Thực hiện Tiểu đề án 3: Đáp ứng được mục tiêu, nội dung, ý nghĩa
Vừa qua, tại TƯ Hội, Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng chủ trì họp sơ kết triển khai giai đoạn 1 Tiểu đề án 3 “Huy động sự tham gia của nông dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động chấp hành pháp luật ở nông thôn” thuộc Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số từ 2009-2012” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Sau khi được thành lập, Ban Chỉ đạo Tiểu đề án 3 đã xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động như tập huấn, tuyên truyền, tư vấn pháp luật tại cơ sở; xây dựng mô hình thí điểm và phát động phong trào chấp hành pháp luật tại các địa phương; in ấn tài liệu và phát hành tới các chi, tổ Hội; tổ chức lấy mẫu, phân tích phiếu điều tra tại 14 tỉnh, thành…
Đến nay, Hội ND 5 tỉnh, thành (Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Quảng Nam, Nghệ An) đã xây dựng các mô hình điểm vận động nông dân chấp hành pháp luật. Trong đó, Hội ND Quảng Nam và Nghệ An xây dựng hai mô hình “Vận động nông dân chấp hành pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản” tại xã Bình Hải, huyện Thăng Bình (Quảng Nam); xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc (Nghệ An).
Tại các mô hình này, nông dân được tập huấn kiến thức pháp luật về nuôi trồng, khai thác, bảo tồn nguồn lợi thuỷ sản; cam kết chấp hành pháp luật đánh bắt, nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; được giải quyết những tranh chấp, khiếu nại nếu có liên quan đến nguồn lợi thuỷ sản.
Đối với các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định- Ban Chỉ đạo cũng xây dựng 3 mô hình điểm “Vận động nông dân chấp hành pháp luật về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch”. Tại đây, các tỉnh đã tổ chức 10 buổi tuyên truyền pháp luật và hội nghị đầu bờ cho các thành viên CLB vận động nông dân chấp hành pháp luật, cộng tác viên, tuyên truyền viên về sản xuất nông sản, thực phẩm sạch; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch… Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình cũng phải ký cam kết sản xuất các sản phẩm sạch.
Bên cạnh việc xây dựng 5 mô hình điểm, Tiểu đề án đã tổ chức biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền, phổ biến các luật thuỷ sản, đất đai, bảo vệ phát triển rừng, hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình…Bà Bế Thị Yến, Trưởng Ban Kiểm tra, thành viên Ban Chỉ đạo cho biết, sắp tới Tiểu đề án sẽ cung cấp khoảng 8.000 đĩa DVD phát hành tới 1.000 cơ sở Hội, 6.000 chi Hội, tổ Hội tại các mô hình điểm, khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đông Tây Nam bộ, Đồng bằng Bắc bộ để bà con nâng cao kiến thức về pháp luật. Hiện đã có 5.000 tờ gấp, 10 loại tờ rơi về các nội dung liên quan tới phát triển nông thôn mới, luật thuỷ sản, tố tụng dân sự, bồi thường tái định cư… được chuyển tới tận tay người dân tại một số địa phương.
Xác định rõ trình độ cán bộ sẽ quyết định tới chất lượng phong trào nên Ban Chỉ đạo Tiểu đề án đã tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn cho đội ngũ cán bộ Hội chuyên trách. Từ tháng 2 đến nay, TƯ Hội phối hợp với các bộ, ngành tổ chức 18 lớp tập huấn cho gần 2.000 cán bộ Hội nông dân cơ sở và đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật tại 9 tỉnh, thành Hội. Công tác này trong thời gian tới theo ông Phạm Tiến Nam, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật nông dân (TƯ Hội) sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
Mặc dù kế hoạch thực hiện Tiểu đề án mới chỉ triển khai được 8 tháng, nhưng đã có một số kết quả nhất định. Tại buổi họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng- Trưởng ban Chỉ đạo Tiểu đề án kết luận: “Các hoạt động được triển khai thời gian qua đã đáp ứng được mục tiêu, nội dung và ý nghĩa của Tiểu đề án. Sắp tới, cần tiếp tục xây dựng thêm 6 mô hình điểm tại miền Trung và miền Nam; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khẩu hoá tại các khu vực trong cả nước”. Phó Chủ tịch cũng giao nhiệm vụ cho Trung tâm tư vấn pháp luật nông dân cần điều tra tình hình thực hiện Tiểu đề án tại các tỉnh, thành; nắm bắt khó khăn của từng địa phương khi thực hiện để cùng tháo gỡ
Trình Tú