Thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở đã góp phần làm bộ mặt nông thôn của tỉnh Long An có nhiều đổi thay, tính riêng năm 2015, hội viên, nông dân của tỉnh đã đóng góp 170 tỷ đồng và 24 ngàn ngày công lao động.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng việc phát huy quyền làm chủ của các cấp Hội và hội viên, nông dân tham gia đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới. Hội Nông dân tỉnh Long An đã tổ chức quán triệt Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn…các văn bản hướng dẫn thi hành của Ban Chỉ đạo và của Trung ương Hội đến toàn thể cán bộ chủ chốt của các cấp Hội. Xây dựng kế hoạch chỉ đạo cơ sở triển khai Pháp lệnh thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Quyết định 217 và 218/QĐ-TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội về việc tham gia giám sát phản biện xã hội; quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội tham gia đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền; Hướng dẫn số 637-HD/HNDTW ngày 14/7/2014 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về công tác kiểm tra, giám sát phản biện xã hội trong hệ thống Hội Nông dân Việt Nam đến từng chi, tổ Hội. Hội Nông dân các huyện, thị, thành phố có kế hoạch triển khai cho các xã, phường, thị trấn qua các kỳ họp Ban Chấp hành, sinh hoạt chi tổ Hội
Bên cạnh đó lồng ghép trong phát động phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo quốc phòng - an ninh; lồng ghép vào nội dung sinh hoạt của các Câu lạc bộ nông dân với pháp luật theo nhiều quy mô, phạm vi phù hợp với từng địa bàn cơ sở; tổ chức phát tờ rơi, tờ gấp về nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tổ chức học tập về nội dung thực hiện Quy chế dân chủ được 4.787 buổi có 126.943 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, nông dân về quy chế dân chủ.
Phát huy quyền làm chủ trong hoạt động kinh tế, sản xuất ngoài việc cử đại diện tham gia kiểm tra, giám sát các chương trình dự án của Nhà nước thực hiện tại cơ sở để thực sự các công trình được xây dựng với chất lượng tốt, phát huy đúng mục đích sử dụng và đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giảm nghèo, giải quyết việc làm, phong trào gia đình nông dân văn hóa do Hội phát động tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, được đông đảo cán bộ, hội viên đăng ký thực hiện.
Phong trào xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được hội viên, nông dân tích cực tham gia tu sửa cầu, bê tông hóa đường liên xóm, khoan giếng nước sạch, kéo điện … bàn bạc thảo luận thống nhất mức đóng góp và phương pháp thực hiện các công trình. Kết quả, nhờ có sự đồng thuận nên hội viên, nông dân trong năm đã đóng góp được 170 tỷ đồng và 24 ngàn ngày công lao động từ đó các công trình đều được thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Năm 2015, được sự hỗ trợ của Trung ương Hội, Hội Nông dân tỉnh và Hội Nông dân huyện Tân Trụ thống nhất chọn xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ xây dựng mô hình điểm Hội Nông dân tham gia giải quyêt khiếu nại, tố cáo gắn với thực hiện pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Đây là địa bàn đang quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, nông dân vẫn còn bức xúc trong việc kê biên, bồi thường bố trí tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Hội Nông dân và UBND xã đã ký kết Quy chế phối hợp thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của UBND và của Hội trong việc thực hiện. Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật và triển khai việc thực hiện quy chế dân chủ cho hội viên nông dân ở các chi, tổ Hội trong xã. Cán bộ, hội viên, nông dân đã tích cực đóng góp xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; đóng ý kiến xây dựng quy ước, hương ước ở cộng đồng. Góp phần xây dựng ấp văn hóa, khu dân cư tiên tiến.
Đẩy mạnh quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống dân sinh đã góp phần nâng cao ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật. Các mâu thuẫn nhỏ phát sinh trong nội bộ nông dân được hòa giải. Các cấp Hội đã tham gia hòa giải thành 2.154 vụ việc mâu thuẫn tranh chấp, nhận 396 đối tượng vi phạm pháp luật đã cải tạo để cảm hoá giáo dục tại chi, tổ Hội. Qua đó đẩy lùi được các tệ nạn xã hội, ngăn chặn, phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở nông thôn./.