Để làm tốt việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của nông dân, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo hội nông dân các huyện, thị xã, thành phố kiện toàn Ban kiểm tra.
Đội ngũ này được tập huấn nghiệp vụ về công tác kiểm tra và giải quyết KNTC. Xác định việc phổ biến, giáo dục pháp luật của Đảng và Nhà nước tới hội viên, nông dân là một trong những nội dung quan trọng, Tỉnh hội đã tập trung tuyên truyền giới thiệu những nội dung cơ bản của các Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Dân sự; Luật Đất đai; Luật KNTC,v.v... Các cấp hội đã áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân như sinh hoạt chi hội, tổ hội, thôn, bản; sinh hoạt tại các câu lạc bộ nông dân với pháp luật; trên các phương tiện thông tin đại chúng, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia. Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Trung ương và tỉnh về qui hoạch, xây dựng Khu Kinh tế Nghi Sơn, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn cho đội ngũ cán bộ từ chi hội trưởng trở lên của 12 xã nằm trong vùng qui hoạch Khu Kinh tế Nghi Sơn, giúp đội ngũ này tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân nắm bắt được chủ trương, chính sách để tự nguyện nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ cho nhà đầu tư.
Bằng các hoạt động phối hợp, đã có nhiều văn bản, chính sách pháp luật được hội nông dân và các ban, ngành triển khai, phổ biến rộng rãi cho cán bộ, hội viên và nông dân. Hàng năm, các cấp hội trong tỉnh đã tuyên truyền được khoảng 9.350 buổi, thu hút trên 467.900 lượt hội viên, nông dân tham gia; phát hành trên 14.000 cuốn Thông tin nông dân Thanh Hóa; 9.000 cuốn sổ tay và tài liệu hỏi đáp về kiến thức pháp luật do Trung ương hội phối hợp với Bộ Tư pháp biên soạn tới các cấp hội và hội viên, nông dân trong tỉnh.
Công tác tiếp, giải quyết KNTC của nông dân được Tỉnh hội phối hợp với một số ban, ngành liên quan và các cấp chính quyền quan tâm giải quyết. Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh hội xây dựng lịch công tác, phân công các đồng chí thường trực tiếp nông dân vào ngày 15 hàng tháng; chỉ đạo Ban Kiểm tra Tỉnh hội trực tiếp cử cán bộ tham gia tiếp nông dân vào thứ 5 hàng tuần; đồng thời chỉ đạo các hội cơ sở xây dựng lịch tiếp nông dân theo qui định. Trong quá trình giải quyết KNTC, những vấn đề băn khoăn, vướng mắc của nông dân đều được các bộ phận liên quan tiếp nhận, hướng dẫn người khiếu kiện thực hiện đúng trình tự KNTC theo qui định của pháp luật, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết, trả lời nông dân trong thời gian sớm nhất, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho hội viên, nông dân. Với cách làm đó, trong hơn 5 năm trở lại đây, hội nông dân các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận 1.179 đơn, thư khiếu kiện và đã giải quyết được 412 trường hợp thuộc thẩm quyền; số còn lại chuyển các ngành chức năng giải quyết. Nhìn chung, việc giải quyết KNTC của nông dân được hội nông dân các cấp và các ban, ngành chức năng giải quyết cơ bản thấu tình, đạt lý. Vì vậy, số đơn, thư vượt cấp, khiếu kiện tập trung đông người giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, công tác trợ giúp pháp lý cũng được quan tâm và đẩy mạnh. Đến nay, đã tổ chức trợ giúp được trên 10.600 buổi, với 15.600 lượt hội viên, nông dân tham gia. Qua đó, đã từng bước giúp hội viên, nông dân hiểu và thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hạn chế khiếu kiện sai, vượt cấp. Ngoài ra, Tỉnh hội còn chỉ đạo các cấp hội phối hợp với MTTQ và tư pháp xã củng cố, thành lập ban hòa giải xã, tổ hòa giải thôn, bản để giải quyết những vướng mắc, mâu thuẫn trong nội bộ nông dân tại thôn, xóm. Các ban, tổ hòa giải đã tham gia hòa giải gần 5.300 vụ việc, trong đó, hơn 90% số vụ được hòa giải kịp thời, giữ vững tình làng nghĩa xóm.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác KNTC, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo hội nông dân các huyện, thị xã, thành phố khảo sát nắm tình hình an ninh chính trị và nhu cầu pháp luật của nông dân để triển khai xây dựng thí điểm 12 câu lạc bộ nông dân với pháp luật và chỉ đạo mô hình điểm thực hiện Chỉ thị 26 về xây dựng câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa để tổ chức các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý và giải quyết KNTC cho nông dân. Cùng với việc triển khai thành lập các câu lạc bộ nông dân với pháp luật, một số cơ sở hội còn xây dựng tủ sách pháp luật đặt tại các chi hội để cung cấp các loại sách, báo và chính sách pháp luật tới hội viên, nông dân. Đến nay, các cơ sở hội đã xây dựng được 867 tủ sách pháp luật.
Có thể khẳng định, qua việc thực hiện Chỉ thị 21 của Thủ tướng Chính phủ, mối quan hệ giữa hội nông dân với chính quyền, các ban, ngành được tăng cường, tạo điều kiện để phối hợp giải quyết những vấn đề bức xúc của nông dân tại cơ sở. Do đó, trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung, khu vực nông thôn nói riêng tương đối ổn định, nông dân tuyệt đối tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, yên tâm đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình
Lê Duy