Đánh giá được vai trò quan trọng của câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, đến nay, các cấp Hội Nông dân tỉnh Kon Tum đã nhân rộng được 32 câu lạc bộ, với mỗi câu lạc bộ có từ 35 đến 50 thành viên. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại cơ sở.
Nhận thấy Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” là mô hình tuyên truyền pháp luật phù hợp, phát huy được tính tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp với nếp sống, sinh hoạt của hội viên, nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số, từ việc Trung ương Hội đầu tư xây dựng 05 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” trên địa bàn tỉnh Kon Tum, được sự quan tâm của UBND tỉnh đến nay các cấp Hội đã nhân rộng xây dựng được 32 Câu lạc bộ đang hoạt động ngày càng hiệu quả trong công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật ngay tại cơ sở.
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Hội, sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước của tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã nhân rộng mô hình câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” ở các chi Hội, các xã thuộc các huyện trên địa bàn của tỉnh như Đăk Rú, Đăk Ra, thị trấn ĐắK Glei huyện Đăk Glei; xã Bờ Y, Đăk Nông huyện Ngọc Hồi, xã Tân Cảnh huyện Đăk Tô, xã Tân Lập huyện Kon Rẫy, xã Rờ Kơi huyện Sa Thầy, xã Đăk Mar huyện Đăk Hà, xã Đăk Hà huyện Tu Mơ Rông… . Các câu lạc bộ đã được trang bị tủ sách với hơn 1000 đầu sách các loại, một số các câu lạc bộ được trang bị thêm ti vi, âm ly, loa đài phục vụ cho công tác sinh hoạt định kỳ và tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Các cấp Hội đã phối hợp với các ban, ngành chức năng tổ chức sinh hoạt chuyên đề pháp luật, đảm bảo quy chế hoạt động của câu lạc bộ, nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ cho Ban Chủ nhiệm và thành viên câu lạc bộ. Qua đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật sát và kịp thời hơn với tình hình thực tế và trình độ nhận thức pháp luật của nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số.
Kết hợp với hoạt động của các câu lạc bộ, các cấp Hội đã thành lập 519 tổ trợ giúp pháp lý, điển hình như huyện Đăk Glei thành lập được 112 tổ, huyện Kon Plong thành lập được 89 tổ. Hội Nông dân các huyện đã phối hợp với chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý thực hiện các cuộc trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Vừa qua, tổng kết 8 năm thi hành Luật trợ giúp pháp lý, theo báo cáo, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức trợ giúp pháp lý cho 1.025 đối tượng là các hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số hầu hết đều ở vùng sâu, vùng xa, ít có điều kiện tiếp cận tìm hiểu pháp luật, qua đó giải tỏa được sự nhận thức sai lệch, vướng mắc về pháp lý, được hội viên nông dân phấn khởi và tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đó, công tác phổ biến pháp luật cũng được đẩy mạnh, với 30.912 buổi tuyên truyền cho 1.267.932 lượt người tham gia được tuyên truyền, phổ biến về các Nghị quyết, văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến nông dân như Luật Tố cáo, Luật khiếu nại, Luật đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình…kết hợp với việc cử cán bộ bám địa bàn trọng điểm trong các dịp lễ, tết để nắm bắt tình hình và tuyên truyền chống lại “âm mưu diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động nhờ vậy đã ngăn chặn kịp thời các thủ đoạn kích động, lôi kéo đồng bào vượt biên trái phép góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự trên địa bàn của tỉnh.
Nhằm nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của cán bộ Hội làm công tác chuyên môn về phổ biến pháp luật và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, từ năm 2006 đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp mở được 06 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ cho 620 lượt cán bộ Hội và các huyên, thành Hội đã phối hợp với ngành Tư pháp và Trung tâm Chính trị cùng cấp tổ chức được 35 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 1.230 lượt cán bộ là Trưởng, phó ban, thành viên Ban Chỉ đạo 26 cấp huyện và cấp cơ sở.
Như vậy, nhìn nhận đánh giá lại các kết quả thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong đó có hoạt động của các câu lạc bộ nông dân với pháp luật, công tác tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí cho nông dân, Hội Nông dân tỉnh Kon Tum ghi nhận những ưu điểm, mặt mạnh của mỗi hình thức tuyên truyền đồng thời cũng rút ra những mặt hạn chế và đặt ra trách nhiệm của các cấp Hội để từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân góp phần ổn định an ninh, chính trị tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương ngày càng vững mạnh./.
Hải Linh