Sóc Trăng mở rộng điểm thực hiện Chỉ thị 26
15:51 - 01/06/2011
Để nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành PL cho nông dân, hạn chế khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, HND tỉnh cùng HND các huyện, thành phố đã thống nhất chọn 10 xã để nhân rộng điểm thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ.

        Các xã được chọn mở rộng điểm thực hiện Chỉ thị 26 gồm: xã Long Hưng, xã An Ninh, huyện Mỹ Tú; xã Vĩnh Biên, huyện Ngã Năm; xã Châu Hưng, huyện Thạnh Trị; xã Thới An Hội, huyện Kế Sách; xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung; xã Đại Ngãi, xã Hậu Thạnh, huyện Long Phú; xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên; phường 8 thành phố Sóc Trăng.

          Để chỉ đạo các mô hình điểm, HND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo của tỉnh gồm 7 đ/c; các huyện, thành phố thành lập các ban chỉ đạo có 50 đ/c/9 ban; các xã, phường, thị trấn có 70 đ/c /10 ban. Ban chỉ đạo các cấp đều có kế hoạch và hoạt động chỉ đạo theo chương trình, kế hoạch cụ thể. Tại các mô hình điểm, 10 câu lạc nông dân với PL được xây dựng gồm 300 thành viên tham gia, trong đó có 32 thành viên là các cộng tác viên. Ban chủ nhiệm các câu lạc bộ do chủ tịch HND xã làm chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm là cán bộ tư pháp xã và phó chủ tịch HND xã. Các câu lạc bộ xây dựng kế hoạch, quy chế hoạt động cụ thể. Hàng tháng, các câu lạc bộ triển khai các hoạt động sinh hoạt định kỳ, tập huấn tuyên truyền PL cho nông dân, hòa giải ở cơ sở, tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của nông dân. Hoạt động của câu lạc bộ đều có sự hỗ trợ của ngành Tư pháp địa phương và ban chỉ đạo của xã, huyện, tỉnh.

          Để đáp ứng đúng nhu cầu tuyên truyền PL của nông dân, tại các xã điểm, Ban chỉ đạo đã tiến hành khảo sát mức độ nhận thức PL và nhu cầu tìm hiểu PL của nông dân ở 10 xã, 50 ấp, khóm và 1.000 hộ dân. Qua khảo sát cho thấy, trình độ hiểu biết pháp luật của nông dân còn rất hạn chế, người dân ít được tiếp cận với các dịch vụ pháp lý nên thường xuyên có những hành vi vi phạm pháp luật mà không biết, mong muốn của người nông dân địa phương là được phổ biến những chính sách PL có liên quan trực tiếp đến đời sống nông dân như: Luật đất đai, Luật khiếu nại tố cáo, Luật thủy sản… Sau điều tra khảo sát, ban chỉ đạo của tỉnh đã tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức PL cho ban chỉ đạo các huyện, thành phố; các xã điểm và hội viên, nông dân, thời gian tập huấn mỗi lớp 2 ngày. Nội dung tập huấn gồm: Luật đất đai, Luật khiếu nại tố cáo, Luật tài nguyên môi trường, Luật giao thông đường bộ, Luật thủy sản, Pháp lệnh thực hiện dân chủ cơ sở…

          Nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật cho nông dân hiệu quả, ban chỉ đạo của tỉnh đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho nông dân bằng hình thức sân khấu hóa ở 3 cấp: cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh; thông qua các hội thi ở cơ sở lựa chọn đội dự thi cấp huyện, thành phố, các huyện, thành phố lựa chọn đội dự thi cấp tỉnh. Để tổ chức tốt cuộc thi, tỉnh đã chọn 3 xã, phường trong 10 mô hình điểm làm điểm chỉ đạo hội thi, đó là xã Thới An Hội, huyện Kế Sách; xã Hậu Thạnh, huyện Long Phú, phường 8 thành phố Sóc Trăng. Với những câu hỏi kiến thức pháp luật, xây dựng tiểu phẩm sân khấu tự biên, tự diễn, hái hoa dân chủ…cuộc thi đã trực tiếp đưa kiến thức pháp luật đến người dân một cách sâu rộng, cụ thể được bà con đón nhận, tiếp thu, được chính quyền, các ngành địa phương đánh giá cao.

          Với những kết quả đạt được, các mô hình điểm 26 của Sóc Trăng đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành PL cho nông dân, hạn chế khiếu kiện, giảm đáng kể tình trạng nông dân vi phạm pháp luật, ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội địa phương.

         

          Bảo Khánh

 

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp