HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
* Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2011
Số 730 - HD/HNDTW
HƯỚNG DẪN
Công tác nhân sự Đại hội Hội Nông dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2013 - 2018,
Cấp huyện và cơ sở nhiệm kỳ 2012 - 2017
-----------------
Căn cứ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; căn cứ Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam và Kế hoạch số 499 - KH/HNDTW ngày 20 tháng 7 năm 2011 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về Tổ chức Đại hội Hội Nông dân các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Nông dân Việt Nam; Ban Thường vụ Trung ương Hội hướng dẫn thực hiện công tác nhân sự bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh chủ chốt của Hội Nông dân các cấp như sau:
A. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ NHÂN SỰ
Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và lãnh đạo chủ chốt phải thực hiện đúng theo quy chế, quy định của Đảng, của Điều lệ Hội về công tác cán bộ. Phải trên cơ sở quy hoạch cán bộ, đồng thời chú ý phát hiện những nhân tố mới có phẩm chất chính trị, đạo đức; có trình độ, năng lực thực tiễn và có triển vọng phát triển, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ.
Đảng đoàn Hội Nông dân các tỉnh, thành phố và Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp báo cáo, xin ý kiến và được sự đồng ý, phê duyệt của cấp ủy cùng cấp và Hội cấp trên trực tiếp về đề án nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch trước khi Đại hội.
I. YÊU CẦU CHUNG, TIÊU CHUẨN, SỐ LƯỢNG, CƠ CẤU, ĐỘ TUỔI ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH, BAN THƯỜNG VỤ, LÃNH ĐẠO CHỦ CHỐT
1- Yêu cầu chung xây dựng Ban Chấp hành các cấp
- Có bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy dân chủ; phẩm chất đạo đức tốt; có tinh thần đoàn kết cao; có uy tín và năng lực lãnh đạo công tác Hội và phong trào nông dân trong tình hình mới.
- Đảm bảo số lượng, cơ cấu hợp lý; có sự kết hợp giữa tiêu chuẩn và cơ cấu trên cơ sở tiêu chuẩn là chính.
- Đảm bảo hài hoà các độ tuổi, có sự kế thừa và phát triển.
2- Tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu, độ tuổi Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, lãnh đạo chủ chốt
2.1. Uỷ viên Ban chấp hành:
2.1.1. Tiêu chuẩn uỷ viên Ban Chấp hành:
Ủy viên Ban Chấp hành phải bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán bộ được quy định trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ. Cụ thể là:
- Tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng, có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
- Cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý thức tổ chức kỷ luật. Trung thực không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.
- Có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực và sức khỏe để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt nhấn mạnh tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ được giao; uy tín trong cán bộ, hội viên nông dân; tập trung vào những điểm sau:
- Có phẩm chất đạo đức và năng lực thực tiễn, kinh nghiệm trong công tác, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ do Ban Chấp hành phân công, có uy tín và khả năng vận động, thu hút tập hợp hội viên, nông dân, nắm bắt thực tiễn, đề xuất chủ trương, giải pháp, vận dụng sáng tạo, đóng góp vào sự lãnh đạo của Ban Chấp hành.
- Có tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.
- Có năng lực tổ chức lãnh đạo, có khả năng cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, của Đại hội đại biểu Hội Nông dân toàn quốc, của Đại hội cấp trên và cấp mình, gắn với thực tiễn công tác Hội và tình hình hội viên, nông dân ở địa phương.
- Có kiến thức tổng hợp trên nhiều lĩnh vực, có năng lực công tác xã hội, am hiểu về tổ chức Hội, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về tình hình địa phương và có khả năng khai thác, huy động được các nguồn lực phục vụ cho hoạt động Hội.
- Chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, có tinh thần tự phê bình và phê bình, phát huy dân chủ, giữ gìn đoàn kết thống nhất; gần gũi quần chúng, sâu sát cơ sở.
* Đối với ủy viên Ban Chấp hành cơ sở cần chú ý yếu tố nhiệt tình, trách nhiệm, có khả năng vận động, thuyết phục hội viên, nông dân, được cán bộ, hội viên, nông dân tín nhiệm.
2.1.2. Số lượng uỷ viên Ban Chấp hành: Số lượng ủy viên Ban Chấp hành của cấp nào do đại hội cấp đó quyết định trên cơ sở số lượng đơn vị hành chính trên địa bàn, số lượng cán bộ chủ chốt và cán bộ chuyên trách, số lượng các ngành liên quan và tiêu biểu. Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đảm bảo sự lãnh đạo của Ban Chấp hành ở các lĩnh vực và địa bàn công tác. Ban Chấp hành các cấp xây dựng đề án Ban Chấp hành với số lượng phù hợp, bảo đảm hoạt động hiệu quả, tránh cơ cấu hình thức, nhiều về số lượng nhưng chất lượng không cao, hoạt động không hiệu quả. Cụ thể:
+ Cấp xã (xã, phường, thị trấn): Không quá 19 uỷ viên
+ Cấp huyện: Không quá 35 uỷ viên
+ Cấp tỉnh: Không quá 47 ủy viên
Tuy nhiên căn cứ đặc điểm, điều kiện cụ thể của địa phương, các cấp Hội xây dựng đề án với số lượng thích hợp; trong trường hợp đặc biệt có thể tăng số lượng uỷ viên Ban Chấp hành so với khung quy định (nếu được cấp uỷ cùng cấp và Hội cấp trên đồng ý).
Khi chuẩn bị danh sách nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ khóa mới, Ban Chấp hành đương nhiệm phải chuẩn bị có số dư với số lượng cần bầu ít nhất 15%.
2.1.3. Về cơ cấu
Cần hợp lý để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Ban Chấp hành, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở mỗi cấp. Ban Chấp hành Hội Nông dân các cấp phải bảo đảm hợp lý giữa các cơ cấu:
Cơ cấu hợp lý giữa các độ tuổi.
Ủy viên Ban Chấp hành được tái cử và ủy viên Ban Chấp hành mới.
Ủy viên Ban Chấp hành là cán bộ chủ chốt, chuyên trách và kiêm nhiệm.
- Tỷ lệ trong Ban Chấp hành bảo đảm:
+ Tỷ lệ ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ là nữ cấp tỉnh và Trung ương 25%; Cấp huyện, cơ sở 20%. Phấn đấu trong Thường trực các tỉnh, thành Hội có cán bộ nữ.
+ Đối với vùng dân tộc thiểu số và vùng có đạo cần có ủy viên là người dân tộc, người có đạo phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Cố gắng phấn đấu cao hơn hoặc ít nhất bằng nhiệm kỳ trước.
Các tỉnh, thành Hội căn cứ tình hình thực tế hướng dẫn cụ thể tỷ lệ nữ, dân tộc v.v…đối với cấp huyện và chỉ đạo cấp huyện hướng dẫn đối với cấp xã.
* Cấp xã:
Đảm bảo cơ cấu gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban Thường vụ và một số Chi hội trưởng; một số ngành, đoàn thể liên quan; một số hội viên sản xuất - kinh doanh giỏi, tiêu biểu, chủ doanh nghiệp, chủ trang trại (Cơ cấu ngành và tiêu biểu: từ 20 - 25%). Phấn đấu tỉ lệ nữ đạt 20%.
- Cấp huyện:
Cơ cấu cán bộ chuyên trách huyện Hội, cán bộ chủ chốt các cơ sở Hội, đại diện lãnh đạo một số ngành, đoàn thể liên quan mật thiết với hoạt động của Hội.
+ Cơ cấu cán bộ chuyên trách công tác Hội: từ 70 - 75% (Cần đảm bảo cơ cấu cán bộ chuyên trách thuộc cơ quan Hội Nông dân cấp huyện và cơ cấu cấp xã).
+ Cơ cấu ngành, đoàn thể và tiêu biểu: từ 25 - 30%.
+ Phấn đấu tỉ lệ nữ đạt 20%
- Cấp tỉnh:
Cơ cấu cán bộ chuyên trách cơ quan tỉnh/thành Hội, cán bộ chủ chốt cấp huyện, một số Chủ tịch Hội cơ sở, đại diện lãnh đạo một số ngành, đoàn thể liên quan mật thiết với hoạt động của Hội.
+ Cơ cấu cán bộ chuyên trách công tác Hội từ 70 - 75%, đảm bảo cơ cấu bộ máy Thường trực và các ban, đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên trách tỉnh, thành phố và cấp huyện (mỗi đơn vị ít nhất 01 ủy viên, mỗi huyện cơ cấu 01 ủy viên).
+ Cơ cấu ngành, đoàn thể và tiêu biểu: từ 25 - 30%.
+ Phấn đấu tỉ lệ nữ đạt 25% trong Ban Chấp hành.
2.1.4. Về độ tuổi
- Đảm bảo 3 độ tuổi để bảo đảm tính kế thừa và phát triển. Định hướng cơ cấu: dưới 40 (20%), từ 40 đến 50 (45 - 55%) và trên 50 tuổi). Phấn đấu độ tuổi bình quân của Ban Chấp hành các cấp giảm hơn nhiệm kỳ trước từ 2 - 3 tuổi.
- Các đồng chí tham gia Ban Chấp hành lần đầu nói chung phải đủ tuổi công tác ít nhất trọn một nhiệm kỳ. Những đồng chí được giới thiệu tái ứng cử nói chung phải đủ tuổi công tác ít nhất 1/2 nhiệm kỳ (tính đến tháng đại hội).
Đối với những trường hợp đặc biệt, do yêu cầu, nhiệm vụ công tác, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp phải xem xét từng trường hợp cụ thể và báo cáo, xin ý kiến của cấp ủy cùng cấp và Hội cấp trên trực tiếp trước khi chuẩn bị đại hội.
2.1.5. Về trình độ:
Đối với cấp tỉnh, cấp huyện: Cán bộ chuyên trách công tác Hội, cán bộ cơ cấu ngành, đoàn thể phải có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên (vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo có thể từ cao đẳng trở lên), trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.
2.2. Ủy viên Ban Thường vụ:
2.2.1. Tiêu chuẩn: Là những người tiêu biểu trong Ban Chấp hành; có uy tín và luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Nắm vững và có khả năng vận dụng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác Hội; có kinh nghiệm thực tiễn, năng lực đề xuất, tham gia xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và của Hội tại địa phương; có phong cách lãnh đạo tốt.
2.2.2. Số lượng: Không quá 1/3 so với tổng số ủy viên Ban Chấp hành.
2.2.3. Cơ cấu:
+ Đối với cấp tỉnh: Chú ý đảm bảo cơ cấu bộ máy Thường trực (Chủ tịch, các Phó Chủ tịch), Trưởng các ban, đơn vị trực thuộc, cơ cấu 01 - 02 Chủ tịch Hội cấp huyện và 01 đến 02 ngành có mối quan hệ phối hợp tốt, hiệu quả, thiết thực, thúc đẩy Hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.
+ Đối với cấp huyện: Chú ý đảm bảo cơ cấu bộ máy Thường trực (Chủ tịch, Phó Chủ tịch), cán bộ chuyên trách cấp huyện; cơ cấu 01 đến 02 Chủ tịch Hội cơ sở; cơ cấu 01 đến 02 ngành có mối quan hệ phối hợp công tác tốt, hiệu quả, thiết thực, thúc đẩy Hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.
+ Đối với cấp cơ sở: Ngoài Chủ tịch, Phó Chủ tịch, cần cơ cấu các Chi hội, các ngành, đoàn thể có mối quan hệ phối hợp công tác tốt, thúc đẩy thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội.
2.3. Lãnh đạo chủ chốt (Chủ tịch, Phó Chủ tịch):
* Tiêu chuẩn: Là những người tiêu biểu trong Ban Thường vụ; qua thực tiễn công tác thể hiện có năng lực quản lý và lãnh đạo công tác Hội và phong trào nông dân; có khả năng nắm bắt, cụ thể hóa và đề xuất những vấn đề thực tiễn phong trào nông dân đặt ra; đảm bảo độ tuổi, trình độ theo quy định và đủ sức khỏe để đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo. Có phong cách lãnh đạo, khả năng điều hành tốt công việc.
*Về trình độ:
+ Chủ tịch, Phó Chủ tịch cấp tỉnh trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trình độ lý luận chính trị cao cấp hoặc cử nhân. Đã kinh qua thực tiễn công tác một trong các cương vị:
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, chính quyền cấp huyện.
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân cấp huyện.
- Trưởng, phó các ban, đơn vị trực thuộc Hội Nông dân tỉnh.
+ Chủ tịch, Phó Chủ tịch cấp huyện trình độ chuyên môn từ đại học trở lên ( hoặc có thể đang theo học đại học) (vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo có thể từ cao đẳng trở lên); trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Được rèn luyện và trưởng thành từ công tác Hội và phong trào nông dân. Đã kinh qua thực tiễn công tác một trong các cương vị:
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện.
- Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã.
+ Chủ tịch Hội cấp xã phải đảm bảo tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn theo Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ Nội vụ. Cụ thể:
Tuổi đời; Không quá 55 tuổi đối với nam, không quá 50 tuổi đối với nữ khi tham gia giữ chức vụ lần đầu.
Học vấn: Có trình độ tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên ở khu vực đồng bằng; tốt nghiệp tiểu học trở lên ở khu vực miền núi.
Lý luận chính trị: Có trình độ sơ cấp và tương đương trở lên.
Chuyên môn, nghiệp vụ: Đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ lĩnh vực công tác mà cán bộ đang đảm nhiệm tương đương trình độ sơ cấp trở lên.
Tuy nhiên, để đảm bảo nâng cao chất lượng cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ có tính chiến lược lâu dài, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố cần quy định tiêu chuẩn cán bộ chủ chốt các cấp phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, thực trạng đội ngũ cán bộ của đơn vị và quy định của cấp ủy, tình hình thực tế của địa phương.
* Về số lượng:
- Cấp cơ sở : Chủ tịch và 01 Phó Chủ tịch
- Cấp huyện: Chủ tịch và 01 đến 02 Phó Chủ tịch
- Cấp tỉnh: Chủ tịch, 02 đến 03 Phó Chủ tịch (Đối với các tỉnh/thành phố có quy mô dân số lớn, hội viên đông, địa bàn rộng hoặc mang tính đặc thù, có thể bầu 04 Phó Chủ tịch nhưng phải trên cơ sở được sự đồng ý của Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam).
II- QUY TRÌNH GIỚI THIỆU, LỰA CHỌN NHÂN SỰ THAM GIA BAN CHẤP HÀNH, BAN THƯỜNG VỤ VÀ CHỨC DANH CHỦ CHỐT
1. Thành lập Tiểu ban nhân sự của đại hội (cấp cơ sở là bộ phận nhân sự)
- Lập Tiểu ban nhân sự của đại hội có từ 3 - 7 thành viên, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Trưởng ban Tổ chức - Kiểm tra và một số ủy viên Thường vụ. Đồng chí Chủ tịch làm trưởng tiểu ban, đồng chí Trưởng ban Tổ chức - Kiểm tra là thường trực tiểu ban.
- Tiểu ban nhân sự có nhiệm vụ giúp Ban Thường vụ phối hợp với các ban, đơn vị liên quan xây dựng đề án nhân sự trình Ban Chấp hành; thực hiện quy trình công tác nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh chủ chốt theo quy định.
- Những nơi không lập tiểu ban nhân sự, thường trực Hội Nông dân (gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch) giúp Ban Chấp hành thực hiện công tác nhân sự đại hội và thực hiện nhiệm vụ của tiểu ban nhân sự nêu trên.
2- Ban Chấp hành cấp triệu tập đại hội tổ chức thảo luận, thông qua Đề án chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành khóa mới (Đề án do Đảng đoàn/Ban Thường vụ chuẩn bị).
3. Quy trình giới thiệu nhân sự:
Bước 1: Các ngành, đoàn thể, Hội cấp dưới và cơ quan cấp tổ chức đại hội giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành khóa mới.
1- Đối với các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp
- Đảng đoàn/Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp tổ chức Đại hội có công văn gửi Ban cán sự Đảng, cấp ủy, tập thể lãnh đạo ngành, đoàn thể, doanh nghiệp đề nghị giới thiệu nhân sự lãnh đạo của ngành, đoàn thể, doanh nghiệp mình tham gia Ban Chấp hành.
- Lãnh đạo Hội cấp tổ chức Đại hội gặp gỡ, tiếp xúc với đồng chí được giới thiệu.
2- Đối với nhân sự là cán bộ chuyên trách Hội cấp dưới:
- Đảng đoàn/Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp tổ chức đại hội có công văn gửi Ban Thường vụ cấp ủy và Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp dưới đề nghị giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành (có văn bản hiệp y của cấp ủy).
3- Đối với nhân sự là cơ cấu tiêu biểu (cấp huyện trở lên):
Trên cơ sở thông tin có được về nguồn nhân sự đảm bảo tiêu biểu có thể tham gia Ban Chấp hành, Đảng đoàn/Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp tỉnh/huyện phối hợp với Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp có nhân sự để trao đổi, giới thiệu nhân sự thuộc đơn vị mình quản lý tham gia Ban Chấp hành.
4- Cơ quan chuyên trách Hội.
4.1. Đối với cán bộ chuyên trách cấp tỉnh/huyện:
Tổ chức hội nghị cán bộ cơ quan chuyên trách Hội để quán triệt về số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn Ban Chấp hành và lấy ý kiến giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch khóa mới là cán bộ đang công tác tại cơ quan chuyên trách đó.
- Tiểu ban nhân sự tổng hợp danh sách được giới thiệu.
- Tiểu ban nhân sự tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt (Gồm Phó trưởng ban và tương đương trở lên, chuyên viên chính và tương đương trở lên) để lấy phiếu tín nhiệm giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành.
- Ban chi ủy cơ quan họp để tiến hành lấy phiếu tín nhiệm giới thiệu cán bộ cơ quan tham gia Ban Chấp hành khóa mới.
- Tiểu ban nhân sự tổng hợp kết quả danh sách giới thiệu tham gia Ban Chấp hành khóa mới của cơ quan.
4.2. Đối với cán bộ Hội cấp cơ sở:
Tổ chức hội nghị mở rộng, gồm các ủy viên Ban Chấp hành, chi trưởng/chi phó, tổ trưởng/tổ phó lấy ý kiến giới thiệu nhân sự dự kiến Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch nhiệm kỳ tới.
Bước 2: Ban Chấp hành khóa đương nhiệm giới thiệu nhân sự
Đảng đoàn/Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp tổ chức Đại Hội có công văn kèm theo danh sách Ban Chấp hành khóa đương nhiệm gửi đến các Ủy viên Ban Chấp hành đề nghị cho ý kiến đề xuất các vấn đề sau:
+ Việc tái ứng cử hoặc không tái ứng cử đối với từng Ủy viên Ban Chấp hành khóa đương nhiệm.
+ Giới thiệu những nhân sự khác ngoài Ban Chấp hành đương nhiệm có đủ tiêu chuẩn tham gia Ban Chấp hành khóa mới.
+ Giới thiệu nhân sự tham gia Ban Thường vụ, các chức danh chủ chốt.
Văn bản gửi cho Chủ tịch Ban Chấp hành. Ban Thường vụ chỉ đạo việc tổng hợp kết quả phiếu giới thiệu nhân sự theo từng loại và lập biên bản về kết quả giới thiệu nhân sự. Phiếu được niêm phong và giao cho Trưởng Tiểu ban/bộ phận nhân sự quản lý.
Bước 3: Tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành báo cáo kết quả giới thiệu nhân sự của 2 bước trên
Đảng đoàn/Ban Thường vụ Hội tổng hợp ý kiến kết quả giới thiệu nhân sự của các ủy viên Ban Chấp hành khóa đương nhiệm, các cơ quan chuyên trách Hội, tổ chức Đảng, các tổ chức liên quan về danh sách nhân sự dự kiến tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch trình Ban Chấp hành đương nhiệm thảo luận.
Từng ủy viên Ban Chấp hành giới thiệu bằng phiếu nhân sự tham gia Ban Chấp hành, tham gia Ban Thường vụ và nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành khóa mới.
Bước 4: Ban Thường vụ Hội cấp tổ chức Đại hội đề xuất nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh chủ chốt khóa mới:
- Trên cơ sở giới thiệu của các ngành, đoàn thể, Hội cấp dưới, cơ quan chuyên trách cấp mình và của Ban Chấp hành khóa đương nhiệm, Tiểu ban nhân sự tổng hợp, đề xuất phương án nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các chức danh Chủ tich, Phó Chủ tịch khóa mới trình Ban Thường vụ cho ý kiến.
- Hội nghị Ban Thường vụ nghiên cứu, thảo luận và bỏ phiếu đề xuất danh sách Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch.
Bước 5: Đảng đoàn xem xét nhân sự khóa mới (Đối với cấp tỉnh)
Đảng đoàn Hội Nông dân tỉnh xem xét, quyết định giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các chức danh chủ chốt khóa mới.
Bước 6: Ban Chấp hành khóa đương nhiệm đề xuất nhân sự khóa mới
Trên cơ sở giới thiệu của Đảng đoàn/Ban Thường vụ, Hội nghị Ban Chấp hành thảo luận, bỏ phiếu đề xuất danh sách Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ban Chấp hành khóa mới.
Bước 7: Xin ý kiến các cơ quan liên quan
Ban Thường vụ các cấp Hội báo cáo xin ý kiến Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Ban Dân vận của các cấp ủy về nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ban Chấp hành khóa mới trước khi trình Ban Thường vụ các cấp ủy phê duyệt.
Bước 8: Trình cấp ủy cùng cấp và Hội cấp trên trực tiếp về nhân sự tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch
Đảng đoàn/Ban Thường vụ cấp tổ chức Đại hội làm Tờ trình, báo cáo xin ý kiến cấp ủy cùng cấp duyệt số lượng, danh sách nhân sự dự kiến tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch.
- Khi có văn bản của cấp ủy cùng cấp về số lượng và danh sách nhân sự cụ thể, Ban Thường vụ cấp tổ chức Đại hội trình duyệt nhân sự với Đảng đoàn/Ban Thường vụ Hội cấp trên trực tiếp.
Bước 9: Điều chỉnh phương án sau phê duyệt (nếu có)
Sau khi trình cấp ủy cùng cấp và Hội cấp trên trực tiếp phê duyệt, nếu có sự điều chỉnh so với phương án nhân sự đã chuẩn bị thì tổ chức họp Ban Thường vụ, Ban Chấp hành khóa đương nhiệm thống nhất lại theo chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp và Hội cấp trên trực tiếp.
Bước 10: Hoàn chỉnh danh sách và làm hồ sơ nhân sự dự kiến, gồm:
- Văn bản hiệp y với cấp ủy, các ngành, đoàn thể, tổ chức có nhân sự tham gia Ban Chấp hành.
- Danh sách trích ngang nhân sự Ban Chấp hành dự kiến đề cử với Đại hội để bầu.
- Danh sách trích ngang nhân sự Ban Thường vụ, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch dự kiến đề cử với Hội nghị Ban Chấp hành khóa mới lần thứ nhất để bầu.
Lưu ý: Về thời gian tiến hành các bước, căn cứ vào thời gian tổ chức Đại hội để quyết định thời gian thực hiện sao cho đảm bảo quy trình giới thiệu nhân sự đã nêu trên.
B. CÔNG TÁC BẦU CỬ
I. BẦU BAN CHẤP HÀNH
1. Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội chuẩn bị Đề án để Đoàn Chủ tịch Đại hội báo cáo với Đại hội về yêu cầu tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng Ban chấp hành khóa mới, sau đó Đại hội thảo luận biểu quyết về cơ cấu, số lượng.
2. Thảo luận tổ về yêu cầu tiêu chuẩn, cơ cấu Ban Chấp hành và tiến hành ứng cử, đề cử Ban Chấp hành khoá mới:
- Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội có trách nhiệm chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành khoá mới; khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của đa số đại biểu Đại hội thì Đoàn Chủ tịch Đại hội trình danh sách nhân sự do Ban Chấp hành khóa trước chuẩn bị để Đại hội tham khảo.
- Đại biểu chính thức của Đại hội mỗi cấp có quyền ứng cử hoặc đề cử những cán bộ, hội viên cấp đó tham gia Ban Chấp hành.
- Đoàn Chủ tịch Đại hội báo cáo kết quả thảo luận tổ và ý kiến của Đoàn Chủ tịch về nhân sự tự ứng cử, được đề cử để Đại hội cho ý kiến (nếu có người xin rút khỏi danh sách bầu cử thì Đoàn Chủ tịch Đại hội có quyền xem xét, quyết định cho rút hoặc không cho rút. Trường hợp còn nhiều ý kiến chưa thống nhất thì Đoàn Chủ tịch xin ý kiến quyết định của Đại hội) và biểu quyết chốt danh sách bầu cử.
- Danh sách bầu cử vào Ban Chấp hành là danh sách nhân sự đã được Đại hội cho ý kiến và thống nhất chốt danh sách. Danh sách bầu cử xếp thứ tự theo vần A, B, C….
3. Đoàn Chủ tịch Đại hội xin ý kiến Đại hội về số lượng Ban bầu cử, sau đó giới thiệu dự kiến danh sách Ban bầu cử gồm 01 Trưởng ban và một số ủy viên (là những đại biểu không có tên trong danh sách bầu cử Ban Chấp hành khoá mới). Ban bầu cử có thể từ 7 - 9 người. Đại hội biểu quyết danh sách Ban bầu cử; Ban bầu cử điều hành phần bầu cử.
Ban bầu cử hướng dẫn thể lệ, cách thức bầu cử; chuẩn bị phiếu bầu, hòm phiếu, kiểm tra niêm phong hòm phiếu trước khi bỏ phiếu.
4. Đại hội tiến hành bầu cử; Ban bầu cử tiến hành kiểm phiếu, báo cáo kết quả để Đoàn Chủ tịch trình xin ý kiến Đại hội.
II. BẦU BAN THƯỜNG VỤ, CHỦ TỊCH, PHÓ CHỦ TỊCH
- Đồng chí Chủ tịch khóa đương nhiệm (tái cử hoặc không tái cử) chịu trách nhiệm là triệu tập viên, khai mạc, chủ trì Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành khóa mới cho đến khi bầu xong chủ tọa hội nghị.
- Chủ tọa Hội nghị báo cáo để Ban Chấp hành thông qua chương trình làm việc và tiến hành thủ tục bầu cử.
1. Bầu Ban Thường vụ
- Chủ tọa Hội nghị báo cáo về tiêu chuẩn, xin ý kiến về cơ cấu, số lượng ủy viên Ban Thường vụ cần bầu.
- Ban Chấp hành biểu quyết số lượng ủy viên Ban Thường vụ (không quá 1/3 so với tổng số ủy viên Ban Chấp hành).
- Chủ tọa Hội nghị thông báo nhân sự do Ban Chấp hành khóa trước dự kiến giới thiệu để Hội nghị tham khảo và tiến hành ứng cử, đề cử.
- Chủ tọa Hội nghị tổng hợp danh sách ứng cử, đề cử, báo cáo Hội nghị cho ý kiến và biểu quyết chốt danh sách bầu cử Ban Thường vụ (đối với những trường hợp xin rút khi được đề cử phải được trên 50% ủy viên Ban Chấp hành đồng ý).
- Cử Ban bầu cử gồm một số ủy viên Ban Chấp hành không có trong danh sách giới thiệu bầu (từ 3 đến 5 người).
- Ban bầu cử thực hiện quy trình bầu cử và công bố kết quả bầu cử Ban Thường vụ.
Sau lần bầu đầu tiên, nếu chưa đủ số lượng Ủy viên Ban Thường vụ đã định, Hội nghị không nhất thiết phải bầu đủ ngay mà có thể xin ý kiến Ban Chấp hành bầu bổ sung trong kỳ họp của Ban Chấp hành sau đó khi nhân sự đã được chuẩn bị tốt hơn.
2. Bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch
- Những người ứng cử hay được đề cử để được bầu giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch phải là những người đã trúng cử ủy viên Ban Thường vụ.
- Chủ tọa Hội nghị nêu yêu cầu, tiêu chuẩn của Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thông báo văn bản phê duyệt của cấp ủy và Hội cấp trên về lãnh đạo chủ chốt.
- Hội nghị tiến hành ứng cử, đề cử Chủ tịch, Phó Chủ tịch. Biểu quyết chốt danh sách bầu cử.
- Cử Ban bầu cử (có thể sử dụng Ban bầu cử của Hội nghị bầu Ban Thường vụ).
- Ban bầu cử thực hiện quy trình bầu cử và công bố kết quả bầu cử Chủ tịch, Phó Chủ tịch.
III. VIỆC CHUẨN Y KẾT QUẢ BẦU CỬ BAN CHẤP HÀNH, BAN THƯỜNG VỤ, CHỦ TỊCH, PHÓ CHỦ TỊCH
- Sau Đại hội, Ban Thường vụ khóa mới phải báo cáo lên Ban Thường vụ Hội cấp trên trực tiếp biên bản bầu cử Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch kèm danh sách trích ngang (theo mẫu) và tờ trình đề nghị chuẩn y kết quả bầu cử. Tờ trình này do đồng chí Chủ tịch Hội khóa mới ký.
Căn cứ hướng dẫn này, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp nghiên cứu, có hướng dẫn cụ thể phù hợp với thực tế hoạt động của Hội Nông dân các cấp ở địa phương.
Trong quá trình thực hiện, có khó khăn, vướng mắc cần phản ánh kịp thời và đề nghị xin ý kiến cấp ủy cùng cấp và Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam./.
T/M BAN THƯỜNG VỤ
Nơi nhận: PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
- Ban Bí thư TW Đảng (để b/c);
- Ban Tổ chức TW (để b/c);
- Ban Dân vận TW (để b/c); (đã ký)
- Ủy ban KTTW (để b/c);
- VP TW Đảng (để b/c);
- Các đ/c Uỷ viên BCH TW Hội; Hà Phúc Mịch
- Các tỉnh, thành Hội;
- Các Ban, đơn vị thuộc TW Hội;
- Lưu VP, BTC.