Nông dân các tỉnh, thành đã xây dựng 643 CLB nông dân với pháp luật, 684 tủ sách pháp luật để phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật trong hội viên, nông dân. Trung ương Hội đã tổ chức tuyên truyền trên Tạp chí Nông thôn mới, Báo NTNN, Bản tin công tác Hội và Chuyên trang thực hiện Chỉ thị 26; biên soạn, phát hành 3 loại Sổ tay phổ biến giáo dục pháp luật và 10 loại tờ gấp pháp luật đến các cấp Hội Nông dân.
Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý được chú trọng: Trung tâm Tư vấn pháp luật nông dân Trung ương Hội đã phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay tổ chức tư vấn pháp luật tại trụ sở báo hàng tháng; tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động cho hội viên, nông dân, đối tượng chính sách; mở truyên mục trên Báo Nông thôn ngày nay tuyên truyền về hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn các vụ việc cụ thể với thời lượng 1 tuần một số. Hội Nông dân các tỉnh, thành đã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp tỉnh tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động miễn phí cho các xã, phường, thị trấn nhất là ở xã có nhiều khó khăn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2010, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức trợ giúp pháp lý cho 665.705 lượt hội viên, nông dân.
Công tác tiếp dân, hoà giải và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo: Tại cơ quan Trung ương Hội tiếp nhận 48 đơn thư đã tham mưu giúp Thường trực có công văn chỉ đạo giải quyết. Các tỉnh, thành Hội đã chỉ đạo các cấp Hội tích cực cùng với chính quyền tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân. Năm 2010 các cấp Hội tham gia cùng chính quyền giải quyết 15.308 đơn thư khiếu nại tố cáo của hội viên, nông dân. Đồng thời các cấp Hội đã tham gia hoà giải thành 34.321 vụ mâu thuẫn ngay tại cơ sở. Qua đó, đã kịp thời giải quyết những tranh chấp, bất đồng trong hội viên, nông dân, hạn chế những khiếu kiện vượt cấp, tình làng nghĩa xóm được giữ gìn, củng cố thêm lòng tin của hội viên, nông dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.
Năm 2010, Trung ương Hội chọn 34 cơ sở làm điểm chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26 và Công văn 1502 của Thủ tướng Chính phủ gắn với đẩy mạnh thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở và những nơi liên quan tới các dự án quy hoạch, đền bù, thu hồi đất nông nghiệp của nông dân. Tại các xã điểm, Ban Thường vụ các cơ sở Hội tập trung củng cố các chi, tổ Hội; điều tra khảo sát nhận thức pháp luật của hội viên, nông dân; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên, nông dân; hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Hội; giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, hoà giải ở cơ sở; xây dựng CLB nông dân với pháp luật, CLB Trợ giúp pháp lý với đông đảo thành viên tham gia, xây dựng các tủ sách pháp luật ở chi tổ phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, hội viên, nông dân.
Các cấp Hội tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến và học tập các văn bản về thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân tham gia thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò đại diện của tổ chức Hội và quyền làm chủ của hội viên, nông dân. Mở các lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên, nông dân và các thành viên CLB nông dân với pháp luật, các thành viên tổ hoà giải, phát tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền. Hội tham gia giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của các cấp chính quyền trong việc công khai lấy ý kiến của dân về các chủ trương, biện pháp của cấp uỷ Đảng, chính quyền trong một số hoạt động, điều hành, quản lý triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án tại địa phương, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Năm 2010, công tác kiểm tra của các cấp Hội có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của cán bộ về vai trò của công tác kiểm tra được nâng lên, các cuộc kiểm tra tổ chức thường xuyên, đặc biệt hướng về cơ sở; nội dung, hình thức kiểm tra đã thực sự bám sát yêu cầu và coi trọng chất lượng, do đó góp phần vào thành tích chung của công tác Hội và phong trào nông dân.
Phương Ngân