Điện Biên xây dựng mô hình điểm vận động chấp hành PL ở nông thôn
14:03 - 20/10/2010
Thực hiện Đề án 02 – 212/TTg, từ năm 2006 đến nay, HND tỉnh Điện Biên đã chọn 2 xã: Thanh Luông (huyện Điện Biên) và Mường Mươn (huyện Mường Chà) xây dựng mô hình điểm tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư nông thôn.

Qua khảo sát thực trạng chấp hành pháp luật và nhận thức pháp luật của nông dân ở hơn 400 hộ nông dân của 2 xã, nhìn chung 2 xã đều là xã biên giới có nhiều dân tộc sinh sống trên địa bàn xã, trình độ nhận thức pháp luật của nông dân còn hạn chế, mâu thuẫn trong nội bộ nông dân đều xuất phát từ lý do chung là chưa hiểu biết pháp luật và chưa được giải quyết kịp thời. Mạng lưới cộng tác viên về tuyên truyền vận động chấp hành pháp luật tại cơ sở vừa thiếu lại quá yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong việc tổ chức tuyên truyền vận động nông dân chấp hành pháp luật trong giai đoạn hiện nay.

          Từ kết quả nắm bắt tình hình thực tế, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch chỉ đạo điểm về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân chấp hành pháp luật gồm 5 đ/c do đồng chí chủ tịch Hội Nông dân tỉnh làm trưởng ban. Tỉnh Hội cùng với Hội Nông dân huyện thống nhất với Đảng uỷ và UBND xã thành lập Ban chỉ đạo ở 2 cơ sở điểm, mỗi cơ sở thành lập một ban chỉ đạo gồm 5 đ/c. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, Hội  Nông dân tỉnh đã cử cán bộ có kinh nghiệm phối hợp với Hội Nông dân huyện giúp xã tổ chức thực hiện. Ban chỉ đạo của 2 điểm xã đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong ban chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tuyên truyền, phổ biến vận động nông dân chấp hành pháp luật gắn với thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở, xây dựng bản, làng, xã văn hoá. Phối hợp với Sở tư pháp, Phòng tư pháp tổ chức mở 8 lớp tập huấn tuyên truyền pháp luật cho 456 cán bộ của 2 xã, gồm Ban chấp hành Hội Nông dân xã, chi hội trưởng, trưởng bản, trưởng các đoàn thể xã, các hội viên nông dân làm tuyên truyền viên ở các bản làng, ban chỉ đạo của xã. Nội dung tập huấn đã đi sâu vào các chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn.

Ban chỉ đạo của 2 xã điểm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết hợp vận động cán bộ, hội viên, nông dân chấp hành PL.  Kết quả đến nay trên địa bàn 2 xã làm điểm đã triển khai học tập ở 63 chi hội cho 12.560 lượt hội viên, nông dân tham gia học tập, giúp nông dân nắm bắt được nội dung cơ bản của Bộ luật dân sự, Luật đất đai, Luật tài nguyên môi trường, Luật hôn nhân gia đình, Luật biên giới, Luật khiếu nại tố cáo…Xây dựng 4 Câu lạc bộ nông dân với pháp luật có 286 thành viên tham gia, xây dựng đội ngũ cộng tác viên 63 người trong 63 chi hội,. Ngoài việc tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chi tổ Hội, từ năm 2006 đến nay, Hội tổ chức 4 cuộc thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật”, năm 2007 năm 2008 tổ chức hội thi “Tìm hiểu luật tài nguyên môi trường”, hội thi “Nông dân với an toàn giao thông”... Các hội thi được tổ chức bằng hình thức sân khấu hoá có tác dụng tuyên truyền sâu rộng trong hội viên, nông dân. Thực hiện tốt Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, thể hiện đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, xây dựng bản làng văn hoá đã có 58 bản đăng ký thực hiện. Phối hợp với chính quyền xã thực hiện có hiệu quả công tác tiếp dân, giúp nông dân tháo gỡ các mâu thuẫn, làm tốt công tác tiếp nhận đơn thư khiếu tố của nông dân, củng cố xây dựng các tổ hòa giải, làm tốt công tác hòa giải ngay tại cơ sở. Kết quả đã giải quyết được 26 đơn thư khiếu nại về tranh chấp đất đai, hòa giải 4 vụ mâu thuẫn về hôn nhân và gia đình. Đến nay cơ bản không còn đơn thư tồn đọng và đơn thư vượt cấp, hạn chế các mâu thuẫn trong nội bộ nông dân.

          Qua việc triển khai xây dựng điểm tuyên truyền, vận động nông dân chấp hành luật trong cộng đồng dân cư nông thôn tại Thanh Luông và Mường Mươn, Ban chỉ đạo đã tập hợp được đông đảo nông dân tham gia hưởng ứng, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nông dân được triển khai thuận lợi và có hiệu quả. Phát huy được tính tích cực, chủ động trong nông dân, tạo điều kiện cho nông dân tham gia phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, đời sống nông dân được cải thiện không ngừng, nông dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, an ninh trật tự trên địa bàn được  ổn định. Từ thành công của 2 xã điểm, đến nay Điện Biên nhân rộng được 6 xã điểm và tổ chức tuyên truyền ở 112 cơ sở Hội.

          Để các Câu lạc bộ nông dân với pháp luật tại các mô hình điểm thực hiện Đề án 02-212 hoạt động có hiệu quả, cần tập trung vào một số vấn đề sau:

          - Xây dựng nội dung hoạt động câu lạc bộ nông dân với pháp luật: phải phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, tình hình thực hiện pháp luật, đặc điểm tập quán của người dân; nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các thành viên câu lạc bộ ở địa phương; vì vậy nội dung hoạt động phải phong phú, hấp dẫn: tổ chức các buổi sinh hoạt câu lạc bộ thường xuyên, định kỳ, các buổi nói chuyện, toạ đàm, hội thảo các vấn đề mà nông dân quan tâm; tổ chức sinh hoạt chuyên đề, giao lưu văn hóa, văn nghệ, trao đổi kinh nghiệm, cung cấp thông tin…

          - Hình thức sinh hoạt phải đa dạng, phong phú, hấp dẫn, phù hợp: báo cáo, diễn đàn, tọa đàm, hỏi đáp, diễn giải, lồng ghép các hình thức: báo cáo kết hợp thảo luận; tổ chức hội thi xây dựng tủ sách pháp luật, trao đổi, xem tiểu phẩm văn nghệ có nội dung tuyên truyền pháp luật, lồng ghép với các câu lạc bộ khác: câu lạc bộ dân số, môi trường, khuyến nông, nông dân sản xuất giỏi… để sinh hoạt có hiệu quả.

          - Nội dung sinh hoạt - tập trung: thông qua những văn bản pháp luật mới có liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn, đang có tính bức súc và sát cuộc sống của nông dân; trao đổi kinh nghiệm về tuyên truyền, phổ biến pháp luật; những kết quả phổ biến pháp luật, hoà giải, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nông dân.

          - Xây dựng mạng lưới cộng tác viên và tuyên truyền viên pháp luật cần có năng khiếu, trình độ, hiểu biết về pháp luật và đời sống thực tế của nông dân để phổ biến, hướng dẫn, giải thích, trợ giúp pháp lý cho hội viên, nông dân tại các thôn, bản một cách kịp thời, thường xuyên; đội ngũ cộng tác viên  phải được tham gia các tổ hòa giải và là lực lượng nòng cốt nắm bắt kịp thời những bức súc, nhu cầu của hội viên để phản ánh với cấp trên.

          - Hình thức phổ biến pháp luật trong câu lạc bộ nông dân với PL: nên tập trung vào hình thức gắn sinh hoạt tổ chức Hội với việc phổ biến, giáo dục pháp luật là phù hợp nhất. Ngoài ra còn thông qua các hoạt động tư vấn, hoà giải và tổ chức hội thi tìm hiểu về pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên, nông dân thông qua các loại hình văn hóa, văn nghệ.

 

            Phương Nga

 

 

 

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp