Bình Đức: Mô hình điểm tuyên truyền pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm
16:11 - 24/03/2015
Năm 2014, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang xây dựng mô hình thí điểm “Vận động nông dân chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và chế biến lương thực thực phẩm” tại, tỉnh Tiền Giang.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Tiểu Đề án 3 Trung ương Hội về lựa chọn xây dựng mô hình điểm “Vận động nông dân chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm”, Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang đã khảo sát và lựa chọn xã Bình Đức, huyện Châu Thành để triển khai. Đây thực sự là một mô hình có ý nghĩa thực tế rất lớn  trong công tác vận động nông dân chấp hành pháp luật nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang đã tiến hành khảo sát thực tế về tình hình phát triển kinh tế, xã hội, trình độ dân trí, tình hình chấp hành pháp luật và các tiêu chí về xây dựng mô hình. Sau khi thống nhất lựa chọn xã Bình Đức, huyện Châu Thành, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hội nghị thống nhất chọn điểm triển khai xây dựng mô hình với Hội Nông dân huyện, xã và chính quyền, cấp uỷ địa phương; Xây dựng kế hoạch chi tiết về việc chỉ đạo xây dựng mô hình điểm.

Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình điểm ở xã, thành lập Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”  do đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã làm chủ nhiệm, đồng chí Phó Chủ tịch HND xã làm Phó Chủ nhiệm và các đồng chí Chi hội trưởng của các ấp làm thành viên. Tổ chức Hội nghị ra mắt Ban chủ nhiệm Câu lạc Bộ xã Bình Đức, các nhóm cộng tác viên pháp luật và cán bộ, hội viên, nông dân ở các ấp tham dự.  Ban Chủ nhiệm đã xây dựng  Quy chế hoạt động, tổ chức sinh hoạt định kỳ mỗi tháng, đồng thời  phân công cụ thể các thành viên trong Câu lạc bộ tham gia sinh hoạt nhóm trên địa bàn của ấp, tổ Hội.

Qua điều tra khảo sát tình hình nhận thức pháp luật, những vướng mắc của hội viên, nông dân, nhận thấy đa số nông dân tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước chủ yếu qua báo đài, hoặc qua sinh hoạt lồng ghép tại các chi, tổ Hội. Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế, không am hiểu các lĩnh vực pháp luật cụ thể trong đó có việc quy định của pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng, Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình tổ chức các cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nông dân tại mô hình. Tập trung vào các quy định của pháp luật về sử dụng thuốc bảo vệ thực phẩm; quy định về quản lý chất lượng, chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp an toàn; Luật bảo vệ môi trường, thực trạng môi trường tại địa phương; xu thế hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tính bền vững và tất yếu trong sản xuất nông nghiệp. Qua việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã từng bước giúp các hội viên, nông dân hiểu rõ hơn các quyền và nghĩa vụ trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là tự bảo vệ quyền lợi chính đáng, đảm bảo phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững từ đó nâng cao ý thức  tự giác chấp hành pháp luật.

Cùng với việc xây dựng “ Câu lạc bộ nông dân với pháp luật” Hội Nông dân xã được Hội Nông dân tỉnh trang bị sách pháp luật, 100 cuốn luật vệ sinh an toàn thực phẩm, 32 câu hỏi và đáp và 2.400 tờ bướm về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và chế biến lương thực thực phẩm đến tận hội viên, nông dân ở các nhóm và chi, tổ Hội.

Phối hợp với các ban, ngành ở xã, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ đã biên tập các thông tin thời sự, cập nhật quy định của pháp luật và tuyên truyền pháp luật qua hệ thống loa truyền thanh của xã.

Bên cạnh đó, phối hợp với các ban, ngành chức năng của xã, Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ đã cùng tham gia tiếp cán bộ, hội viên, nông dân, tham gia công tác hòa giải, giải quyết được nhiều mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nông dân góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận và đánh giá cao của chính quyền và cấp ủy địa phương.

Nhằm đánh giá những mặt mạnh, mặt yếu, khó khăn hạn chế trong hoạt động xây dựng mô hình điểm, tạo tiền đề để triển khai tốt hơn trong năm tiếp theo, Ban Chỉ đạo tiến hành hội nghị sơ kết, đánh giá mô hình năm 2014.Qua gần một năm xây dựng mô hình điểm cho thấy đây là một nội dung mô hình quan trọng, mang tính bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của người nông dân nói chung và nông dân xã Bình Đức nói riêng góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, trách nhiệm của người sản xuất đối với sức khoẻ cộng đồng đồng thời huy động được sự tham gia của nông dân trong phong trào vận động nông dân chấp hành pháp luật tại địa phương./.

                                                                                          Đức Hùng

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp