Hưng Yên: Nhanh chóng giải quyết “điểm nóng”
14:32 - 12/09/2008
Những năm qua, tình hình khiếu kiện ở Hưng Yên diễn biến phức tạp, kéo dài và vượt cấp xảy ra ở hầu hết 10/10 huyện, thị . Có đoàn lên tới hàng ngàn người kéo về TW Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhiều ngày. Đáng chú ý số đơn, thư, vụ, việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp trên 70% nội dung liên quan tới đất đai; giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa, số còn lại liên quan tới tham ô, thực hiện chính sách…

 

 

Hưng Yên là một tỉnh đồng bằng nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc . Từ năm 1997 đến nay, Hưng Yên thu hút trên 600 dự án trong và ngoài nước đầu tư vào Hưng Yên, một phần diện tích đất nông nghiệp được chuyển sang làm khu công nghiệp.

 

Dưới sự chỉ đạo của TW Hội NDVN, Hội ND tỉnh Hưng Yên xây dựng mô hình điểm tại xã Phan Đình Phùng (Mỹ Hòa). Đây  là địa phương xảy ra khiếu kiện đông người có nội dung liên quan đến đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng. Sau một năm làm điểm, Hội đã xây dựng được 1 CLB pháp luật, 1 tủ sách pháp luật cho nông dân, hòa giải 5 vụ thành.

 

Từ năm 2004-2007, Hưng Yên tiếp tục mở rộng xây dựng 11 điểm thực hiện Chỉ thị 26, thành lập 22 CLB pháp luật với 1.050 thành viên. Các CLB sinh hoạt mỗi tháng một kỳ có quy chế hoạt động riêng. Ngoài ra, Sở Tư pháp còn trang bị cho mỗi CLB một số báo pháp luật, Hội ND tỉnh trang bị 12 tủ sách với 25 đầu sách pháp luật để các thành viên nghiên cứu, học tập. Trong các buổi sinh hoạt CLB, Ban Chủ nhiệm phối hợp mời cán bộ tư pháp ở tỉnh hoặc huyện về phổ biến nội dung các bộ Luật giúp hội viên nâng cao kiến thức.

 

Hội ND tỉnh còn phối hợp với Thanh tra, Sở Tư Pháp, Sở tài nguyên- môi trường tổ chức 46 lớp tập huấn về nghiệp vụ tiếp nhận đơn thư, tiếp nông dân, hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho 6.458 lượt cán bộ Hội. Cũng trong thời gian này, các cấp Hội phối hợp tổ chức 118 lớp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho 13.008 lượt cán bộ, hội viên; tổ chức 3 cuộc thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật”, bằng hình thức sân khấu hóa và thi viết với trên 10.000 bài dự thi. Đây là hình thức phổ biến giáo dục pháp luật rộng rãi đến hội viên. Ngoài ra, hàng tháng, Hội ND và Sở Tư pháp thường tổ chức từ 2-3 buổi tư vấn pháp luật tại các xã, phường, thị trấn nhằm giải đáp các thắc mắc liên quan tới luật pháp cho bà con.

 

Đến nay, Hội đã tổ chức được 269 buổi tư vấn pháp luật, 40 cuộc trợ giúp pháp lý cho 4.407 hội viên, nông dân. Nhiều Hội nghị tư vấn tại xã, nông dân đến dự rất đông, từ 120-250 người. Nhiều vụ việc được tư vấn viên giải thích cặn kẽ, nông dân đã hiểu ra Năm năm qua, các cấp Hội đã tiếp nhận 4.853 đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Như tại Văn Giang, có vụ 400-500  nông dân chủ yếu là nữ giới liên tục hàng tuần kéo lên UBND huyện khiếu kiện về vấn đề đất đai. Hội ND tỉnh đã cử cán bộ cùng Hội ND huyện tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu, bước đầu rất khó khăn, nhưng sau nhờ kiên trì vận động, thuyết phục, đến ngày thứ 8 thì bà con tự nguyện rút đơn về.

 

 Bằng nhiều hình thức hòa giải, đến nay Hội đã hòa giải thành trên 450 vụ, phối hợp hòa giải thành 648 vụ, tham gia giải quyết dứt điểm 1.342 đơn.

 

Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 26 những năm qua đã góp phần vào việc xây dựng làng, xã văn hóa, gia đình nông dân văn hóa. Điều quan trọng là các cấp, các ngành nhận thức rõ vai trò của Hội trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân đạt hiệu quả, ngăn ngừa và kìm chế “điểm nóng”, góp phần tích cực vào việc ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn.

 

Minh Đức

 

 

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp