HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
* Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2011
Số 731 - HD/HNDTW
HƯỚNG DẪN
Về công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Hội Nông dân
Cấp tỉnh, huyện và cơ sở
--------------
Thực hiện Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam khóa V và Kế hoạch số 499 - KH/HNDTW ngày 20 tháng 7 năm 2011 của Ban Thường vụ Trung ương Hội về tổ chức Đại hội Hội Nông dân các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Nông dân Việt Nam, Ban Thường vụ Trung ương Hội hướng dẫn tổ chức Đại hội Hội Nông dân cấp huyện và cơ sở (nhiệm kỳ 2012 – 2017), cấp tỉnh (nhiệm kỳ 2013 - 2018) như sau:
I. CHUẨN BỊ ĐẠI HỘI:
1. Họp Ban Chấp hành để bàn bạc và thống nhất dự kiến kế hoạch tổ chức Đại hội, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:
- Thời gian tổ chức Đại hội
- Số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu chính thức và đại biểu khách mời
- Nội dung Đại hội
- Nhân sự Ban Chấp hành khóa mới.
- Địa điểm tổ chức Đại hội
- Kinh phí tổ chức Đại hội
- Phân công nhiệm vụ cụ thể
2. Báo cáo cấp ủy Đảng cùng cấp, Hội Nông dân cấp trên trực tiếp về những nội dung đã được thống nhất trong cuộc họp Ban Chấp hành để xin ý kiến chỉ đạo. Hoàn thiện kế hoạch, báo cáo cấp ủy Đảng cùng cấp phê duyệt.
3. Trên cơ sở chỉ đạo của cấp ủy Đảng cùng cấp và Hội Nông dân cấp trên trực tiếp, Ban Chấp hành triển khai kế hoạch, ra quyết định thành lập các tiểu ban (bộ phận) phục vụ đại hội; tổ chức cuộc họp để phân công các ủy viên Ban Chấp hành thực hiện nhiệm vụ cụ thể, theo các tiểu ban đối với cấp tỉnh, huyện, theo bộ phận đối với cấp cơ sở.
3.1. Tiểu ban/bộ phận chuẩn bị nội dung
Dự thảo các văn bản sau :
- Báo cáo tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân của đơn vị nhiệm kỳ 2007 – 2012 (hoặc 2008 - 2013), phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2012 - 2017
- Báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành Hội Nông dân nhiệm kỳ 2007 – 2012
- Báo cáo tổng hợp các ý kiến tham gia vào các văn kiện Đại hội Hội Nông dân toàn quốc lần thứ VI và Hội Nông dân cấp trên trực tiếp.
- Các báo cáo tham luận tại Đại hội.
- Chương trình Đại hội
- Quy chế làm việc của Đại hội
- Diễn văn khai mạc, bế mạc Đại hội
- Nghị quyết Đại hội
- Kịch bản điều hành chương trình Đại hội
- Giấy mời, giấy triệu tập.
a) Báo cáo Đại hội:
Báo cáo Đại hội là nội dung chính và quan trọng của Đại hội. Do đó cần phải được chuẩn bị tốt và bảo đảm đúng quy trình, nguyên tắc của Đại hội Hội Nông dân Việt Nam. Cách viết một báo cáo Đại hội như sau:
- Tiêu đề báo cáo: Báo cáo của Ban Chấp hành Hội Nông dân…………..tại Đại hội lần thứ…….nhiệm kỳ 20….đến 20….(Đối với cơ sở: Báo cáo của Ban Chấp hành Hội nông dân xã/phường/thị trấn ………..nhiệm kỳ 2012 - 2017)
- Bố cục báo cáo có 2 phần chính: Phần đánh giá tình hình công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ qua; Phần phương hướng nhiệm kỳ tới.
- Cơ cấu báo cáo cần bảo đảm cân đối giữa phần đánh giá tình hình và phần phương hướng, tránh tình trạng phần đánh giá quá dài, phần phương hướng lại quá ngắn.
* Cách viết từng phần cơ bản như sau:
- Phần đánh giá tình hình:
+ Tình hình, đặc điểm của địa phương, đơn vị
+ Tình hình hội viên, nông dân và đặc điểm của tổ chức Hội.
+ Kết quả đạt được trên các mặt chính: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng; công tác củng cố, xây dựng tổ chức Hội; các phong trào hành động cách mạng.
+ Nêu những hạn chế, tồn tại, yếu kém, khuyết điểm.
+ Nguyên nhân kết quả đạt được và hạn chế, tồn tại. Rút ra những kinh nghiệm thực tiễn.
- Phần phương hướng và nhiệm vụ: Cách viết cũng theo từng mặt công tác nói trên nhưng không nên dàn trải mà cần có trọng tâm, xây dựng được mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu và đề ra những giải pháp thực hiện có hiệu quả, khả thi.
b) Diễn văn khai mạc Đại hội:
Nội dung của một bài khai mạc Đại hội cần phải có những nội dung cơ bản sau đây:
+ Những căn cứ tiến hành Đại hội
+ Giới thiệu đại biểu
+ Những nhiệm vụ chính của Đại hội
+ Nêu trách nhiệm, ý thức của đại biểu Đại hội
+ Tuyên bố khai mạc Đại hội
c) Diễn văn bế mạc:
Cần có các ý chính sau: Khái quát tinh thần và kết quả các nội dung công việc đã làm được của Đại hội; Kêu gọi tinh thần của cán bộ, hội viên, nông dân ra sức thi đua thực hiện nghị quyết Đại hội; Cám ơn sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể đối với Đại hội.
d) Nghị quyết Đại hội
Nghị quyết Đại hội là văn bản ghi tóm tắt những nội dung chính sau đây:
+ Thời gian diễn ra Đại hội
+ Đại hội đã thống nhất các báo cáo của Ban Chấp hành trình Đại hội
+ Đại hội nhấn mạnh hoặc bổ sung những vấn đề gì
+ Đại hội xác định những mục tiêu, chỉ tiêu nào.
+ Đại hội giao cho Ban Chấp hành khóa mới hoàn chỉnh theo tinh thần thảo luận của Đại hội và triển khai thực hiện nghị quyết.
+ Đại hội kêu gọi các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ, phối hợp thực hiện và toàn thể cán bộ, hội viên nông dân thực hiện thắng lợi nghị quyết.
3.2. Tiểu ban/bộ phận tuyên truyền, khánh tiết
- Căn cứ hướng dẫn công tác tuyên truyền đại hội, các cấp Hội chủ động, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền trước, trong và sau đại hội; kết quả công tác Hội và phong trào nông dân, các gương điển hình tiên tiến trong công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ qua; truyền thống của Hội và giai cấp nông dân; chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
- Trang trí hội trường, âm thanh, ánh sáng, hoa, chụp ảnh, khẩu hiệu (trong và ngoài hội trường), băng zôn, bảng ảnh,…. Việc trang trí hội trường cần đảm bảo nguyên tắc trang trọng và mỹ thuật (sẽ có hướng dẫn riêng của Ban Tuyên huấn).
- Chuẩn bị chương trình văn nghệ chào mừng Đại hội.
3.3. Tiểu ban/bộ phận hậu cần
- Dự trù, đề xuất kinh phí. Huy động sự ủng hộ, tạo điều kiện của Chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp phục vụ cho đại hội.
- Đón tiếp đại biểu (nếu có đại biểu ở xa thì chuẩn bị nơi nghỉ)
- In ấn các tài liệu phục vụ Đại hội
- Lập danh sách các đại biểu dự và phát tài liệu.
- Hội trường, xếp chỗ ngồi cho đại biểu tại hội trường (Đại hội trù bị và Đại hội chính thức).
- Chuẩn bị địa điểm và các điều kiện để kiểm phiếu.
4. Họp Ban Chấp hành để duyệt tất cả các phần việc đã phân công cho từng tiểu ban/bộ phận ở mục 3. Báo cáo cấp ủy Đảng cùng cấp và Hội cấp trên trực tiếp duyệt tổng thể Đại hội. Thống nhất:
- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Đoàn chủ tịch. Chuẩn bị giấy mời các đồng chí tham gia Đoàn chủ tịch.
- Duyệt (lần cuối) dự thảo báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ 2007- 2012 và phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2012- 2017; báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành.
- Gửi giấy mời, giấy triệu tập (gửi trước khi tổ chức Đại hội ít nhất 7 ngày).
II. CÔNG TÁC NHÂN SỰ: Thực hiện theo Hướng dẫn số 730 - HD/HNDTW ngày 05 tháng 10 năm 2011 của Ban Thường vụ Trung ương Hội.
Trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội nếu có phát sinh về vấn đề khiếu nại tố cáo liên quan đến nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ hoặc đại biểu dự đại hội cấp trên thì tiểu ban nhân sự căn cứ tình hình cụ thể báo cáo cấp ủy và Hội cấp trên để xem xét giải quyết kịp thời.
III. QUY CHẾ BẦU CỬ: Thực hiện theo Điều lệ Hội và Quy chế bầu cử trong hệ thống Hội.
IV. GÓP Ý CÁC DỰ THẢO VĂN KIỆN ĐẠI HỘI
- Các dự thảo văn kiện góp ý gồm: Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Hội cấp trên trực tiếp; dự thảo các văn kiện Đại hội cấp mình; Dự thảo các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI (Báo cáo chính trị và Điều lệ Hội sửa đổi, bổ sung).
- Thời gian tổ chức góp ý: Việc thảo luận các dự thảo văn kiện được tiến hành trước hoặc trong Đại hội. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng và thời gian Đại hội, việc thảo luận nên tổ chức trước Đại hội. Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp sẽ trình bày tại Đại hội; tập trung thảo luận những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau.
+ Đối với Đại hội cấp cơ sở: Việc góp ý các dự thảo văn kiện được tiến hành ở chi hội.
+ Đối với Đại hội cấp tỉnh, cấp huyện: Việc góp ý các dự thảo văn kiện có thể được tiến hành tại các tổ đại biểu tham dự Đại hội.
V. SỐ LƯỢNG, QUY TRÌNH BẦU VÀ NHIỆM VỤ CỦA ĐOÀN CHỦ TỊCH, ĐOÀN THƯ KÝ, BAN THẨM TRA TƯ CÁCH ĐẠI BIỂU VÀ BAN BẦU CỬ
Đoàn chủ tịch, Đoàn thư ký, Ban thẩm tra tư cách đại biểu và Ban bầu cử Đại hội là các đại biểu chính thức có mặt tại Đại hội và được Đại hội bầu bằng hình thức biểu quyết.
1. Số lượng
- Đoàn chủ tịch: Từ 3 - 5 người (đối với cơ sở); 5 - 7 người (đối với cấp huyện); 7- 9 người (đối với cấp tỉnh)
- Đoàn thư ký: Từ 1 - 2 người
- Ban thẩm tra tư cách đại biểu: Từ 3 - 5 người
- Ban bầu cử: Từ 5 - 9 người
2. Quy trình
- Trên cơ sở danh sách giới thiệu của Ban Chấp hành Hội Nông dân cấp triệu tập đại hội, Ban tổ chức đại hội xin ý kiến đại hội biểu quyết về số lượng, danh sách, hình thức bầu và tiến hành bầu Đoàn chủ tịch, Đoàn thư ký, Ban thẩm tra tư cách đại biểu. Trường hợp có ý kiến giới thiệu thêm người thì tiến hành lấy biểu quyết từng người một.
- Trên cơ sở danh sách giới thiệu của Ban Chấp hành Hội Nông dân cấp triệu tập đại hội, Đoàn Chủ tịch xin ý kiến đại hội biểu quyết về số lượng, danh sách, hình thức và tiến hành bầu Ban bầu cử đại hội.
3. Nhiệm vụ
3.1. Đoàn chủ tịch Đại hội:
- Điều hành đại hội theo chương trình, nội dung và quy chế đã được đại hội thông qua.
- Điều hành đại biểu biểu quyết các vấn đề:
+ Thông qua chương trình, quy chế đại hội.
+ Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu.
+ Báo cáo tổng hợp các ý kiến tham gia vào văn kiện đại hội cấp trên.
+ Số lượng, danh sách bầu cử BCH; Đoàn đại biểu dự đại hội cấp trên.
+ Chỉ tiêu, Nghị quyết Đại hội.
- Hướng dẫn đại hội thảo luận các vấn đề của đại hội.
- Lãnh đạo bầu cử Ban Chấp hành và bầu đoàn đại biểu đi dự đại hội cấp trên.
- Giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình đại hội.
- Tổng kết đại hội.
3.2. Đoàn thư ký:
- Ghi biên bản đại hội, nhận phiếu đăng ký thảo luận của các đại biểu.
- Tổng hợp các ý kiến phát biểu và biểu quyết của đại hội.
- Dự thảo Nghị quyết đại hội và các văn bản khác của đại hội.
- Nhận và đọc thư chào mừng đại hội (nếu có).
- Trình bày dự thảo Nghị quyết đại hội.
3.3. Ban thẩm tra tư cách đại biểu:
- Căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu và nguyên tắc, thủ tục để xét tư cách đại biểu dự đại hội.
- Báo cáo đại hội kết quả thẩm tra tư cách đại biểu để đại hội xem xét quyết định.
- Xem xét đơn thư tố cáo, khiếu nại và các vấn đề có liên quan đến tư cách đại biểu trong Đại hội, báo cáo Đoàn chủ tịch trình Đại hội quyết định (chỉ xét những đơn thư gửi trước khi Đại hội 10 ngày đối với cơ sở và 15 ngày đối với tỉnh, huyện).
3.4. Ban bầu cử:
- Ban bầu cử là các đại biểu không có tên trong danh sách bầu. Có nhiệm vụ:
+ Chuẩn bị phiếu bầu, hòm phiếu, kiểm tra niêm phong hòm phiếu trước khi bỏ phiếu.
+ Phiếu bầu in họ và tên những người trong danh sách bầu cử (theo thứ tự A,B,C…) đã được đại hội thông qua và đóng dấu của BCH Hội cấp tổ chức đại hội.
+ Hướng dẫn cách bỏ phiếu; phát phiếu, thu phiếu và kiểm phiếu.
+ Xem xét và kết luận các phiếu không hợp lệ và những ý kiến khiếu nại về việc bầu cử.
+ Lập biên bản bầu cử, kết quả trúng cử, niêm phong phiếu bầu và chuyển cho Đoàn Chủ tịch Đại hội để bàn giao cho Ban Chấp hành khóa mới lưu trữ theo quy định.
+ Báo cáo kết quả kiểm phiếu với Đoàn Chủ tịch đại hội, công bố kết quả bầu cử.
VI. TRÌNH TỰ CÁC BƯỚC TRONG ĐẠI HỘI
Theo Kế hoạch Đại hội Hội Nông dân các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI của Ban Thường vụ Trung ương Hội:
- Đại hội cấp cơ sở: không quá 1 ngày.
- Đại hội cấp huyện: không quá 2 ngày.
- Đại hội cấp tỉnh/TP: không quá 3 ngày
- Phiên họp trù bị không quá 1/2 ngày.
Trên cơ sở thời gian Đại hội theo hướng dẫn của từng cấp Hội, để phân bổ thời gian một cách hợp lý về thời gian Đại hội (phiên họp trù bị và Đại hội chính thức).
*Chương trình Đại hội
* Đại hội (phiên họp) trù bị
1. Ổn định tổ chức: Nắm danh sách đại biểu, phát tài liệu; ổn định chỗ ngồi của đại biểu trong hội trường.
2. Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu
3. Bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký Đại hội
4. Bầu Ban Thẩm tra tư cách đại biểu
5. Thông qua Quy chế và Chương trình Đại hội
6. Quán triệt một số nội dung cần thiết trong Đại hội chính thức: thời gian, trang phục, chuẩn bị thảo luận, tham luận; hướng dẫn chào cờ, hát Quốc ca...
(Việc điều hành các nội dung trên do Ban Tổ chức Đại hội phân công)
*Đại hội chính thức
1. Ổn định tổ chức
2. Chào cờ (hát Quốc ca).
3. Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu
4. Mời Đoàn Chủ tịch và Đoàn Thư ký lên làm việc
5. Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu.
6. Khai mạc Đại hội
7. Trình bày dự thảo Báo cáo chính trị (báo cáo tổng kết nhiệm kỳ cũ, phương hướng nhiệm kỳ mới)
8. Trình bày báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành nhiệm kỳ cũ
9. Phát biểu tham luận (có thể xen kẽ trong các phần dưới đây)
10. Phát biểu của lãnh đạo địa phương và Hội cấp trên
11. Bầu Ban Chấp hành khóa mới:
- Trình bày đề án nhân sự BCH khóa mới
- Thảo luận (chia tổ hoặc tại hội trường)
- Tổng hợp ý kiến của các tổ, các đại biểu
- Xin ý kiến về cơ cấu, số lượng, danh sách bầu.
- Bầu cử Ban Chấp hành khóa mới
- Báo cáo kết quả bầu cử BCH.
- Bầu Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch (tại phiên họp Ban Chấp hành lần thứ 1, sau khi có kết quả bầu cử Ban Chấp hành)
12. Bầu Đoàn đại biểu tham dự Đại hội Hội cấp trên:
Việc bầu đại biểu đi dự đại hội cấp trên phải căn cứ vào Điều lệ Hội và hướng dẫn của Hội cấp trên. Đại hội Hội Nông dân các cấp được bầu đại biểu dự khuyết dự đại hội cấp trên để thay thế đại biểu chính thức vì lý do nào đó không dự đại hội được; số lượng đại biểu dự khuyết do đại hội mỗi cấp quyết định nhưng nên từ 1-2 đại biểu.
- Trình bày Đề án Đoàn đại biểu (theo phân bổ của Hội cấp trên).
- Giới thiệu danh sách ứng cử.
- Thảo luận.
- Bầu cử Đoàn đại biểu tham dự Đại hội Hội cấp trên.
- Công bố kết quả bầu đoàn đại biểu.
13. Tham gia ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Hội cấp trên (có thể thảo luận trước đại hội hoặc tại Đại hội (phiên họp) trù bị; tổng hợp báo cáo trình tại Đại hội chính thức).
14. Báo cáo kết quả bầu Ban Thường vụ, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch.
15. Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới ra mắt.
16. Tặng quà Ủy viên BCH nhiệm kỳ cũ (không tái cử).
17. Khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong nhiệm kỳ (nếu có).
18. Thông qua dự thảo nghị quyết Đại hội; thảo luận và lấy ý kiến biểu quyết của toàn thể đại biểu chính thức.
19. Phát biểu bế mạc Đại hội.
20. Chào cờ bế mạc
Ngoài những nội dung cơ bản trên, Đại hội có thể sắp xếp các nội dung như: văn nghệ chào mừng trước khi ổn định tổ chức (mục 1); dâng hoa chúc mừng Đại hội…)
VII. TRÌNH TỰ CÁC BƯỚC SAU ĐẠI HỘI
1. Hoàn thiện các văn bản báo cáo Hội cấp trên và lưu hồ sơ Đại hội
Văn bản gửi Hội cấp trên, gồm:
- Biên bản Đại hội.
- Văn bản đề nghị Hội cấp trên ra quyết định công nhận Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch (tờ trình và biên bản bầu cử, danh sách trích ngang).
- Biên bản bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội cấp trên và danh sách trích ngang các đại biểu.
- Báo cáo kết quả đại hội cấp mình gửi lên Hội cấp trên.
Lập hồ sơ lưu trữ gồm:
- Đề án Ban Chấp hành, danh sách Ban Chấp hành, lý lịch trích ngang của từng ủy viên BCH, số phiếu bầu, biên bản bầu cử.
- Báo cáo kết quả thẩm tra tư cách đại biểu, danh sách trích ngang của đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Hội cấp trên.
- Báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành và các văn bản có liên quan đến nhân sự.
- Giấy mời, Giấy triệu tập, Chương trình Đại hội, Quy chế Đại hội.
- Báo cáo chính trị của Đại hội
- Các báo cáo tham luận tại Đại hội
- Nghị quyết Đại hội
- Diễn văn khai mạc, bế mạc Đại hội.
- Các bài phát biểu của cấp trên, cấp ủy cùng cấp
2. Tuyên truyền kết quả Đại hội
- Tuyên truyền Nghị quyết Đại hội
- Tuyên truyền các gương cán bộ, hội viên tiêu biểu trong các lĩnh vực.
- Phát động thi đua chào mừng thành công của đại hội
3. Quyết toàn tài chính phục vụ Đại hội
4. Gửi Thư cảm ơn về Đại hội đến các đơn vị, cá nhân chỉ đạo, quan tâm, hỗ trợ Đại hội.
Trên đây là hướng dẫn quy trình, nguyên tắc và một số quy định trong việc tổ chức Đại hội Hội Nông dân cấp tỉnh, huyện và cơ sở. Căn cứ tình hình, điều kiện cụ thể các cấp Hội xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp để đại hội đạt kết quả tốt.
Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành tổ chức Đại hội có gì vướng mắc, phản ánh kịp thời về Hội cấp trên để kịp thời có hướng dẫn và giải quyết./.
T/M BAN THƯỜNG VỤ
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Nơi nhận:
- Các Đ/c UVBCH TW Hội (đã ký)
- HND các tỉnh, TP
- Các ban, đơn vị TW Hội
- Lưu VT, BTC Hà Phúc Mịch