Công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật cho nông dân luon được các cấp Hội quan tâm. Nhờ vậy, tình trạng vi phạm pháp luật, khiếu kiện dài, đông người, vượt cấp ở một số địa phương có xu hướng giảm, góp phần ổn định tình hình chính trị trên địa bàn nông thôn.
Trong năm 2014, các cấp Hội ND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 11.183 buổi tuyên truyền cho 558.116 lượt người tham gia; mở 50 lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ báo cáo viên, tuyên truyền viên và thành viên ban chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) “Nông dân với pháp luật” cho 3.580 cán bộ hội cơ sở.
Tại 631 cơ sở hội trong toàn tỉnh đều có cán bộ thường trực tiếp nhận những ý kiến, đối thoại giải quyết những băn khoăn, vướng mắc của nông dân. Trực tiếp tư vấn pháp luật cho 365.321 người, tham gia hòa giải 886 vụ việc cho 5.218 lượt nông dân, phối hợp giải quyết 217 đơn, thư, góp phần hạn chế việc khiếu kiện vượt cấp đông người, giữ vững an ninh - chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các cấp hội còn phối hợp với các đơn vị tổ chức 4.023 cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ công tác hội và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...
Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội ND tỉnh Bắc Cạn đã phối hợp với chính quyền, các ngành, đoàn thể cùng cấp tổ chức tuyên truyền được2.168 buổi/ 75.015 lượt ngườitham gia. Trong đó tuyên truyền về pháp luật được 342 buổi/11.393 lượt hội viên nông dân, trợ giúp pháp lý được 83 buổi/309 lượt hội viên nông dân.
Nội dung tuyên truyền chủ yếu về các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh, các văn bản pháp luật như Luật Cư trú, Luật Phòng, chống mua bán người; Pháp lệnh hòa giải cơ sở; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em…
Cùng với công tác tuyên truyền, hoạt động hoà giải ở cơ sở, xây dựng tủ sách pháp luật được các cấp Hội thực hiện có hiệu quả. HND tỉnh xây dựng được 4 CLB “nông dân với pháp luật” với 200 thành viên (là cán bộ, hội viên có uy tín), đây là những hoà giải viên, nòng cốt trong công tác tuyên truyền pháp luật ở cơ sở. CLB sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần, là nơi nông dân tìm hiểu về chính sách pháp luật, trao đổi tháo gỡ vướng mắc về pháp luật và tư vấn pháp luật cho hội viên nông dân.
Đồng thời, các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tiếp nhận và giải quyết 13 đơn thư khiếu nại tố cáo của nông dân, chủ động sâu sát địa bàn thôn, xóm, nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của hội viên nông dân, giải thích, hướng dẫn và hòa giải thành công 45 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nông dân chủ yếu về tranh chấp đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng và một số mâu thuẫn khác.
Trong năm 2014, 59 câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật" tỉnh Gia Lai đã phối hợp tuyên truyền 4.530 buổi cho hơn 360.000 lượt người, chủ yếu là nông dân ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền trợ giúp pháp lý cho hơn 100.000 lượt người; tư vấn pháp lý cho gần 3.000 lượt nông dân...
Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với ngành Tư pháp mở lớp tập huấn hòa giải viên đầu tiên cho 42 xã trọng điểm trong tỉnh nhằm trang bị những kiến thức về pháp luật, nâng cao kỹ năng hòa giải cơ sở và các Ban hòa giải thôn, làng; phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố Pleiku tổ chức tuyên truyền, phổ biến về Luật Giao thông đường bộ, hướng dẫn lý thuyết và kỹ năng lái xe an toàn.
Hội Nông dân các cấp tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho 3.755 hội viên. Hoạt động của 121 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” được duy trì thường xuyên. Các hoạt động này đã giúp hội viên, nông dân nâng cao hiểu biết, tự tin và mạnh dạn trong sản xuất và đời sống, giảm thiểu tình trạng nông dân vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hôn nhân và gia đình, sinh đẻ có kế hoạch.
Với việc tích cực đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân sẽ giúp vị thế của Hội ngày càng nâng cao.
Hải Châu