Hội Nông dân Vĩnh Phúc thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ
09:13 - 26/09/2008
Bộ mặt nông thôn Vĩnh Phúc ngày nay đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện rõ rệt, ANCT ở nông thôn được giữ vững. Tuy nhiên vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư đã làm nảy sinh không ít vấn đề cần được giải quyết.

 

 


Trong đó tình hình khiếu nại tố cáo mà đại bộ phận là nông dân diễn biến phức tạp; có lúc, có nơi trở thành điểm nóng, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội tại địa phương. Hầu hết các vụ việc khiếu nại, tố cáo có nội dung liên quan đến vấn đề đất đai như: thu hồi đất, GPMB, giá cả đền bù, chính sách hỗ trợ, đất dịch vụ… Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có một bộ phận nông dân hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế, dễ bị lợi dụng, lôi kéo, kích động dẫn đến tình trạng khiếu kiện phức tạp, kéo dài.

 

Thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, được sự chỉ đạo của cấp ủy, sự tạo điều kiện của chính quyền và sự phối hợp thống nhất của các ngành Tư pháp, Thanh tra, Tài nguyên môi trường, Hội Nông dân các cấp với chức năng, nhiệm vụ của mình đã tích cực triển khai tổ chức thực hiện một số nội dung.

 

Đó là, Hội Nông dân tham gia cùng với UBND các cấp định kỳ hàng tháng tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân. Qua đó có chính kiến, chủ động đề xuất với chính quyền, các ngành những vấn đề liên quan đến hội viên nông dân. Trên cơ sở đó rà soát, phân loại đối tượng hội viên nhằm tiếp cận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; kịp thời vận động, tuyên truyền, thuyết phục để hội viên hiểu và thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên quá trình điều tra, xác minh, kết luận của các ngành về giải quyết khiếu kiện của nông dân thì hội không được tham gia từ đầu. Mặt khác đơn thư của hội viên không gửi qua tổ chức hội, do vậy khả năng tham mưu, vai trò đại diện cho nông dân của hội còn rất hạn chế. Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho nông dân luôn dược các cấp hội rất quan tâm, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của hầu hết hội viên.

 

Tuy nhiên, tổ chức hội chỉ phối hợp cung cấp một số nội dung cơ bản của Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Đất đai, Luật Dân sự, Pháp lệnh hoà giải… cho một số cơ sở vùng giành đất để phát triển công nghiệp mà chưa trải rộng. Hàng năm có từ 1.200 - 1.600 cán bộ, hội viên nông dân được tập huấn pháp luật, thông qua đó nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của hội viên được nâng lên rõ rệt. 

Hầu hết cán bộ hội cơ sở tham gia Ban công tác mặt trận và là thành viên hoà giải ở cơ sở đã tích cực, kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nội bộ thôn xóm, qua đó đã cơ bản hoà giải thành và hạn chế được đơn thư khiếu nại, tố cáo. Hội Nông dân các cấp đã tích cực xây dựng, bổ sung đầu sách pháp luật cho các CLB pháp luật nông dân. Đến nay, 8 cơ sở ở Vĩnh Tường, Tam Dương, Tam Đảo đã có tủ sách pháp luật, nông dân bước đầu được đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật và chấp hành pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân được phản ánh kịp thời thông qua Bản tin công tác hội, chuyên mục trên Đài PT-TH tỉnh, Báo Vĩnh Phúc.

 

Để đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới các cấp hội cần thực hiện một số nhiệm vụ sau: Tiếp tục tổ chức quán triệt Chỉ thị 26/2001/CT-TTg và Công văn số 1502 của Thủ tướng Chính phủ đến cán bộ Ban Chấp hành nhằm tạo ra sự thống nhất về nhận thức và hành động ở các cấp hội, từ đó xây dựng kế hoạch và chương trình hành động cụ thể. Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp tham mưu với UBND cùng cấp kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng, xây dựng quy chế hoạt động cụ thể cho Ban Chỉ đạo, hàng năm có đánh giá rút kinh nghiệm.

 

 Đẩy mạnh chương trình phối hợp với các ngành chức năng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao hiểu biết cho hội viên nông dân. Thực hiện tốt công việc hòa giải ngay trong nội bộ nông dân, chủ động nắm bắt, phát hiện sớm những mâu thuẫn phát sinh, phối hợp với mặt trận, các đoàn thể hoà giải ngay tại cơ sở. Hạn chế những vụ việc đơn giản trở thành phức tạp. Hội Nông dân các cấp chủ động đề xuất với chính quyền và các ngành trong việc bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ, hội viên nông dân tham gia tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg và Công văn số 1502/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

 

Bùi Văn Cánh

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp