Xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội. Năm 2014, các cấp Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng đã chủ động và phối hợp với các sở ban ngành tổ chức 2.213 buổi tuyên truyền pháp luật cho 131.989 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự.
Ngay từ đầu năm, Hội Nông dân tỉnh Cao bằng đã xây dựng Kế hoạch số 42-KH/HNDT ngày 18/02/2014 thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2014 triển khai tới 13 huyện, thành Hội thực hiện. Chỉ đạo việc tiếp tục chủ động và tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền pháp luật, vận động hội viên, nông dân như tổ chức tư vấn, trợ giúp pháp lý, tham gia hòa giải, tiếp nhận, xử lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia giám sát các hoạt động Hội và các phong trào thi đua của các cấp Hội.
Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân, trong năm các cấp Hội đã chủ động và phối hợp với các sở ban ngành tổ chức 2.213 buổi tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý cho 131.989 lượt người. Thông qua việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân nắm và hiểu rõ hơn về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Về tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, năm 2014, trên cơ sở tài liệu của Trung ương cung cấp, Hội Nông dân tỉnh đã phân bổ đến các huyện, thành Hội để biên tập, hướng dẫn cho các cơ sở Hội làm tài kiệu sinh hoạt, tuyên truyền pháp luật, cụ thể là Sổ tay hỏi – đáp pháp luật đất đai, sổ tay hỏi - đáp Hiến pháp nước CHXHCNVN (năm 2013), sổ tay phổ biến pháp luật cho nông dân (tập 13), tờ gấp về pháp luật đất đai, về Hiến pháp…
Tiếp tục duy trì hoạt động của 383 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” với 5.945 thành viên là các tuyên truyền viên, thành viên tổ hòa giải. Các tổ hòa giải là thành viên CLB tham gia sinh hoạt đều đặn, tại các buổi sinh hoạt được ban chủ nhiệm là cán bộ tư pháp, địa chính truyền đạt những kiến thức pháp luật, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương liên quan trực tiếp tới người dân, hộ dân và trao đổi những vụ việc mâu thuẫn phát sinh trong các thôn, bản để các thành viên nắm được phân công những người có uy tín tham gia hòa giải. Các thành viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm hòa giải. Từ những hoạt động đó các thành viên là những tuyên truyền viên trao đổi, phổ biến cho hội viên, nông dân trong chi, tổ hội của mình, khi có những mâu thuẫn phát sinh được hòa giải kịp thời.
Nhìn chung, các cấp Hội đã được cấp uỷ, chính quyền địa phương ủng hộ, tạo điều kiện trong triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Qua đó khẳng định được vai trò của tổ chức Hội trong việc tham gia góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao năng lực nhận thức về pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của hội viên, nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số.
Khánh Vân