Điểm mới cơ bản trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
15:30 - 20/01/2015
Với mong muốn xây dựng giữ gìn “Gia đình Việt Nam truyền thống”, coi trọng “tế bào” của xã hội để “tế bào” đó ngày càng khỏe mạnh góp phần xây dựng xã hội phồn vinh, ấm no và hạnh phúc, ngày 19/6/2014 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thay thế Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.

       Về dung lượng, Luật HN&GĐ 2014 có 9 chương, 133 điều, so với Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 thì luật mới ít hơn 04 chương, nhưng tăng lên 23 điều, có đến 49 điều luật mới. Có thể nói đây là đạo luật được sửa đổi, bổ sung khá đầy đủ, toàn diện, sâu sắc. Sự tiến bộ, toàn diện trong cách nhìn nhận và xây dựng Luật của các nhà làm luật bắt kịp với xu hướng phát triển của xã hội, nhưng vẫn giữ gìn nét truyền thống, giá trị đạo đức của người Việt Nam. Lần đầu tiên vấn đề về hôn nhân giữa những người đồng tính, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, giải quyết hậu quả pháp lý của việc nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, thời điểm chấm dứt hôn nhân được đưa vào Luật…; 75 điều được sửa đổi bổ sung trên nền tảng điều luật cũ như việc xác định độ tuổi kết hôn của nam và nữ, thêm đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn, những quy định về chế độ tài sản của vợ chồng…; và chỉ có 9 điều giữ nguyên luật hôn nhân gia đình năm 2000 thể hiện ở các lĩnh vực như nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn, thuận tình ly hôn, khuyến khích hòa giải ở cơ sở… 
    Những qui định mới cơ bản của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014   
    1. Về Điều kiện kết hôn: Tại khoản 1 Điều 8 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định như sau: “ Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; không bị mất năng lực hành vi dân sự; việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này”. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên là đủ tuổi kết hôn. Theo đó thì nam đã bước sang tuổi hai mươi, nữ đã bước sang tuổi mười tám mà kết hôn là không vi phạm điều kiện về tuổi kết hôn. Tuy nhiên, với cách xác định độ tuổi kết hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, thì độ tuổi kết hôn của nam và nữ bắt buộc nam phải từ đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ phải từ đủ mười tám tuổi trở lên mới được kết hôn (tính tròn tuổi). Luật Hôn Nhân và Gia đình năm 2014 sửa đổi quy định về cách xác định độ tuổi kết hôn là cách tính tròn tuổi (đủ 20 với nam, đủ 18 với nữ) phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật Dân Sự, Hình sự, Hành chính, đảm bảo sự thống nhất, không chồng chéo trong các ngành luật khi xác định độ tuổi của công dân. 
     2. Hôn nhân giữa những người đồng giới: Về hôn nhân giữa những người đồng giới, theo luật mới, việc kết hôn giữa những người cùng giới tính không bị coi là hành vi bị cấm kết hôn, tuy nhiên Luật cũng không thừa nhận hôn nhân của những người đồng giới. Theo quy định tại khoản 2 điều 8 luật HN và gia đình 2014 quy định: “ Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Đây được coi là một bước tiến nhỏ trong việc nhìn nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính của nhà nước ta trong tình hình xã hội hiện nay, tuy nhiên chúng ta không cấm không có nghĩa là chúng ta đã thừa nhận hôn nhân đồng giới. Mặc dù trên thế giới có nhiều quốc gia đã thừa nhận hôn nhân đồng giới, việc chúng ta chưa thừa nhận hôn nhân đồng giới xuất phát từ chỗ chúng ta là nước phương đông, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam chưa cho phép chúng ta chính thức công nhận hình thức hôn nhân đồng tính này, tuy vậy việc không cấm kết hôn giữa những người đồng giới là rất tiến bộ. 
     3. Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Đây là điều luật mới. Theo đó, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định như sau: Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này. Điều đó có nghĩa là quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn vẫn được giải quyết theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, tuy nhiên quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng không giải quyết theo luật HNGD mà được giải quyết theo thỏa thuận của các bên, trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo bộ luật dân sự và quy định pháp luật khác. Tuy nhiên việc thỏa thuân cũng phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người phụ nữ và con, công việc nội trợ cũng đc coi như lao động có thu nhập. Bảo vệ quyền và lợi ích của người phụ nữ và trẻ em. 
     4. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Theo quy định tại khoản 22 điều 3: thì mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi đã áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để ng này mang thai và sinh con. Lần đầu tiên Luật HN&GĐ mới chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Việc mang thai hộ chỉ được áp dụng khi có đầy đủ các điều kiện cụ thể theo quy định pháp luật. Sở dĩ các nhà làm luật đưa ra những điều kiện cụ thể, chặt chẽ về điều kiện mang thai hộ nhằm hạn chế tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại (dịch vụ chửa đẻ thuê, bán con…) với quy định này đã phản ánh được thực trạng hiện nay, và đáp ứng với tình hình phát triển thực tế của các mối quan hệ trong hôn nhân và gia đình. 
     5. Kết hôn giả, Ly hôn giả. Theo quy định tại khoản 11 điều 3 của Luật HN&GĐ 2014 thì kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cánh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch việt nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình và khoản 15 điều 3 thì ly hôn giả tạo là việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách pháp luạt về dân số hoặc để đạt mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân. Đây cũng là một trong những quy định mới, lần đầu tiên được quy định trong luật, kịp thời điều chỉnh quan hệ xã hội phức tạp, ngăn chặn thủ đoạn tinh vi, gian dối đã và đang phát sinh và du nhập trong đoạn hiện nay Theo quy định tại luật điều 10 HN&GĐ 2000 thì những hành vi trên không bị cấm và khi đã không cấm thì không có chế tài, xử phạt, tuy nhiên theo quy định tại khoản 2 điều 5 luật mới thì hành vi kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo là 2 hành vi bị cấm (Ví dụ: kết hôn giả tạo để có quốc tịch mỹ, ly hôn giả tạo để sinh con thứ 3). 
      6. Việc xác định cha mẹ cho con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Khoản 3 điều 93: Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi, với người con được sinh ra. Đây cũng là quy đinh mới, tiến bộ, luật quy định cụ thể, rõ ràng việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi, với người con được sinh ra. Việc quy định cụ thể rõ ràng như trên tránh tình trạng tranh chấp quyền làm cha, mẹ, (đòi con) của người cho noãn cho tinh trùng. Luật khẳng định rõ ràng người con sinh ra trong ống nghiệm không phải là con của người đã cho noãn cho tinh trùng (không có sự ràng buộc gì về pháp lý). 
    7. Tăng thêm đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn. Luật mới bổ sung thêm đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn là cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác. Cụ thể: Khoản 2 điều 51 quy định: “ cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bênh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ” Theo đó, thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn như trước đây thì từ ngày 01-01-2015, cha, mẹ, người thân thích khác cũng có thể yêu cầu giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. 
     Có thể nói sự ra đời của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã đáp ứng nguyện vọng đông đảo của nhân dân, sự tiến bộ trong Luật mới tạo cơ sở pháp lý cho để chúng ta ngày càng hoàn thiện về các chế định hôn nhân và gia đình, không ngừng hoàn thiện xây dựng gia đình Việt Nam theo tiêu chí Đại hội XI, của Đảng: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội”.
       
                                                                     Lê Hà

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp