Thực hiện Quyết định số 972/QĐ-UB ngày 27/4/2007 của UBND tỉnh Sơn La phê duyệt Kế hoạch chi tiết các Đề án thuộc Chương trình hành động quốc gia phổ biến giáo dục và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2007 đến 2010, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức triển khai, phân công thành viên tham gia Ban Chỉ đạo Đề án 212 của Tỉnh đồng thời xây dựng kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện trong các cấp Hội.
Đề án 02-212 khi được triển khai, Sơn La còn là một tỉnh Tây bắc kinh tế hết sức khó khăn, một bộ phận không nhỏ đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu, vùng xa nhận thức pháp luật rất hạn chế. Có nhiều nguyên nhân nhưng tập trung chủ yếu từ việc thiếu thông tin, trình độ văn hoá thấp, sự ảnh hưởng cố hữu về tập tục lạc hậu, hiện tượng tảo hôn, không đăng ký kết hôn, đẻ dày, đẻ nhiều, không đăng ký khai sinh, khai tử …và các tệ nạn xã hội (cờ bạc, ma tuý, mại dâm) chưa ngăn chặn được.
Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân là trách nhiệm của các toàn thể các cấp, các ngành và các cấp Hội. Do vậy trong suốt quá trình triển khai thực hiện Đề án từ 2007 đến 2010, Hội Nông dân đã phối hợp với Uỷ ban MTTQVN, các cấp ngành để thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các kế hoạch được thực hiện hàng năm.
Trước tiên là xây dựng và kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ cấp huyện đến cơ sở. Họ là những cán bộ nhiệt tình, am hiểu pháp luật , thường xuyên được tập huấn vụ phổ biến giáo dục pháp luật. Trong 3 năm qua Hội đã tổ chức được 6 lớp tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật cho hơn 400 lượt cán bộ, tuyên truyền viên, báo cáo viên. Phối hợp với Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước mở được 361 lớp tập huấn kiến thức pháp luật, nội dung về chủ quyền, biên giới quốc gia, Luật bầu cử Quốc Hội, HĐND, Luật bảo vệ phát triển rừng, Luật phòng chống ma tuý, pháp lệnh dân số, pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Nghị định về đăng ký hộ tịch, hộ khẩu…cho hơn 31.941 lượt cán bộ, hội viên tham gia.
Được sự hỗ trợ của Uỷ ban mặt trận tổ quốc tỉnh, Hội Nông dân đã xây dựng được 3 xã điểm của Đề án (xã Mường Sai, huyện Sông Mã; xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu; xã Tân Hợp huyện Mộc Châu); xây dựng 3 tủ sách pháp luật với hơn 100 đầu sách pháp luật cơ bản, liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất của nông dân…và Trung ương Hội hỗ trợ hơn 1.064 sổ tay hỏi đáp pháp luật tới 200 cơ sở Hội trên toàn tỉnh.
Dưới sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền địa phương, Hội Nông dân đã thành lập 03 câu lạc bộ nông dân với pháp luật có 250 thành viên, cộng tác viên nòng cốt là các trưởng bản, bí thư chi bộ, chi hội trưởng nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh…Câu lạc bộ hoạt động trên cơ sở Quy chế và kế hoạch đã được xây dựng và thông qua. Nội dung sinh hoạt đa dạng, phong phú giúp cho các thành viên vận dụng kiến thức tiếp thu được để tuyên truyền pháp luật ngày càng nhân rộng tại các bản làng.
Để kịp thời tuyên truyền, phổ biến giáo dục những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cũng như các văn bản, nghị quyết của HĐND, UBND tỉnh, các thông tin khoa học kỹ thuật về nông nghiệp…Hội Nông dân tỉnh hàng quý đã xuất bản cuốn “ Bản tin Hội Nông dân Sơ La” phát hành tới cơ sở và các chi hội điểm cùng với 451.872 số báo Nông thôn ngày nay.
Nâng cao nhận thức pháp luật gắn liền với phát triển kinh tế-văn hoá xã hội do vậy Hội Nông dân các cấp đã phát động phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Phong trào đã khích lệ, động viên nông dân các dân tộc đổi mới cách làm, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương và gia đình đầu tư cho sản xuất, đã có 44.375 hộ đạt “hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” trên tổng số 105.744 hộ đăng ký thi đua. Phát huy tinh thần tương thân tương ái, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã quyên góp ủng hộ các hộ nghèo không chỉ về kinh nghiệm sản xuất mà còn hỗ trợ về vốn, vật tư, con giống, cây giống… trị giá hàng trăm triệu đồng giúp các hộ thoát khỏi đói nghèo vươn lên khá, giàu. Bên cạnh đó, hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” đã có 74.960 hộ đạt danh hiệu “gia đình nông dân văn hoá”.
Qua 3 năm thực hiện Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã được nâng lên rõ rệt. Hầu hết bà con đã tích cực xây dựng đời sống văn hoá mới, các hủ tục mê tín dị đoan và các vi phạm pháp luật khác đã bị đẩy lùi, đời sống kinh tế ngày càng được cải thiện, tình hình an ninh, trật tự được bảo đảm. Qua đó các cấp Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã rút ra một số kinh nghiệm trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân:
1. Sự chỉ đạo, triển khai của các Bộ, ngành Trung ương và của tỉnh trong việc thực hiện Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ phải gắn liền việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, bám sát các nghị quyết của Đảng và có sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương. Đồng thời nêu cao trách nhiệm phối hợp trong công tác tuyên truyền của các ban ngành đoàn thể và đơn vị thành viên của các đề án.
2. Được cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm và chỉ đạo đồng bộ việc thực hiện công tác phổ biến giáo dục PL ở các ban ngành và các tổ chức đoàn thể.
3. Thực hiện Đề án gắn với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; các giải pháp thực hiện phải phù hợp với đối tượng đồng bào các dân tộc thiểu số ở nông thôn, miền núi. Định kỳ có hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức sơ kết đánh giá, đề ra các biện pháp thiết thực thì mới có hiệu quả.
4. Chọn điểm làm tốt để phát triển, nhân ra diện rộng trong đó chú trọng khâu bồi dưỡng, đào tạo tập huấn kiến thức pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nhất là cán bộ dân tộc thiểu số ở cơ sở.
5. Thực hiện chế độ động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến GDPL.
6. Bố trí kinh phí thường xuyên đáp ứng được yêu cầu và tầm quan trọng của cho công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.
Hải Linh