Đắc Lắc: kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội trong tỉnh, nhằm góp phần cùng với cán bộ, nhân dân triển khai, thực hiện tốt Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư TW Đảng, Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc.
Với đặc điểm là một tỉnh Tây nguyên có thế mạnh về cây công nghiệp, về công nghiệp chế biến nông sản, Đắc Lắc đang từng ngày phát triển. Tuy nhiên Đắc lắc cũng là nơi sinh sống của 44 dân tộc thiểu số, với phong tục tập quán và trình độ dân trí khác nhau, hiểu biết pháp luật còn rất hạn chế do vậy từng cấp Hội Nông dân trong tỉnh, đòi hỏi phải linh hoạt, sáng tạo để công tác phổ biến pháp luật ngày càng thiết thực, hiệu quả đồng thời ưu tiên, bồi dưỡng cán bộ tuyên truyền là người dân tộc thiểu số .
Xuất phát từ thực tế hiểu biết pháp luật của hội viên, nông dân còn hạn chế, từ điều kiện sinh sống, phong tục, tập quán của mỗi dân tộc, mỗi địa bàn Hội Nông dân đã sử dụng các hình thức tuyên truyền cho phù hợp.
Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật: Đây là hình thức tuyên truyền được tổ chức đa dạng về quy mô cấp chi tổ, cấp huyện và cấp tỉnh. Trong 3 năm (2008-2010), Hội Nông dân tỉnh và các cấp Hội đã tổ chức 8 cuộc thi tìm hiểu pháp luật về các nội dung Luật Đất đai, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ môi trường, Luật giao thông đường bộ…, mỗi cuộc thi đã có hàng nghìn thí sinh dự thi. Ngoài ra các cấp Hội còn tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do các sở, ban, ngành và Trung ương Hội phát động. Góp phần động viên phong trào tìm hiểu pháp luật trong mọi tầng lớp dân cư nông thôn.
Đặc biệt, để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội làm công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hội thi “Cán bộ cơ sở giỏi”, 12 đội dự thi lọt vào vòng chung kết. Nội dung hội thi xoay quanh các kiến thức cơ bản về pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đây là hoạt động được chính quyền và các ban, ngành địa phương ủng hộ và đánh giá cao.
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua hoạt động của Câu lạc bộ: hiện nay, các cấp Hội đã xây dựng được 7 câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, 520 thành viên và 161 cộng tác viên tham gia sinh hoạt. Các nội dung sinh hoạt được thực hiện đa dạng, kết hợp việc phổ biến chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các văn bản hướng dẫn của tỉnh, huyện hoặc sinh hoạt theo chuyên đề với các nội dung khác đang được bà con quan tâm qua đó đã thu hút ngày càng nhiều hội viên tham gia.
Tuyên truyền pháp luật qua hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động: đây là hình thức được Hội Nông dân thường xuyên phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước của tỉnh để tổ chức các cuộc trợ giúp lưu động đến với từng bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn, ít có điều kiện được cung cấp thông tin pháp luật, được hưởng các dịch vụ pháp lý miễn phí.
Tuyên truyền thông qua các hội thảo, lớp tập huấn: Các cấp Hội đã phối hợp với các ngành như Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên và môi trường, Công an, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc tỉnh tổ chức tập huấn được 36 lớp cho trên 4.200 lượt cán bộ, hội viên, nông dân về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền pháp luật, tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân…Củng cố và nâng cao năng lực làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ các cấp nhất là cấp cơ sở.
Ngoài ra các cấp Hội còn tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các kênh thông tin của Hội như phát hành Bản tin Hội Nông dân tỉnh theo quý đến 15 huyện, thành Hội, 185 cơ sở và trên 2.256 chi Hội. Bản tin đã và đang phục vụ rất đắc lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, là nguồn tài liệu làm phong phú thêm nội dung sinh hoạt của các chi Hội. Quản lý và khai thác tủ sách pháp luật cũng là một giải pháp đang phát huy hiện nay nhất là đối với cán bộ Hội cấp tỉnh và cơ sở.
Trên đây là những ghi nhận về kết quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cấp Hội Nông dân tỉnh Đắc Lắc (từ 2008-2010), mặc dù còn nhiều khó khăn hạn chế như kinh phí đầu tư cho công tác này còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu nên một số hoạt động khó triển khai được trên địa bàn toàn tỉnh; trình độ đội ngũ cán bộ Hội, báo cáo viên, tuyên truyền viên chưa đồng đều, chưa được đào tạo bồi dưỡng thường xuyên. Tuy vậy với sự cố gắng, tâm huyết, vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ nên các cấp Hội Nông dân tỉnh Đắc Lắc đã thu nhiều kết quả tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật góp phần không nhỏ trong nâng cao ý thức và chấp hành pháp luật của cán bộ, người dân trong cộng đồng dân cư nông thôn.
Ngọc Anh