Công tác hòa giải ở cơ sở góp phần giữ ổn định trật tự xã hội. Nhiều vụ việc mâu thuẫn giữa hàng xóm, láng giềng, giữa những người thân trong gia đình, dòng họ nhờ được kịp thời can thiệp, dàn xếp của những cán bộ hòa giải mà giải tỏa được những bức xúc, giữ được "tình làng, nghĩa xóm" và sự bình yên trong mỗi mái ấm gia đình.
Hòa giải là một truyền thống, một đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Mục đích chính của công tác hòa giải ở cơ sở nhằm giữ gìn tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng, tập thể, hàn gắn, vun đắp sự hòa thuận, hạnh phúc cho từng gia đình. Điều 127 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Ở cơ sở thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật”.
Để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, ngày 25-12-1998 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, ngày 18-10-1999 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 160/1999/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở.
Theo quy định của Pháp lệnh Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở: “Hòa giải ở cơ sở được thực hiện thông qua hoạt động của tổ hòa giải hoặc các tổ chức thích hợp khác của nhân dân ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư khác phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội và phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân”.
Việc hòa giải được tiến hành đối với những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, bao gồm: “Mâu thuẫn, xích mích giữa các cá nhân với nhau; tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình; những vi phạm pháp luật khác mà theo quy định của pháp luật chưa đến mức xử lý bằng biện pháp hình sự hoặc biện pháp hành chính”.
Qua thực hiện Pháp lệnh Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở cho thấy, tỷ lệ số vụ việc hòa giải thành đã tăng lên rõ rệt, trung bình trong 10 năm qua là 67,2%. Thông qua việc hòa giải, các tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân đã được giải quyết (giảm khoảng 30% các loại vụ việc tranh chấp phải chuyển đến Tòa án nhân dân hoặc cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết). Điều này cho thấy vai trò quan trọng của công tác hòa giải, thông qua việc phát hiện và giải quyết tận gốc những mâu thuẫn, tranh chấp, góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa bàn dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền tăng cường công tác quản lý xã hội ở cơ sở.
Kinh nghiệm công tác hòa giải cho thấy, để thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải, cần kết hợp hài hòa giữa yếu tố pháp luật với phong tục tập quán và đạo đức của người Việt Nam.
Việc hòa giải ở cơ sở phải giải quyết kịp thời, qua đó giúp ngăn chặn ngay từ đầu những tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân và hành vi vi phạm pháp luật, không để mâu thuẫn, tranh chấp đơn giản thành phức tạp, không để việc nhỏ phát sinh thành việc lớn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Bình Thanh