Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, Lạng Sơn những năm gần đây đang trở thành trung tâm thương mại lớn của tỉnh và cả nước. Hoà mình vào công cuộc đổi mới đó các cấp Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn đã chủ động, sáng tạo trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đặc biệt là trợ giúp pháp lý đến tận thôn, bản của đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc, có đường biên giới Việt–Trung dài 253 km, 2 cửa khẩu quốc tế (Hữu Nghị, Đồng Đăng), 2 cửa khẩu quốc gia (Chi Ma, Bình Nghi) và 7 cặp chợ biên giới tạo điều kiện cho Lạng Sơn trở thành điểm giao lưu, trung tâm buôn bán thương mại quan trọng của cả nước. Hàng năm có hàng trăm doanh nghiệp tham gia xuất khẩu qua biên giới. Trong điều kiện phát triển như vậy, nhu cầu tìm hiểu, tiếp cận thông tin đặc biệt là thông tin pháp luật của người dân nói chung và của cán bộ hội viên, nông dân nói riêng ngày càng gia tăng. Hội Nông dân Lạng Sơn đã không ngừng đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho bà con để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống đồng thời góp phần giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn
Để tổ chức trợ giúp pháp lý cho nông dân mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút được sự quan tâm của người dân đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thực sự là một thách thức cho các cấp Hội Lạng Sơn. Bởi vậy khi thực hiện trợ giúp pháp lý ngoài các yếu tố như: phải có sự phối hợp chặt chẽ với các Ban, ngành chức năng, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước; phải có được đội ngũ cán bộ Hội nhiệt tình, tâm huyết với công việc và không thể thiếu bước xác định nhu cầu tìm hiểu pháp luật về nội dung, chính sách văn bản pháp luật rất đa dạng tuỳ thuộc vào từng đối tượng và địa bàn cụ thể.
Thực tế cho thấy những quy định của pháp luật, các cơ chế chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn được nhiều người quan tâm nhất. Trước hết đó là: luật đất đai, luật hôn nhân gia đình, luật an toàn giao thông, phòng chống tham nhũng... các chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, về thực hiện dân chủ ở cơ sở, về khiếu nại, tố cáo...
Năm 2009 và 6 tháng đầu năm 2010, Hội đã phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý của Sở Tư pháp, phòng tư pháp các huyện, thành phố trợ giúp pháp lý lưu động cho 1.815cán bộ, hội viên, nông dân. Phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho trên 628.214 lượt hội viên nông dân.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn đã phát huy thế mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua hoạt động của các Câu Lạc bộ nông dân, các tổ hoà giải để đa dạng, phong phú thêm cách thức để đưa pháp luật đến với bà con sống động, dễ hiểu và phù hợp hơn với phong tục, tập quán của từng dân tộc.
Tính đến nay, Hội Nông dân đã thành lập, duy trì và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của 79 "Câu lạc bộ Nông dân"; xây dựng mô hình điểm "Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật" tại 02 xã: xã Hợp Thành và xã Yên Trạch huyện Cao Lộc. Hoạt động của các câu lạc bộ lấy nội dung tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật làm nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo mỗi thành viên của câu lạc bộ là một hạt nhân tiêu biểu về ý thức chấp hành và tuyên truyền giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư. Toàn tỉnh đã có 2.324 tổ hoà giải trên 2.322 thôn, bản, khối phố với tổng số 12.224 hoà giải viên. Hội Nông dân các cấp đã tham gia hoà giải được 360 vụ tranh chấp, khiếu kiện tại cơ sở, góp phần giảm thiểu việc khiếu nại vượt cấp.
Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động, về năng lực cán bộ và hoạt động kiêm nhiệm nhưng với tinh thần, trách nhiệm các cấp Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn đã thu được những kết quả cao và rút ra được một số kinh nghiệm trong hoạt động trợ giúp pháp lý, PBGDPL cho hội viên, nông dân đó là:
- Cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, sự tạo điều kiện của chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở; sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Nông dân với chính quyền các cấp và các ngành chức năng trong việc tổ chức tuyên truyền PBGDPL; trợ giúp pháp lý, hoà giải ở cơ sở tham gia tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân.
- Cần tăng cường công tác phối hợp giữa Hội Nông dân các cấp với phòng chức năng thuộc Sở Tư pháp từ tỉnh đến huyện, thực hiện tốt việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ Hội về công tác tuyên truyền PBGDPL và trợ giúp pháp lý.
- Cần tăng cường tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động cho các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đáp ứng nhu cầu được giải đáp những thắc mắc về pháp luật trong nhân dân.
Bằng các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đặc biệt chú trọng công tác trợ giúp pháp lý lưu động đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên, nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người không có khả năng về kinh tế, phương tiện đi lại, được tiếp cận, giúp đỡ về pháp luật, góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện. Đồng thời, qua trợ giúp pháp lý, cán bộ Hội cũng nắm được những khó khăn, vướng mắc, nhận thức và chấp hành pháp luật, nhu cầu tư vấn của người dân để kịp thời phản ánh với cơ quan chức năng, với chính quyền các cấp có biện pháp khắc phục. Góp phần nâng cao ý thức chủ động , tích cực tìm hiểu pháp luật, tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật của công dân.
Hồng Mai