Hội ND Bình Định làm tốt công tác kiểm tra
10:36 - 10/03/2009

     HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

                              *                        Hà Nội, ngày 17  tháng 5 năm 2012

              Số  35 - BC/HNDTW

 

BÁO CÁO

Tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng giai đoạn 2007- 2011

_________

 

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng là một trong 3 phong trào lớn do Hội Nông dân Việt Nam phát động từ năm 1989; đến nay đã phát triển trở thành phong trào quần chúng sâu rộng trong cả nước, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên và nông dân tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, tăng thêm hộ nông dân khá, giàu, tạo thêm công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho hàng triệu hộ nông dân.

Phát huy những thành tích đã đạt được, 5 năm qua, bên cạnh những thuận lợi do tiến trình đổi mới đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế đem lại, đất nước ta cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức do sự yếu kém vốn có của nền kinh tế, khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu cùng những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, các hoạt động chống phá, kích động bạo loạn, diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường; ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp. Trong bối cảnh đó, cán bộ, hội viên, nông dân cả nước đã nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ V Hội Nông dân Việt Nam, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tích, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào tiếp tục phát triển.

 

Phần thứ nhất

KẾT QUẢ PHONG TRÀO NÔNG DÂN THI ĐUA SẢN XUẤT,

 KINH DOANH GIỎI 5 NĂM ( 2007- 2011)

I- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào. 

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng (gọi tắt là Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi) luôn được các cấp Hội quan tâm đặt thành mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm hằng năm để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V tiếp tục đề ra nhiệm vụ nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào, phấn đấu để phong trào có bước phát triển mới về chất.

Để phong trào ngày càng phát triển và nâng cao hiệu quả; ngày 04/4/2008, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã ban hành Quy định số 135 - QĐ/HND về “Quy định tiêu chuẩn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp”, năm 2011, tiếp tục sửa đổi, bổ sung để ban hành Quy định số 18-QĐ/HNDTW quy định về tiêu chuẩn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp phù hợp với tình hình mới. Trong các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành, đều coi trọng và đưa vào mục tiêu, nhiệm vụ phát triển phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Hàng năm, Trung ương Hội giao chỉ tiêu cụ thể về số hộ nông dân SXKD giỏi các cấp cho các tỉnh, thành Hội; chỉ đạo các cấp Hội sâu sát cơ sở, thường xuyên kiểm tra các hoạt động của phong trào để đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra biện pháp chỉ đạo phong trào một cách sát thực, hiệu quả.

Ban Thường vụ Trung ương Hội đã chỉ đạo củng cố và đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống báo, tạp chí, bản tin, website của Hội; đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương nhằm tăng cường thông tin phục vụ cho nhu cầu phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Các cấp Hội đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao trình độ cho nông dân về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; nắm vững các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thực hiện phương châm đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo phong trào; chuyển mạnh sang hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về vốn, giống, khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, dạy nghề… tạo điều kiện giúp các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi phát triển sản xuất, Trung ương Hội đã sơ kết, tổng kết và ban hành nhiều văn bản mới để đổi mới và nâng cao hiệu quả hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Trung ương Hội đã tích cực chỉ đạo các cấp Hội và chủ động phối hợp với các Bộ, ngành triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; ký Nghị quyết liên tịch với các bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn; tập huấn khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư cho hàng triệu lượt hội viên, nông dân; hướng dẫn xây dựng hàng ngàn mô hình trình diễn, mô hình kinh tế hợp tác, mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn ViệtGAP... nhằm khai thác được nhiều nguồn lực, phát huy tiềm năng đa dạng của địa phương, đưa phong trào đạt được kết quả thiết thực. Phối hợp với các doanh nghiệp triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân như: Chương trình tăng cường thông tin cho nông dân trồng lúa ở 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; tổ chức các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại để quảng bá nông sản; triển khai hệ thống “sàn kết nối cung cầu nông nghiệp, thực phẩm” giúp nông dân nắm bắt thông tin thị trường; cung ứng vật tư nông nghiệp theo hình thức trả chậm được hơn 10.000 máy móc, xe vận chuyển các loại, gần 800.000 tấn vật tư phân bón các loại và nhiều loại thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật... giúp nông dân phát triển sản xuất.

Trong hoạt động tạo vốn, Hội Nông dân Việt Nam đã ký nghị quyết liên tịch với một số ngân hàng giúp nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay đã xây dựng được 63.186 Tổ vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với 627 ngàn thành viên, dư nợ gần 12 nghìn tỷ đồng; xây dựng gần 70 nghìn Tổ Tiết kiệm và vay vốn, với gần 2,5 triệu thành viên tham gia chương trình cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác do Ngân hàng Chính sách xã hội uỷ thác, dư nợ trên 32,3 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, các cấp Hội tích cực vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đến năm 2011, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã tăng thêm gần 1000 tỷ đồng, trong đó có 300 tỷ ngân sách Trung ương bổ sung năm 2011 cho Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương Hội. Nguồn vốn trên đã giúp trên 72 ngàn hộ vay để sản xuất, kinh doanh.

Cùng với việc khai thác các nguồn lực và chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Hội Nông dân Việt Nam đã tích cực xây dựng cơ sở vật chất, nguồn lực của Hội để hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế. Đến nay, Hội đã xây dựng hệ thống các trung tâm có chức năng dạy nghề và hỗ trợ nông dân từ Trung ương đến các khu vực và địa phương với 52 cơ sở; trong đó có 01 Trường Trung cấp nghề mới thành lập; đang tiếp tục đầu tư xây mới và nâng cấp các trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân cấp tỉnh để trực tiếp tổ chức các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ, tư vấn và dạy nghề cho nông dân. Hằng năm, hệ thống trung tâm dạy nghề của Hội đã trực tiếp dạy nghề và phối hợp dạy nghề được gần 200.000 người.

Nhìn chung, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào của các cấp Hội từ công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề... cho nông dân đến việc kiểm tra, tổng kết, phong trào đã dần đi vào nề nếp, do vậy việc công nhận các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã bảo đảm sát thực tế hơn.

II- Những kết quả nổi bật của phong trào.

1- Phong trào tiếp tục phát triển sâu rộng, tăng nhanh về số lượng, quy mô và hiệu quả kinh tế- xã hội.

Trong 5 năm qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước với nhiều biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, đề ra nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; do vậy Phong trào tiếp tục được duy trì và phát triển cả về số lượng, quy mô và chất lượng, hiệu quả kinh tế, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, đưa nền kinh tế sớm ra khỏi ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

 Trong giai đoạn 2007-2011, bình quân hàng năm, số lượng hội viên, nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tăng 4,3%, đạt 8,21 triệu lượt hộ đăng ký, chiếm 53,4% so với tổng số hộ nông dân cả nước; trong đó, số hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đến năm 2011 là 4,24 triệu hộ, chiếm 51,6% số hộ đăng ký. Nhiều địa phương có số hộ đăng ký và đạt danh hiệu “nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cao là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và các tỉnh: Thái Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Hậu Giang…

Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao, xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng trăm tỷ đồng, thu hút hàng chục, hàng trăm lao động, thu nhập hàng năm từ 100 triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng. So với giai đoạn 2002 - 2007, số hộ có mức thu nhập trên 200 triệu đồng/ năm tăng gấp 3 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/ năm tăng 5 lần. Đã có nhiều tấm gương nông dân không cam chịu đói, nghèo quyết tâm vươn lên, vượt qua khó khăn, thử thách, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác mọi tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả; trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi, điển hình như: Ông Chang Váng Sinh, dân tộc Hà Nhì, bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, khai thác lợi thế của đất đồi, rừng phát triển mô hình chăn nuôi đại gia súc với trên 100 con trâu, bò và hàng chục ha ngô, lúa cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/mỗi năm. Hộ gia đình ông Lê Đình Tiếp quận Hà Đông, TP Hà Nội đã cải tạo 4,4 ha đất mặt nước và đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả thành những ao nuôi cá cho năng suất cao, kết hợp trồng cây ăn quả và cây cảnh, năm 2009 có thu nhập khoảng 700 triệu đồng, năm 2011 đã cho thu nhập trên 1,4 tỷ đồng, bình quân thu nhập 29 triệu đồng/ khẩu/ tháng, luôn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 10 lao động, giúp đỡ kinh nghiệm sản xuất và vốn không lấy lãi cho 7 hộ nông dân nghèo. Hộ gia đình bà Đặng Thị Dịu với mô hình 10 ha nuôi tôm he chân trắng phương pháp công nghiệp, tại Đầm Hà, Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, cho doanh thu năm 2010 đạt 7,5 tỷ đồng, lãi 3 tỷ đồng, thu hút 30 lao động thường xuyên, bình quân lương đạt 3,5 triệu đồng/lao động. Hộ gia đình ông Yon Niê, ở buôn Sut, thị trấn Ea pôk, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắc Lắc với hơn 6 ha cà phê, 22 ha cao su cho thu nhập gần 3 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm ổn định cho 12 lao động và 30 lao động mùa vụ, giúp 3 hộ thoát nghèo với số tiền cho vay không lãi là 40 triệu đồng, giúp 3 hộ xoá nhà dột nát, góp hàng chục triệu đồng sửa chữa đường nông thôn. Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Phúc, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long với mô hình VAC 4,25 ha và dịch vụ lợi nhuận đạt 2,5 tỷ đồng/ năm. Mô hình chăn nuôi điển hình của ông Phạm Văn Hải xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc trên diện tích 1000m2 đất trang trại chăn nuôi cho doanh thu 8,2 tỷ/năm, trừ chi phí lãi 3,5 tỷ/ năm. Mô hình trồng rau sạch của ông Lê Văn Cường, phường 8 TP Đà Lạt, có 1,8 ha đất, thu nhập đạt 1tỷ/ năm...

2- Phong trào từng bước góp phần thúc đẩy hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp trong nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các cánh đồng mẫu lớn... để liên kết, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; một số hộ nông dân SXKD giỏi đã đại diện cho người sản xuất, bàn bạc và ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất lớn; phát huy thế mạnh của mỗi vùng, miền, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hoá đặc trưng. Điển hình như cánh đồng mẫu lớn trồng đậu tương, bí Đài Loan ở Thái Bình; cánh đồng mẫu lớn vài trăm ha theo vùng sản xuất lúa gạo ở các tỉnh: Vĩnh Long; An Giang; Đồng Tháp, Trà Vinh; Bạc Liêu...Qua đó tạo điều kiện cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích lớn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất, nâng cao năng suất bình quân toàn vùng, gia tăng chất lượng sản phẩm và làm nền tảng cho việc sản xuất  theo tiêu chuẩn VietGAP.

Phong trào đã góp phần thúc đẩy việc thành lập các loại hình trang trại, gia trại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay cả nước có 20.065 trang trại; trong đó, có 8.642 trang trại trồng trọt, 6.202 trang trại chăn nuôi, 4.433 trang trại nuôi trồng thủy sản và nhiều mô hình sản xuất lâm nghiệp, mô hình kinh tế tổng hợp. Diện tích đất sử dụng bình quân 7,9ha/1 trang trại; doanh thu bình quân đạt 1,9 tỷ đ/năm.  

 Nhiều hộ nông dân SXKD giỏi đã thành lập các doanh nghiệp loại vừa và nhỏ trong nông thôn hoặc làm sáng lập viên thành lập các tổ hợp tác, HTX nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tham gia tích cực củng cố và phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Hiện cả nước có 9.199 hợp tác xã nông, lâm, ngư nghiệp, trong đó có 971 hợp tác xã mới thành lập và trên 300.000 tổ hợp tác. Quá trình củng cố và phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn có vai trò đi đầu của các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

  Ngoài ra, còn xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới, như ở thành phố Hồ Chí Minh có 1.663 ha trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao, sản lượng đạt khoảng 30.000 tấn/năm, đặc biệt là diện tích rau sản xuất trong nhà lưới cho giá trị kinh tế cao; hơn 700 ha trồng hoa, cây cảnh, đươc các hộ nông dân áp dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa cảnh đem lại thu nhập đến 1 tỷ đồng/ha/năm... Những năm gần đây đã xuất hiện nhiều trang trại chăn nuôi qui mô lớn, nuôi hàng ngàn lợn thịt, hàng trăm lợn giống theo công nghệ tiên tiến...

Nhiều nông dân đã mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi sáng chế ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao như: ông Lưu Trọng Khánh, huyện Tân Yên, tỉnh  Bắc Giang đã thuê lại những khu đất sỏi đá, bạc màu với trên 6,5 ha để cải tạo và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật cao về phân bón, chọn giống cây phù hợp như khoai tây Mỹ, lúa Việt lai, bí xanh lai cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm, lợi nhuận thu được trên 350 triệu đồng mỗi năm; hộ gia đình bà Phạm Thị Năm, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với mô hình khép kín: nuôi heo, cung cấp sản phẩm phụ cho hầm Biogas, chất thải hầm Biogas nuôi cá, góp phần giảm chi phí đầu tư... Ngoài ra, nhiều nông dân có những sáng chế, giải pháp kỹ thuật được nhận giải thưởng cao trong các cuộc thi VIFOTEC, “Nhà nông sáng tạo” như ông Huỳnh Thái Dương ở tỉnh Bình Thuận, với sáng chế máy tẽ bắp lai nguyên vỏ đạt giải nhất cuộc thi “Nhà nông sáng tạo”, giải nhì cuộc thi VIFOTEC toàn quốc; sáng chế đầu phun nước (Béc) tưới cây của ông Đặng Tám, tỉnh Đắc Lắc; sáng chế Hộp phân phối và dụng cụ gieo hạt của ông Tô Hồng Quân, tỉnh Long An; các giải pháp trồng và chăm sóc dứa Qeen trái vụ của ông Nguyễn Xuân Trường, tỉnh Bắc Giang; kỹ thuật trồng và chăm sóc chanh giấy không hạt của ông Lê Văn Xê, tỉnh Bình Dương… đều đạt được kết quả cao trong cuộc thi “Nhà nông sáng tạo”.

 3- Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo động lực thúc đẩy hàng triệu hộ nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới như nuôi dế, đà điểu, trăn, cá sấu, hươu, nhím, lợn rừng, trồng nấm, rau má, trồng hoa, cây cảnh…, phá vỡ thế độc canh sản xuất các cây, con truyền thống góp phần đa dạng hoá sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn. Tại thành phố Hồ Chí Minh, hộ gia đình ông Bùi Hoàng Long, ông Hồ Minh Huệ, ông Nguyễn Thông Quang ở Quận 12, đã cải tạo khu đất thùng vũng, vườn tạp thành các khu vực nuôi trăn thịt, trăn nái và làm dịch vụ thuộc da trăn, mỗi năm doanh thu hàng tỷ đồng/ha; hộ gia đình Bà Trần Ngọc Tuyết, xã Hoà Phú, huyện Củ Chi đã chuyển đổi gần 2 ha vườn tạp để trồng hơn 80.000 gốc lan Moka cho thu nhập trên 1,2 tỷ đồng mỗi năm, đến nay bà Tuyết đã tham gia thành lập Hợp tác xã trồng hoa lan có quy mô lớn ở huyện Củ Chi; hộ ông Nguyễn Văn Dũng, xã Bảo Ninh, huyện Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình nuôi đà điểu sinh sản cho thu nhập gần 3 tỷ đồng mỗi năm, cung ứng con giống, phổ biến kinh nghiệm nuôi cho hội viên nông dân các chi Hội, tạo vùng sản xuất hàng hoá... Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi nghề nghiệp, sang làm dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Điển hình như gia đình ông Bùi Ngọc Dựng - xã Định Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa: từ một nông dân nghèo, sản xuất độc canh cây lúa, đến nay đã chuyển sang sản xuất kinh doanh nghề làm gạch, ngói; đóng tàu thuyền, doanh thu năm 2011 đạt trên 48 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 4,163 tỷ đồng; nộp ngân sách 2,075 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 400 lao động; ông Trần Quang Minh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, từ một nông dân nghèo đi làm thuê, đã tích luỹ mua được 40 ha đất sản xuất lúa kết hợp nuôi cá, làm dịch vụ máy cày, máy gặt đập liên hợp cho lợi nhuận 1,4 tỷ/năm, đóng góp cho ngân sách mỗi năm 100 triệu đồng, thu hút trên 60 lao động có thu nhập ổn định.

4- Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới, đoàn kết, tương thân, tương ái giúp nhau xoá đói giảm nghèo. Góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia.

Phong trào đã khuyến khích, động viên nông dân, phát huy  tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau xoá đói giảm nghèo, thi đua làm giàu; xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn; tích cực tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước. Thông qua phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân cả nước đóng góp 3.700 tỷ đồng và trên 70 triệu ngày công cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, trong đó đã làm mới và sửa chữa 645 ngàn km đường giao thông nông thôn, tăng gấp đôi so với giai đoạn trước; xây mới và cải tạo 471 nghìn km kênh mương, 40.600 cầu, cống, 27.280 phòng học, trạm xá xã… Nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã hiến đất và tích cực góp vốn đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi như trường học, trạm xá, trạm điện, cầu cống, đường giao thông nông thôn… Chỉ riêng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hơn một năm qua, hội viên, nông dân cả nước đã đóng góp được gần 12 triệu ngày công, trên 4,2 ngàn tấn lương thực giúp đỡ 110 ngàn lượt hộ nông dân nghèo; ủng hộ Quỹ vì người nghèo gần 7 tỷ đồng và trên 3 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào vùng bão lụt; đóng góp 6,8 tỷ đồng xây tặng nhà tình nghĩa, tình thương cho những hộ không có nhà ở, góp phần giúp trên 7 ngàn hộ thoát nghèo, xoá 2.521 nhà tạm…

Qua Phong trào, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ nông dân giỏi với các hộ nông dân nghèo đã trở thành nề nếp trong sản xuất và đời sống văn hoá của cộng đồng nông thôn. Các hộ nông dân SXKD giỏi đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho hơn 10,5 triệu lao động, trong đó có trên 3,3 triệu lao động có việc làm thường xuyên; hơn 7 triệu lao động có việc làm theo mùa vụ hoặc  khâu công việc; giúp đỡ vốn; giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 7,1 triệu lượt hộ nông dân; giúp hơn 150 ngàn hộ nông dân thoát được nghèo và đang vươn lên làm ăn khá giả. Ngoài ra, phong trào đã động viên, khuyến khích các hộ nông dân giỏi làm được hàng ngàn căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa và giúp cho trên 1 triệu hộ nghèo cải thiện điều kiện nhà ở và có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất. Hàng năm, đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho các quỹ ở địa phương. Nhiều nông dân SXKD giỏi đã trở thành hạt nhân đoàn kết và nhân tố hoà giải có uy tín trong cộng đồng cư dân nông thôn, điển hình như, ông Khâu Kiến Sơn ở Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh với trang trại 100 ha cao su, hàng năm đã tạo việc làm ổn định cho hơn 50 lao động, đã xây và cấp 20 căn nhà cho 20 hộ nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng 03 phòng học tặng cho trường phổ thông trong xã; tặng 01 xe lăn cho Hội Người khuyết tật và 05 xe đạp cho Hội Khuyến học; mỗi năm ủng hộ hàng chục triệu đồng cho các quỹ của địa phương. Hộ gia đình ông Thái Duy Bình ở phường Đạo Long, tỉnh Ninh Thuận với mô hình SXKD tổng hợp trên 2,7 ha cho thu nhập mỗi năm 4,5 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động với thu nhập ổn định 2,5 triệu đồng/lao động/tháng, giúp 03 hộ nghèo xây dựng nhà ở và ủng hộ hàng chục triệu đồng cho các quỹ ở địa phương mỗi năm; hộ ông Bùi Văn No, huyện Cần giờ - TP Hồ Chí Minh, đã tạo việc làm thường xuyên cho 16 lao động, giúp đỡ kinh nghiệm và kiến thức khoa học kỹ thuật cho 15 hộ, cho 03 hộ vay 15 triệu đồng làm vốn ban đầu; mô hình SXKD tổng hợp của hộ ông Phạm Văn Quế, tỉnh Hà Nam đã tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động; hộ gia đình ông Bùi Văn Chung xã An Bình, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình  với mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng cho doanh thu 1,7 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt hơn 600 triệu đồng, ông đã tích cực ủng hộ các quỹ và ủng hộ 65 triệu đồng cho 07 hộ nghèo, hộ chính sách; hộ gia đình ông Phạm Trí Thức, xã Tịnh Biên, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, là một cựu chiến binh đã đầu tư khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ, lợi nhuận đạt hơn 400 triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho 25 lao động có thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng, với 3 tàu; tham gia thành lập đội dân quân tham gia ngăn cản tàu nước ngoài thăm dò vùng biển đảo Việt Nam, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

5- Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, nâng cao vai trò, vị thế của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.    

Phong trào đã có sức thu hút và tạo sự gắn bó ngày càng chặt chẽ hơn giữa tổ chức Hội với hội viên, nông dân, góp phần thúc đẩy xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao.

 Hiện nay 100% thôn, ấp, bản có nông dân đã có tổ chức Hội, với 93.727 chi Hội, trong đó có 84.623 chi Hội theo thôn, xóm cụm dân cư; 1.977 chi Hội nghề nghiệp, dịch vụ; 389 chi Hội theo hợp tác xã; 232 chi Hội theo các loại hình khác (như chi Hội nông, lâm trường, chi Hội doanh nghiệp…) và 172.816 tổ Hội. Trong 5 năm, đã kết nạp thêm hơn 2 triệu hội viên; nâng tổng số hội viên đến nay lên trên 10,5 triệu, chiếm 84,3% số hộ làm nông nghiệp.

Từ kết quả Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn  nhau xóa kết giúp đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng; Đảng và Nhà nước đã đánh giá cao vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp nông dân đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện qua việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện để Hội Nông dân phát huy tốt vai trò tập hợp và vận động nguồn nhân lực quan trọng của đất nước cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để thực hiện Nghị quyết, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho Trung ương Hội xây dựng Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020” và Ban Bí thư đã thông qua tại Kết luận số 61-KL/TW, ngày 03/12/2009. Sau đó Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 1045/QĐ-TTg ngày 07/7/2010 phê duyệt về Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2015” và nhiều chính sách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.

Trong những năm qua, nhiều bộ, ngành đã tích cực phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam để triển khai tổ chức, thực hiện một số nội dung công việc trong các chương trình, dự án của Nhà nước về đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh xây dựng đời sống văn hoá, bảo vệ trật tự an toàn xã hội ở nông thôn thông qua ký kết các Chương trình phối hợp, các Nghị quyết liên tịch... coi việc phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam là một kênh quan trọng để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nông dân.

II- Đánh giá chung

1- Ưu điểm:

Những kết quả trên đây đã khẳng định Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa trên phạm vi cả nước, trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, trở thành một tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội nông thôn; lôi cuốn, khích lệ hàng triệu hộ nông dân phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Mặc dù trong những năm qua nước ta bị ảnh hưởng rất lớn bởi thiên tai, dịch bệnh và khủng hoảng tài chính thế giới… nhưng phong trào đã động viên nông dân phát huy truyền thống cần cù, chịu khó, sáng tạo góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước: Giữ vững an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy xuất khẩu nông sản hàng hoá; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp trong nông thôn; đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị nông thôn, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới... tạo tiền đề vững chắc cho đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đạt được những kết quả trên là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt của Chính phủ đối với nền kinh tế của đất nước, trong đó, đã coi trọng vai trò có ý nghĩa chiến lược lâu dài của nông nghiệp trong việc ổn định xã hội, bảo đảm an ninh lương thực và cải thiện đời sống nông dân, tiếp tục tăng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; bên cạnh đó, các cấp, các ngành, các địa phương tích cực phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cùng với sự tích cực đổi mới phương thức hoạt động của các cấp Hội nông dân trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào từ hoạt động tuyên truyền, vận động thuần túy, sang đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân của Ban Chấp hành Hội Nông dân các cấp và sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân cả nước, đã góp phần đưa phong trào tiếp tục phát triển sâu rộng, hiệu quả cao.

Có thể nói 5 năm qua, Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã có sự tiến bộ vượt bậc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình, tiên tiến - họ là những tấm gương sáng của tinh thần bền bỉ vượt khó, không cam chịu đói nghèo, quyết chí làm giàu chính đáng cho chính mình và giúp đỡ người khác cùng vươn lên làm giàu.

2- Những hạn chế, yếu kém:

 Kết quả Phong trào phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, miền, các địa phương; công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho nông dân nhìn chung chưa đi vào chiều sâu, chưa làm chuyển biến nhận thức của một bộ phận nông dân trong việc khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên, vẫn còn một bộ phận nông dân trông chờ, ỷ lại, chưa tích cực thi đua sản xuất, khai thác tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của địa phương mình để phát triển sản xuất, xóa bỏ đói nghèo, vươn lên làm giàu.

  Một số cấp Hội chưa thật sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, chưa có nhiều giải pháp, cách làm cụ thể nên kết quả chung của phong trào có mặt còn hạn chế, số hộ giàu, hộ khá chưa nhiều.

 Một số nơi chưa quan tâm đúng mức đến các tiêu chuẩn giúp nhau xoá đói, giảm nghèo khi xét các hộ nông dân đạt danh hiệu thi đua các cấp, làm cho tính chất và nội dung của phong trào chưa đúng, chưa toàn diện. Việc xây dựng và tổ chức nhân rộng mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi còn lúng túng và thiếu nguồn lực.

Nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi quy mô còn nhỏ, phương thức sản xuất cá thể, tự phát; trình độ khoa học - kỹ thuật và quản lý còn yếu; chưa coi trọng các yếu tố liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến hậu quả chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường; chưa thể hiện rõ nét vai trò đoàn kết giúp nhau trong sản xuất và đời sống.

3- Nguyên nhân:

 Một số cấp Hội chưa thật sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, chưa có nhiều giải pháp, cách làm cụ thể nên kết quả chung của phong trào có mặt còn hạn chế, số hộ giàu, hộ khá chưa nhiều.

 Công tác kiểm tra, đôn đốc, sơ tổng kết phong trào có lúc, có nơi chưa kịp thời đã ảnh hưởng đến kết quả của phong trào. 

 Sự phối kết hợp của Trung ương Hội với một số bộ, ngành đối với phong trào của nông dân còn thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Một số tỉnh, thành Hội chưa làm tốt vai trò tham mưu cho cấp uỷ, chưa chủ động đề ra những giải pháp hiệu quả  trong triển khai và tổ chức thực hiện phong trào.

 Một số chính sách về đất đai, tiền vốn, tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn nhiều bất cập; chưa thực sự khuyến khích nông dân mở rộng quy mô, phát triển sản xuất.

4- Một số bài học kinh nghiệm:

4.1- Nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế- xã hội; về ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, sản xuất, kinh doanh giỏi; phát huy truyền thống đoàn kết, giúp nhau trong sản xuất và cuộc sống với sự hỗ trợ của Nhà nước, địa phương và của tổ chức Hội.

4.2- Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động, khích lệ, động viên tinh thần hăng hái, nhiệt tình hưởng ứng, dám nghĩ, dám làm cùng tham gia phong trào của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân.

4.3- Trong tổ chức, chỉ đạo phong trào của Ban Chấp hành Hội Nông dân các cấp phải tập trung, kiên quyết, cụ thể; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, tổ chức nhân rộng những điển hình tiên tiến; kịp thời biểu dương, khen thưởng các hộ nông dân đạt thành tích xuất sắc.

4.4- Tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng; sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền; các bộ, ngành; các doanh nghiệp; tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học trong quá trình tổ chức và thực hiện chỉ đạo phong trào.

4.5- Xây dựng cơ sở Hội vững mạnh là tiền đề tổ chức phong trào có hiệu quả. Chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật cho cán bộ Hội các cấp, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

 

Phần thứ hai

PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO NÔNG DÂN THI ĐUA SẢN XUẤT,

KINH DOANH GIỎI  5 NĂM (2012 – 2016)

     

Tình hình nước ta 5 năm tới dự báo là giai đoạn kinh tế sẽ phục hồi, song vẫn đứng trước những khó khăn, thách thức: Tình hình kinh tế thế giới và khu vực vẫn tiềm ẩn những bất trắc khó lường. Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế- xã hội của nước ta. Nhưng dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020; Nghị định số 61/2010/NĐ-CP, ngày 04/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã và đang phát huy hiệu quả, củng cố niềm tin của người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Tình hình và xu hướng nêu trên sẽ tạo ra cả những cơ hội và thách thức đan xen đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Để khắc phục những khó khăn, thách thức, phát huy lợi thế, tiếp tục đưa phong trào phát triển, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội VI Hội Nông dân việt Nam, các cấp Hội Nông dân Việt Nam cần tập trung thực hiện tốt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho giai đoạn 2012 – 2016 như sau:

I- PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU

1- Phương hướng:

Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, phấn đấu để phong trào có bước phát triển mới về chất, chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao hơn; góp phần hình thành những vùng sản xuất hàng hoá lớn, tập trung, gắn với thương hiệu sản phẩm và phát triển mạnh theo hướng kinh tế tập thể, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình đổi mới.

 Phong trào đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước; góp phần quan trọng củng cố, xây dựng tổ chức Hội Nông dân Việt Nam; đóng góp tích cực vào xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

 2- Mục tiêu:

2.1- Nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và những cơ hội, thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế. Xây dựng ý chí, lòng quyết tâm vượt qua đói nghèo vươn lên làm giàu, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững, hạn chế tái nghèo.

 2.2- Đưa Phong trào phát triển theo chiều sâu, làm cơ sở cho việc đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và kêu gọi đầu tư, chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn hướng nhanh tới hiện đại hoá và liên kết sản xuất, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa mạnh, có sức cạnh tranh cao trên thị trường nội địa và xuất khẩu, dựa trên cơ sở phát huy các lợi thế về nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên kết hợp với ứng dụng khoa học và công nghệ nông nghiệp tiên tiến.

2.3- Hàng năm có trên 60% số hộ nông dân đăng ký phấn đấu và có trên 50% số hộ đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

II- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP:

1- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi điển hình, làm chuyển biến nhận thức của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân về phát triển kinh tế; khích lệ, động viên nông dân thay đổi nếp nghĩ, quyết tâm vượt khó, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, lao động, đất đai để đầu tư cho phát triển sản xuất.

2- Đẩy mạnh và đổi mới công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy phong trào phát triển; hướng dẫn nông dân phát triển các loại hình và đối tượng sản xuất, kinh doanh phù hợp gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; có kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân để không ngừng nâng cao trình độ sản xuất thâm canh, kiến thức quản lý kinh tế và thị trường, giúp nông dân tiếp cận và khai thác có hiệu quả các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và huy động tối đa các nguồn vốn, khoa học công nghệ mới, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh, phát triển một nền nông nghiệp bền vững.

3- Tập trung hướng dẫn phong trào phát triển mạnh theo hướng liên kết, hợp tác, đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Thúc đẩy liên kết giữa các mô hình sản xuất, kinh doanh, giữa các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với nhau để đoàn kết, giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá lớn… Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông tin sản xuất và tìm kiếm thị trường. Tăng cường phối hợp và làm cầu nối để các thành phần kinh tế ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản cho các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

4- Tập trung xây dựng, nhân rộng những mô hình điển hình tiên tiến, xuất sắc phù hợp với mỗi vùng, miền. Nêu gương và tổ chức học tập, nhân rộng các điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi và giúp đỡ có hiệu quả đối với các hộ nghèo. Hằng năm, tổ chức phân loại, làm rõ nguyên nhân các hộ nghèo, cận nghèo để có biện pháp cụ thể giúp hội viên, nông dân nghèo có điều kiện tự vươn lên thoát nghèo phấn đấu trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

5-  Phong trào phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, kinh tế gia trại, trang trại, kinh tế hợp tác, phát triển ngành nghề gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm và tăng tỷ lệ hộ khá, hộ giàu, giảm hộ nghèo.

6- Gắn phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với việc đẩy mạnh công tác củng cố, xây dựng tổ chức Hội Nông dân Việt Nam ngày càng vững mạnh; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội, tăng cường tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề cho nông dân, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân.

7- Tăng cường các hoạt động hữu nghị hợp tác với các tổ chức nông dân quốc tế để tranh thủ các nguồn lực về vốn, khoa học, công nghệ tiên tiến, công tác dạy nghề, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ Hội chỉ đạo phong trào và nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, trình độ quản lý, điều hành các trang trại, gia trại của các hộ nông dân có quy mô sản xuất lớn.

8- Tiếp tục nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn làm cơ sở chỉ đạo phong trào và kiến nghị với Đảng, Nhà nước có chính sách phù hợp, ổn định để nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, nhất là về chính sách đất đai, chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm… tạo điều kiện cho phong trào phát triển.

*

*            *

 

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giảm hộ nghèo, tăng hộ giàu, khẳng định vị thế của kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong giữ vững ổn định kinh tế- xã hội. Để phong trào tiếp tục có bước phát triển mới về chất, đòi hỏi toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao quyết tâm đổi mới, ý chí làm giàu, sáng tạo, phát huy nội lực đẩy mạnh phát triển kinh tế; đồng thời, cần có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh bằng những chính sách, những hành động cụ thể để động viên đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân tích cực thi đua làm giàu cho gia đình, cho xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ./.

 

 

Nơi nhận:                                  T/M BAN THƯỜNG VỤ

- Các đại biểu dự Hội nghị             PHÓ CHỦ TỊCH

- Lưu                                                      (đã ký)

                                                                    

                                                      Nguyễn Duy Lượng

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp