Bình Định với việc tuyên truyền nâng cao hiểu biết pháp luật cho nông dân
15:17 - 03/06/2011
Ngay từ khi thực hiện Chỉ thị 26/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện cho các cấp Hội ND tham gia giải quyết khiếu nại của ND, Hội ND tỉnh Bình Định đã chọn xã Nhơn Hưng làm điểm thực hiện.

Để làm tốt công tác này, UBND xã đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện tổ chức Câu lạc bộ pháp luật, kiện toàn Ban hòa giải thôn, Tổ hòa giải xóm, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Các ngành chức năng của xã như: Thanh tra, Tư pháp, Địa chính tùy theo chức năng và nhiệm vụ của mình, phối hợp với Hội ND xã thực hiện Chỉ thị 26/TTg.

 

Đến nay, sau gần 10 năm triển khai, các cấp Hội đã tổ chức, quán triệt, tuyên truyền được 15.100 cuộc cho 647.420 lượt người tham dự. Nội dung tuyên tuyền chủ yếu là các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người nông dân, giúp hội viên nông dân hiểu đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong thời kỳ mới.

 

Xây dựng bản, làng văn hoá, xây dựng và thực hiện hương ước làng xã, xoá bỏ hủ tục lạc hậu, tham gia giải quyết các vi phạm về đất đai, bảo vệ, phát triển rừng, trật tự an ninh. Hội Nông dân các cấp phối hợp với ngành Tư pháp tổ chức hơn 800 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hơn 150.000 lượt người dự, nội dung phổ biến chủ yếu là các văn bản pháp luật liên quan đến nhu cầu của nông dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người.

 

Công tác phối hợp trợ giúp pháp lý cho nông dân cũng được tiến hành thường xuyên. Thông quan việc tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý hướng dẫn hội viên, nông dân thực hiện đúng pháp luật và nâng cao sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của hội viên, nông dân.

 

Cụ thể, đã phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý lưu động cho 398 điểm (đạt 100% xã được trợ giúp có xã 2 đến 3 lần) cho hơn 8.850 đối tượng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người. Có 160 cán bộ Hội tham gia vào 160 Hội đồng phổ biến GDPL các cấp; cán bộ Chi hội tham gia vào 1.168 tổ hòa giải cơ sở/1.113 làng, thôn với 7.969 hòa giải viên, và xây dựng 889 nhóm nòng cốt (mỗi nhóm 3-5 thành viên) để tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật mới, giải thích kịp thời những vướng mắc của người dân.

 

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Hội Nông dân tỉnh sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở về công tác vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự ATGT; đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông ngồi trên xe máy, xe đạp điện; không uống rượu bia khi tham gia giao thông; trang bị các hiểu biết tối thiểu cho nông dân, tránh được các sai phạm đáng tiếc; quán triệt nội dung và tinh thần các văn bản chỉ thị, Nghị quyết của TW và tỉnh về công tác bảo đảm trật tự ATGT.

 

Đồng thời thông qua các hình thức: Hội thi "Nông dân với ATGT", Lễ ra quân, Tháng hành động, diễu hành, cổ động thành lập các CLB ATGT, vận động các chi, tổ Hội, các hộ gia đình, các hội viên nông dân và người thân trong gia đình ký cam kết chấp hành Luật khi tham gia giao thông.

 

Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã và cơ sở chủ động đưa nội dung bảo đảm ATGT vào quy ước, hương ước cộng đồng, thành lập các tổ, đội tự quản, phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng các đoạn đường tự quản đảm bảo ATGT.

 

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng với kết quả đạt được, Hội Nông dân các cấp đã khẳng định vai trò nòng cốt của mình trong công tác phối hợp phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cấn bộ, hội viên nông dân. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến GDPL ngày càng được mở rộng trong thời gian qua là đáng ghi nhận, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức thượng tôn và chấp hành pháp luật, từng bước hình thành nếp sống và làm việc theo pháp luật của người dân nông thôn và đồng bào dân tộc miền núi.

 

Thảo Dương

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp