Bắc Giang: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nông dân
Năm 2014, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý cho cán bộ, hội viên, nông dân. Trong năm, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 153.483 lượt cán bộ, hội viên, nông dân.
Xác định nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các cấp Hội tỉnh Bắc Giang đã triển khai đồng bộ và vận dụng nhiều cách thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân có hiệu quả, giúp hội viên nông dân nâng cao nhận thức pháp luật về nhiều nội dung như: Hiến pháp Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật đất đai, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành thiết kiệm chống lãng phí, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ Luật Dân sự, Luật bảo vệ môi trường, Luật Biển, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo…năm 2014 các cấp hội đã phối hợp tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật cho 153.483 lượt người; trợ giúp pháp lý cho 15.855 lượt người.
Qua đó đã tư vấn, giải đáp nhiều câu hỏi, vướng mắc liên quan đến sản xuất, phát triển kinh tế, chính sách thuế nông nghiệp, hỗ trợ vốn, pháp luật đất đai…cung cấp nhiều dịch vụ pháp lý miễn phí cho nông dân. Điển hình các huyện làm tốt công tác này là Việt Yên, Hiệp Hoà, Lục Ngạn, Tân Yên và thành phố Bắc Giang.
Với mục tiêu nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, phối hợp với Ban Kiểm tra TW Hội và các ban ngành chức năng tổ chức 20 lớp tập huấn nghiệp vụ thực hiện Chỉ thị số 26/TTg cho 1.966 lượt cán bộ, hội viên nông dân, thành viên Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại các huyện, thành phố.
Kết hợp tuyên truyền miệng, tỉnh Hội đã phối hợp chỉ đạo duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của 168 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” trên địa bàn tỉnh. Chế độ sinh hoạt định kỳ với nội dung phong phú, thực hiện các mô hình, các điểm trợ giúp pháp lý lưu động, tổ chức các buổi tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật ngay tại cơ sở. Hội Nông dân tham gia vào các tổ hoà giải, thực hiện công tác dân vận tại địa phương, thành viên là các chi hội trưởng, cán bộ thôn nhiệt tình, tâm huyết, am hiểu pháp luật, hiểu biết xã hội và có kỹ năng vận động giúp giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ, giữ gìn truyền thống đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Các cấp Hội phối hợp với chính quyền cùng cấp tham gia tiếp dân định kỳ hàng tháng tại các điểm tiếp dân, nghe công dân phản ánh các nội dung khiếu nại, tố cáo đồng thời phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng tham gia giải quyết 26 đơn, thư khiếu nại, tố cáo của nông dân, hoà giải thành công 69 vụ việc. Ngày 15 hàng tháng lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh cùng Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành có liên quan tham gia tiếp dân tại trụ sở tiếp dân Ủy ban nhân dân tỉnh. Thực hiện quy định tiếp công dân tại trự sở tỉnh Hội, ngày 20 hàng tháng lãnh đạo tỉnh Hội trực tiếp tiếp nông dân. Hội Nông dân tỉnh cũng phân công 01 đồng chí Thường trực và 01 đồng chí lãnh đạo Ban Kiểm tra tham gia Tổ công tác giải quyết “điểm phức tạp” của tỉnh (do Ban Dân vận Tỉnh ủy là cơ quan thường trực) đã thường xuyên nắm tình hình và đề xuất các biện pháp tuyên truyền, vận động nhằm giảm thiểu các “điểm phức tạp” trên địa bàn được phân công phụ trách.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp hội tuyên truyền, triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Tỉnh hội đã kiện toàn bổ sung 2 đồng chí vào Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ Hội Nông dân tỉnh, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh có các văn bản chỉ đạo Hội Nông dân các cấp thực hiện các nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đạt hiệu quả. Vận động cán bộ, hội viên tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt, học tập Quy chế dân chủ, xây dựng hương ước thôn, bản nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cá nhân, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.
Năm 2015, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp hội tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tỉnh Hội ký chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương Bắc Giang giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014 – 2020 đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội.
Dựa trên Quy chế phối hợp hoạt động giữa Ủy ban nhân dân với Hội Nông dân cùng cấp tham gia công tác tiếp dân giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân. Tập trung tuyên truyền những văn bản pháp luật và các chính sách có liên quan đến nông nghiệp, nông dân nhất là những nơi thực hiện thu hồi đất bồi thường và giải phóng mặt bằng. Qua đó góp phần ổn định tình hình ở các thôn, xã có “điểm ấm”, “điểm phức tạp” , tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, củng cố và nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức Hội các cấp./.
Đức Dũng