Lâm Đồng sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 26/TTg
10:51 - 05/05/2009
Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 26/TTg, các cấp Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành PL của nông dân, hạn chế khiếu kiện, được các cấp uỷ Đảng và chính quyền đánh giá cao, nông dân đồng tình, ủng hộ.


          Sau khi Chỉ thị 26/TTg được ban hành, thực hiện sự chỉ đạo hướng dẫn của Trung ương Hội Nông dân, Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa V đã quán triệt, thống nhất xây dựng chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 26/TTg gắn với tinh thần Công văn 278 CV/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng v/v triển khai Chỉ thị 09 CT/TƯ của Ban Bí thư về một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo giai đoạn hiện nay.

       Thực hiện Chỉ thị 26/TTg, trong 5 năm qua, công tác phổ biến giáo. dục pháp luật, tư vấn pháp luật của Hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp Hội đã áp dụng nhiều hình thức phổ biến pháp luật cho hội viên, nông dân đa dạng, thiết thực như: sinh hoạt chi, tổ Hội; sinh hoạt Câu lạc bộ nông dân với pháp luật; tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động hòa giải, qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về đất đai, cuộc thi “kiến thức nhà nông và pháp luật”…Các cấp Hội ND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức 6.793 buổi tuyên truyền pháp luật cho 329.331 lượt người tham dự; trong đó có 3.844 buổi được thực hiện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc cho 199.888 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự. Nét mới trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật những năm qua là việc tổ chức thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa từ cơ sở đến tỉnh quy định 2 năm/lần với các nội dung phong phú được đông đảo nông dân tham gia hưởng ứng. Nội dung các cuộc thi phần lớn do nông dân tự biên, tự diễn trên cơ sở xuất phát từ nhu cầu tìm hiểu pháp luật ở mỗi địa phương. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên môi trường, Sở Tư pháp tổ chức cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật đất đai với hình thức viết tay, đã có 27.000 bài tham gia dự thi được Trung ương Hội đánh giá cao và tặng bằng khen. 
        
          Bên cạnh đó, công tác tư vấn pháp luật được đẩy mạnh, Hội Nông dân tỉnh thành lập Trung tâm Tư vấn pháp luật cho nông dân, Hội Nông dân các xã, thị trấn thành lập các CLB nông dân với pháp luật. Đến nay, toàn tỉnh đã có 4 CLB nông dân với pháp luật, trong đó có 3 câu lạc bộ do Hội ND tỉnh xây dựng điểm tại xã Ninh Gia, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng; xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương đang hoạt động có hiệu quả. Trong 5 năm, các cấp Hội đã thực hiện 1.981 lượt vụ việc tư vấn bằng miệng cho 10.584 lượt hội viên, nông dân. Trung tâm Tư vấn pháp luật HND tỉnh thực hiện tư vấn bằng văn bản theo yêu cầu cho 252 đối tượng là hội viên, nông dân.

         Công tác trợ giúp pháp lý cũng được các cấp Hội đặc biệt chú trọng. Hội Nông dân các huyện, thị xã và thành phố Đà Lạt đã phối hợp với các tổ chức trợ giúp pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã có nhiều khó khăn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Hoạt động trợ giúp pháp lý đã từng bước giúp hội viên, nông dân hiểu và thực hiện đúng đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, góp phần hạn chế khiếu kiện sai, khiếu kiện vượt cấp ở địa phương. Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 26/TTg, Hội Nông dân các cấp luôn lấy công tác hòa giải tại cơ sở làm nhiệm vụ trọng tâm. Phát huy thế mạnh của tổ chức Hội, với ưu thế vừa gần gũi, sâu sát, vừa có uy tín với nông dân, Hội Nông dân cơ sở kịp thời phát hiện những mâu thuẫn phát sinh, nắm được tâm lý các bên tranh chấp để có hình thức hòa giải phù hợp. Đồng thời, kiên trì thuyết phục, vận động thông qua nhiều hình thức hòa giải linh hoạt như qua đối thoại trực tiếp, qua sinh hoạt chi, tổ Hội, qua người có uy tín với đối tượng và phối hợp với chính quyền, các đoàn thể tổ chức hòa giải. Trong đó, tập trung hòa giải tại các chi, tổ Hội, kịp thời giải quyết mâu thuẫn ngay tại thôn, buôn, khu phố. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã trực tiếp hòa giải thành 3.958 vụ việc; tham gia hòa giải thành 5.368 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nông dân. Đối với những vụ việc hòa giải không thành hoặc vụ việc phức tạp, các cấp Hội tiếp tục kiên trì kết hợp giữa công tác tuyên truyền, vận động của Hội với biện pháp hành chính của chính quyền, chú trọng hòa giải trong và sau khiếu kiện. Qua công tác tiếp dân, Hội Nông dân các cấp có điều kiện để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân, nhận định chính xác tình hình làm cơ sở để Hội có chính kiến tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh tham gia tiếp dân tại Văn phòng tiếp dân của UBND tỉnh trên 200 lượt nông dân. 

          Các cấp Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã tích cực tham gia cùng chính quyền và các cơ quan chức năng giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân. 5 năm qua, các cấp Hội tham gia cùng chính quyền, các ngành giải quyết 6.263 đơn thư khiếu nại tố cáo của nông dân; trong đó cấp xã tham gia 5.343 vụ việc, chiếm 75,5% số lượng đơn giải quyết theo thẩm quyền, cấp huyện 920 vụ việc, chiếm 22,78% số lượng đơn giải quyết theo thẩm quyền. Hoạt động của các cấp Hội đã tham gia tích cực vào công tác giải quyết đơn thư của nông dân, hạn chế khiếu kiện vượt cấp, phức tạp, kéo dài. Ngoài ra, Hội ND tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng điểm thực hiện Chỉ thị 26/TTg tại các địa phương đang có khiếu kiện gay gắt, phức tạp: xã Phú Hội (huyện Đức Trọng), thị trấn Đinh Văn (huyện Lâm Hà), xã Ninh Gia (huyện Đức Trọng). Căn cứ vào từng vụ việc, từng vấn đề bức xúc tại mỗi xã, trên cơ sở thống nhất với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thành lập Ban chỉ đạo 26 tại các xã. Trong quá trình xây dựng điểm, Hội Nông dân các cấp, nhất là Hội Nông dân cơ sở đã thể hiện vai trò, vị trí của Hội trong việc tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân.

            Năm năm qua, được sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền các cấp, sự phối hợp của các ngành, các cấp, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã nâng cao được vai trò, vị thế của tổ chức Hội trong việc thực hiện tốt Chỉ thị 26/TTg, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nông dân, hạn chế khiếu kiện. Qua đó, mối quan hệ giữa Hội Nông dân với chính quyền và các ban, ngành được tăng cường chặt chẽ để giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội, đồng thời đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống, tạo cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở nông thôn.

            Vân Anh

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp