HỘI NÔNG DÂN HÀ NỘI: GẮN VIỆC THỰC HIỆN CHỈ THỊ 26 VỚI THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ
09:35 - 18/09/2008
Những năm qua, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết 26 về việc tăng cường phối hợp, tạo điều kiện để Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Qua đó, các cấp Hội đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.


Hà Nội có 10/14 huyện, quận và 134 xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội Nông dân với 177.977 hội viên sinh hoạt tại 993 chi hội của 134 cơ sở Hội. Đại bộ phận cán bộ, hội viên, nông dân đều cần cù lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tham gia vào các phong trào, các cuộc vận động do Trung ương phát động nhằm xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh và đã góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Nhằm phát huy chức năng của Hội Nông dân là người đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng hợp pháp của hội viên, nông dân, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền để chỉ đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị 26 về tăng cường phối hợp tạo điều kiện để Hội Nông dân tham gỉai giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến nông dân. 

Đồng thời, Hội Nông dân thành phố đã chủ động cùng các ngành liên quan ký kết các chương trình phối hợp để triển khai thực hiện như: Hội ký chương trình phối hợp với Thanh tra Hà Nội về “Tham gia phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân”; ký kết chương trình phối hợp với Sở Tư pháp về tuyên truyền giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, phối hợp hoà giải những mâu thuẫn trong nội bộ nông dân; ký chương trình phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường về thực hiện chính sách pháp luật đất đai, giải phóng mặt bằng, giải quyết khiếu kiện về đất đai liên quan đến nông dân trên địa bàn Hà Nội; ký chương trình phối hợp với Công an Hà Nội về tuyên truyền phòng chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự an ninh nông thôn…

Đồng chí Đỗ Ngọc Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội cho biết: “Chính sự ký kết phối hợp có trách nhiệm này nên từ thành phố đến cơ sở đã tạo ra sức mạnh tổng hợp của các ngành chức năng, của cộng đồng nhằm tạo ra sự đồng bộ để cùng nâng cao nhận thức về chính sách pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân, làm cơ sở để mọi người tự giác chấp hành pháp luật, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, giúp nhau tháo gỡ những mâu thuẫn phát sinh, giữ vững đoàn kết trong thôn xóm, cụm dân cư”.

Để có điền kiện cho công tác tuyên truyền, Hội Nông dân Thành phố đã in hàng chục ngàn tờ kẹp phai về một số nội dung cơ bản của Pháp lệnh số 34/PL-UBTVQH của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh; 5 tiêu chuẩn người nông dân Hà Nội “Thanh lịch - văn minh” và 10 không khi nông dân tham gia giao thông; tờ rơi về Luật Đất đai phát đến tận chi, tổ hội để thực hiện và làm tài liệu sinh hoạt, đồng thời xây dựng và trao 10 túi sách tuyên truyền pháp luật lưu động cho l0 xã, phường làm điểm mô hình câu lạc bộ (CLB) nông dân với pháp luật.

5 năm qua, tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến các cấp Hội là 5.033 đơn, trong đó đơn thư thuộc thẩm quyền của hội 909 đơn. Hội đã tham gia giải quyết 902 đơn và hoà giải thành công 3.236 vụ, góp phần đảm bảo trật tự xã hội ở địa phương, hạn chế việc khiếu kiện vượt cấp. Để làm được điều đó, ở các tổ hoà giải đều có cán bộ Hội Nông dân tham gia, làm việc với phương châm kiên trì, vận động thuyết phục, giáo dục có tình, có lý, với phương pháp tìm hiểu sự việc, đánh giá đối tượng, dùng người có uy tín để thuyết phục. Qua đó, đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, tạo ra được mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, vừa giữ được tình làng nghĩa xóm, tăng cường khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Ngoài ra, Hội quan tâm đến việc xây dựng tủ sách pháp luật để giúp cho nông dân có điều kiện tiếp cận với các chính sách của Đảng và Nhà nước, đến nay đã xây dựng được l34 tủ sách pháp luật ở l34 cơ sở hội thu hút nhiều bạn đọc tham gia.

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Hội về việc xây dựng mở rộng điểm thực hiện Chỉ thị 26, năm 2003, Thành Hội chỉ đạo làm điểm tại 7 xã, phường; năm 2007 đã chỉ đạo các huyện, quận xây dựng điểm và ra mắt 10 CLB nông dân với pháp luật gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, hội viên về quy chế dân chủ, tuyên truyền và triển khai thực hiện, xây dựng các hộp thư góp ý ở các thôn. Qua việc thực hiện QCDC, cán bộ, hội viên, nông dân phấn khởi tin tưởng vào tổ chức Hội vì đã thể hiện được vai trò trách nhiệm của mình trong việc được tham gia giám sát, bàn những công việc cụ thể ở địa phương. Từ đó xây dựng bộ máy Đảng, chính quyền ở địa phương ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg, Thành Hội đã chú trọng đến việc hoạt động của CLB nông dân với pháp luật. Ban Chủ nhiệm CLB có sự tham gia của cán bộ tư pháp, địa chính xã, phường và đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân là Chủ nhiệm CLB. Định kỳ CLB sinh hoạt với những nội dung: phản ánh, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nông dân, những mâu thuẫn, vướng mắc trong nông dân; tham gia hoà giải, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở các chi hội, cụm dân cư; gắn sinh hoạt phản ánh tình hình với tìm hiểu pháp luật, trao đổi về nội dung hỏi đáp luật; nêu những ý kiến để được tư vấn, trợ giúp pháp lý cho các thành viên nhằm nâng cao sự hiểu biết về các chính sách pháp luật làm nòng cốt cho các tổ hoà giải và tham mưu cho tổ chức Hội về công tác hoà giải, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nông dân… 

Dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng uỷ, chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể đã tích cực vận động, giải thích cùng với công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, qua đó nhân dân địa phương đã được giác ngộ và tự giác thực hiện có kết quả cao. Đây là mô hình hoạt động thiết thực, hiệu quả, nội dung phong phú, bổ ích nên đã tạo sự hấp dẫn và thu hút cán bộ tham gia nhiệt tình.

Cũng giống như các địa phương khác trong cả nước, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 26, Hội Nông dân Hà Nội cũng không tránh khỏi còn một số tồn tại như một số nơi chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện Chỉ thị 26; một số nơi chưa phát huy được chức năng tham mưu cho cấp uỷ, chưa chủ động tích cực phối hợp với chính quyền và các ngành cùng cấp, ngại va chạm, né trách…

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã đề ra phương hướng tăng cường thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 26 để tạo ra sự thống nhất cao về nhận thức, trách nhiệm và hành động của các tổ chức cơ sở Hội nhằm phát huy vai trò đại diện của Hội trong việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân.

TH

 

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp