Thời gian qua, Hội ND tỉnh Lạng Sơn luôn phát huy vai trò trong việc thực hiện tốt Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ. Một trong số những hoạt động là thành lập các tổ hòa giải cơ sở, trực tiếp tư vấn pháp luật và hòa giải những vụ việc, mâu thuẫn xích mích nhỏ trong nội bộ nông dân ở cơ sở. Đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp xây dựng được trên 2000 tổ hòa giải tại 2.322 làng, thôn, bản, khối phố trong toàn tỉnh, các tổ có số lượng từ 5- 7 thành viên. Các tổ hòa giải đã tham gia hoà giải thành 3.892/ 5.242 việc nhận hòa giải, đạt tỷ lệ 74,24%.
Các cấp hội tích cực đi sâu vào từng vụ việc cụ thể, trực tiếp tham gia phối hợp hòa giải, giải quyết những mâu thuẫn, vướng mắc trong nội bộ nông dân; hướng dẫn giải quyết cho các đối tượng hiểu rõ đúng, sai, đồng thời dùng tình, lý thuyết phục các bên tự hòa giải. Một khi các bên chưa tự hòa giải được, đưa sự việc ra chi, tổ, hội để tập thể hội viên góp ý cùng với chính quyền, đoàn thể vận động. Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh phối hợp cùng UBND tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh tham gia tiếp công dân thường xuyên được 2.193 lượt người; giải quyết khiếu nại được 366/ 558 đơn, giải quyết tố cáo 34/44 vụ việc.
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo hội các huyện, thành phố, xã phối hợp với chính quyền thông báo những quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo của UBND các cấp đã đúng và có hiệu lực pháp luật đến công dân có đơn và vận động họ thực hiện, không tiếp tục khiếu nại, tố cáo nữa. Từ đó, hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài đông người, tố cáo vượt cấp, giữ gìn trật tự an ninh nông thôn.
Tư vấn pháp luật cho nông dân
Bên cạnh việc tham gia hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cũng được quan tâm. Trong 5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh mở lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cán bộ chủ chốt của Hội nông dân cơ sở được 5 lớp với 617 người tham dự; cung cấp hơn 1.800 cuốn sổ tay phổ biến pháp luật về các lĩnh vực pháp luật đến cán bộ, hội viên nông dân.
Hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý được tuyên truyền sâu rộng xuống hội viên nông dân, đặc biệt là địa phương có thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho những dự án xây dựng khu đô thị mới, khu công nghiệp…
Kết quả, đã tuyên truyền miệng được 3.839 cuộc với 560.693 lượt người nghe; qua loa phát thanh được 1.427 buổi; thuyết trình được 8.158 buổi, thu hút 570.796 lượt người nghe. Việc tuyên truyền qua tủ sách pháp luật cũng được phát huy, hiện toàn tỉnh có 226 tủ sách pháp luật, 146 điểm bưu điện văn hóa xã, 312 ngăn sách pháp luật tại các thôn, khối phố, đây là nơi tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên nông dân đến tìm hiểu, học tập… Qua đây, đã từng bước nâng cao nhận thức của nông dân về hiểu biết pháp luật, thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia khiếu nại, tố cáo; chấp hành tốt chính sách, pháp luật khác của Nhà nước.
Có thể nói, thông qua các đợt sinh hoạt chuyên đề pháp luật ở cơ sở, qua tư vấn pháp luật của các tổ hòa giải, qua việc Hội tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của hội viên, nông dân đã góp phần tăng vị thế của Hội ở cơ sở. Đồng thời, qua đó nâng dần sự hiểu biết về pháp luật, để nội bộ nông dân tự giải quyết được những mâu thuẫn giúp tình làng, nghĩa xóm ngày càng thắt chặt.
Trung Xuân