Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi.
Báo cáo của Chính phủ cho biết: Sau hơn 12 năm thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, Chính phủ đã tập trung quản lý, điều hành vĩ mô trên các mặt của đời sống kinh tế-xã hội; từng bước xóa bỏ cơ chế chủ quản của các bộ đối với doanh nghiệp; tách chức năng quản lý Nhà nước với chức năng cung cấp dịch vụ công của các bộ, cơ quan ngang bộ; xây dựng nền hành chính Nhà nước thống nhất, thông suốt, liên tục và hiệu lực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương.
Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 và thực tế điều hành còn một số hạn chế, bất cập.
Đó là, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 chưa bao quát được hết các chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ trong quá trình điều hành hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Các quy định chưa phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, chưa bao quát hết các lĩnh vực quản lý Nhà nước và chưa tương xứng với vị trí, vai trò của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất; chưa phân định rõ vị trí, chức năng của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ.
Mối quan hệ giữa Chính phủ với chính quyền địa phương chưa được xác định cụ thể, nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với chính quyền địa phương; chưa thực hiện tốt nguyên tắc cơ quan cấp dưới phải phục tùng sự chỉ đạo, lãnh đạo và các quyết định của cơ quan cấp trên.
Bên cạnh đó, chưa có cơ chế để Chính phủ bảo vệ các sáng kiến pháp luật hoặc các dự án luật do Chính phủ đề xuất.
Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013, bước phát triển mới trong quá trình lập hiến đã có nhiều quy định mới về Chính phủ và các thiết chế tổ chức quyền lực Nhà nước.
Về mục tiêu, quan điểm xây dựng Luật, các đại biểu nhất trí với báo cáo thẩm tra đề nghị Chính phủ cần bổ sung quan điểm xây dựng một Chính phủ sáng tạo, năng động, tinh gọn về tổ chức, hiệu lực, hiệu quả về hoạt động, đủ tầm quản lý, giải quyết các nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Đồng thời, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần tham khảo, đối chiếu nội dung của dự án Luật tổ chức Chính phủ với các dự án luật về tổ chức bộ máy sẽ được trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 như dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương để bảo đảm tính thống nhất của các quy định có liên quan về tổ chức trong hệ thống pháp luật.
Hải Tâm (TH)