Là một tỉnh có nông dân chiếm gần 80% dân số của tỉnh, quá trình công nghiệp hóa,đô thị hóa đang diễn ra nhanh dẫn đến số hộ nông dân mất đất tăng cao, khiếu kiện gia tăng ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự và đoàn kết nông dân, nông thôn. Vì vậy, công tác tuyên truyền giáo dục PL cho nông dân ngày càng quan trọng, cần thiết.
Trong những năm qua, các cấp HND tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực phối hợp với các ban, ngành tuyên truyền giáo dục PL cho nông dân. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước còn có những hạn chế nhất định, kinh phí và điều kiện, phương tiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật thiếu thốn, chưa đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trình độ văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực tuyên truyền, vận động của một bộ phận cán bộ cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện pháp luật. Hình thức tổ chức tuyên truyền pháp luật chưa phong phú, thiết thực nên gặp khó khăn trong việc tập hợp đông đảo nông dân đi nghe tuyên truyềnphápluật.
Những mặt tồn tại trên là nhân tố tác động sâu sắc đến yêu cầu cần phải đổi mới nội dung, hình thức và phuơng pháp tuyên truyền, phổ biến và vận động cán bộ, hội viên nông dân chấp hành pháp luật.
Để công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân đi vào chiều sâu cần đổi mới nội dung tuyên truyền, giáo dục, vận động, tập hợp nông dân và quản lý hội viên. Điều đó đòi hỏi công tác tuyên truyền, vận động phải được đổi mới về nội dung, hình thức và phuơng pháp. Nội dung tuyên truyền phải thiết thực, đáp ứng nhu cầu về thông tin trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nông nghiệp, nông thôn cho nông dân:
Thứ nhất: Công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động cán bộ, hội viên nông dân chấp hành pháp luật phải phù hợp trình độ dân trí, văn hoá dân tộc. Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, giáo dục, vận động thuyết phục, phải thiết thực gắn với lợi ích nông dân. Tùy theo nội dung và tình hình thực tế từng địa phương để lựa chọn hình thức, phương pháp tuyên truyền cho phù hợp.
Thứ hai: Tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên các báo, tạp chí chuyên ngành của Hội Nông dân; giới thiệc các văn bản pháp luật liên quan tới nông dân, nông thôn và các vụ việc tư vấn, hoà giải điển hình trên hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn; phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua sinh hoạt Câu lạc bộ, sinh hoạt chi, tổ Hội Nông dân; tuyên truyền pháp luật bằng hình thức thông tin cổ động, cổ động trực quan, hỗ trợ hoạt động của các đội văn hoá thông tin, phát triển các trạm tin, bảng tin ở các cụm dân cư;
Thứ ba: Lồng ghép hoạt động tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý thông qua các hình thức sinh hoạt văn hoá truyền thống; lồng ghép hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý với các phong trào của Hội như: phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau xoá đói, giảm nghèo, phong trào nông dân thi đua xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn, phong trào nông dân thi đua phát triển văn hoá-xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng;
Thứ tư: Tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí dưới hình thức trợ giúp lưu động; có những hình thức thích hợp tập hợp thắc mắc về pháp luật của nông dân để kịp thời phối hợp giải đáp, tư vấn; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức thích hợp; xây dựng tủ sách pháp luật phục vụ cho công tác truyên truyền của cán bộ cơ sở.
Thứ năm: Tập trung nâng cao kiến thức và kỹ năng tuyên truyền pháp luật cho cán bộ cơ sở, đặc biệt là chú ý đến đội ngũ cốt cán trong tổ chức Hội, người có uy tín, già làng, trưởng bản. . . sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, vì công tác tuyên truyền pháp luật thực hiện chủ yếu là cơ sở, kết quả đạt ở mức độ nào là tuỳ thuộc vào năng lực và trách nhiệm của cán bộ cơ sở.
Minh Hà