Từ đầu năm, Ban Thường vụ Thành Hội Đà Nẵng đã chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác kiểm tra, tập trung đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Kiểm tra ở mỗi cấp Hội, phát huy mạnh mẽ vai trò tham mưu cho Ban Thường vụ cùng cấp về công tác kiểm tra của Hội và thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2009, đã củng cố 3 Ban Kiểm tra cấp cơ sở hội, ổn định tổ chức và duy trì hoạt động tốt theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tổ chức các lớp tập huấn cán bộ, quán triệt Quy định mới của Ban Chấp hành Trung ương Hội về công tác kiểm tra và kỷ luật của Hội (Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 315-QĐ/HND, ngày 07/5/2009); số cán bộ kiểm tra được tập huấn nghiệp vụ trong năm là 41 đồng chí, đưa số cán bộ kiểm tra được tập huấn nghiệp vụ lên 163/ 179 cán bộ kiểm tra các cấp Hội. Thực hiện được 1781 cuộc kiểm tra; trong đó: Thành Hội 146 cuộc; quận, huyện: 446 cuộc và cơ sở 1189 cuộc, tập trung vào các nội dung:
- Kiểm tra công tác xây dựng Hội: Trọng tâm là công tác củng cố cơ sở, chi, tổ hội; đổi mới nội dung hoạt động, nâng cao chất lượng hội viên; đôn đốc thực hiện các chương trình, chỉ tiêu công tác hội.
- Kiểm tra hoạt động tài chính của Hội: chú trọng kiểm tra, hướng dẫn việc giao chỉ tiêu, kế hoạch thu, chi hội phí và quỹ hội theo đúng các quy định; kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn quỹ hỗ trợ nông dân, vốn 120 giải quyết việc làm và vốn xoá đói giảm nghèo do Hội tín chấp; đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra thẩm định trước khi giải ngân các dự án vay quỹ HTND và hướng dẫn các cấp hội việc ghi chép, theo dõi vào sổ sách, mẫu biểu các loại quỹ, vốn đúng quy định về quản lý tài chính; đề xuất thu hồi và xử lý một số trường hợp nợ dây dưa, khó đòi; phát hiện một số mô hình vay vốn tổ chức sản xuất có hiệu quả làm điểm nhân rộng.
- Kiểm tra việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước: thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình cán bộ, hội viên, nông dân ở các vùng có di dời, giải toả; vừa tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiên tốt chủ trương, các chế độ chính sách do thành phố quy định trong quy hoạch, thu hồi đất; vừa thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản ảnh, kiến nghị của hội viên, nông dân đối với Đảng, Nhà nước và các ngành chức năng; trong năm không có khiếu kiện đông người, vượt cấp, hoặc xảy ra điểm nóng trong nội bộ nông dân. Qua kiểm tra, năm bắt tình hình, Hội đã đề xuất với Đảng, Nhà nước đề ra một số chính sách như hỗ trợ dạy nghề, hỗ trợ ngư dân đánh bắt trên biển, cho vay vốn ưu đãi cho nông dân giao hết đất sản xuất có cơ hội chuyển đổi ngành nghề, góp phần ổn định đời sống; kiến nghị giải quyết một số trường hợp về ô nhiễm môi trường, đền bù thu hồi đất…
Bên cạnh công tác kiểm tra, các cấp Hội ND Đà Nẵng đã chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Tiếp tục các Chương trình phối hợp thực hiện Chỉ thị 26, Ban Thường vụ Thành Hội đã phối hợp các ngành Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên & môi trường, Hội đồng PHCTPBGDPL các cấp… tổ chức được 529 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 27.590 lượt người về Luật khiếu nại, tố cáo, Luật phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật giao thông đường bộ, Luật Biên giới, Biển, Đảo, Pháp lệnh tôn giáo, tín ngưỡng…; Thành Hội cung cấp đến cơ sở hơn 1.500 tập văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nông dân như: Quy định giá các loại đất, Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, các quy định về thu phí, lệ phí...
Các cấp Hội phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố tổ chức trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn pháp luật trực tiếp tại cơ sở và thông qua các cấp Hội đại diện kiến nghị; kết quả đã thực hiện được 334 cuộc TGPL cho 1.086 lượt nông dân nghèo và phối hợp tổ chức 81 cuộc TGPL lưu động cho 1.191 lượt nông dân; cung cấp miễn phí trên 1000 tài liệu Hỏi – Đáp pháp luật. Ban Kiểm tra Thành hội đã thực hiện được 08 cuộc trợ giúp bằng hình thức tư vấn trực tiếp cho hội viên nông dân các lĩnh vực khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về đất đai, ô nhiễm môi trường liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều hộ nông dân.
Tiếp nhận, giải quyết và phối hợp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cán bộ, hội viên và nông dân: trong năm, đã tiếp nhận 259 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cán bộ, hội viên và nông dân; trong đó có 07 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền của Hội, đã giải quyết.
Trong năm 2009, các cấp Hội đều phối hợp với Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC cùng cấp để triển khai các nội dung Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; 42/42 cơ sở hội phối hợp tổ chức 202 buổi tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh dân chủ cho 11.912 lượt nông dân; cung cấp 1464 tài liệu, trong đó Thành Hội đã in sao 500 tập sách về thực hiện dân chủ cơ sở cung cấp cho 100% cơ sở và chi hội nông dân làm tài liệu tuyên truyền, phổ biến cho nông dân; các cơ sở và chi hội nông dân tham gia xây dựng và ký kết 142 "Bản Quy chế phối hơp thực hiện dân chủ cơ sở" với Chính quyền, Mặt trận và các ngành liên quan.
Nhằm mở rộng các điểm thực hiện Chỉ thị 26, Hội ND phối hợp, giúp UBND xã, phường ra quyết định thành lập mới 11 Ban và củng cố 02 Ban Chỉ đạo 26 ở cơ sở; đưa tổng số BCĐ 26 ở cơ sở lên 26 Ban, với 259 thành viên, Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó Chủ tịch UBND; đồng thời thành lập mới được 11 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, có 328 hội viên mới; đưa tổng số lên 22 CLB, với 776 hội viên đều là cán bộ Hội và các ngành liên quan ở cơ sở. Trong năm 2009, các CLB đã duy trì sinh hoạt định kỳ hàng tháng được 192 buổi, với 136.856 lượt hội viên tham gia; thi hái hoa dân chủ; tổ chức các hội thảo chuyên đề tìm hiểu và phổ biến pháp luật về đất đai, khiếu nại, tố cáo, dân sự, phòng chống tội phạm, trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường… Phối hợp tổ chức được 41 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, với nội dung phong phú thiết thực, thu hút 2.627 lượt hội viên, nông dân tham gia thi và 4.641 lượt người dự cổ vũ; thông qua sinh hoạt CLB, hội viên được cung cấp 7.235 sách pháp luật và các tài liệu, tờ gấp có nội dung pháp luật cô đọng, ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu phù hợp với đối tượng nông dân; một số CLB đã thông qua các điểm đọc báo tại các chi hội nông dân để tuyên truyền, phổ biến kịp thời những nội dung pháp luật liên quan trực tiếp đến sản xuất và đời sống của nhiều nông dân.
Nhìn chung, công tác kiểm tra của các cấp Hội nông dân thành phố Đà Nẵng trong năm 2009 đạt được nhiều kết quả thiết thực, Ban Kiểm tra các cấp Hội đã bám sát nội dung chương trình công tác của Ban Thường vụ cùng cấp để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra theo chức năng. Duy trì, củng cố được hệ thống làm công tác kiểm tra của các cấp Hội đi vào nề nếp; ý thức chấp hành Điều lệ, nguyên tắc hoạt động của cán bộ Hội các cấp có nâng lên một bước.
Phương Ngân