Phù Cát Bình Định: Tổ chức 7 lớp tuyên truyền, PBGDPL
cho trên 983 lượt hội viên, đoàn viên tham gia.
(KNTC) Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn đã chú trọng đổi mới hình thức, triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc thông qua khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật cơ sở; xây dựng quy ước của thôn - khu phố; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức viết hoặc sân khấu hóa Trong đó tiêu biểu như các cuộc thi tìm hiểu về “Luật Giao thông đường bộ”, “Luật Phòng chống ma túy,HIV/AIDS”, Luật phòng, chống bạo lực gia đình…. đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức, hiểu biết và thực thi pháp luật, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, thời gian qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở huyện Phù Cát đã được triển khai với sự tham gia của các cấp, ngành, địa phương với nội dung thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng; các hình thức, phương pháp tuyên truyền ngày càng phong phú, đa dạng và có hiệu quả, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tập trung hướng mạnh về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, với những hình thức ngày càng phong phú, đa dạng; nội dung tuyên truyền chủ yếu đề cập đến các lĩnh vực quan trọng như: Hiến pháp Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Khiếu nại - Tố cáo, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hình sự, Luật giao thông đường bộ, pháp luật về lãnh hải, thuộc vùng biển Việt Nam…
Hiệu quả của công tác tuyên truyền PBGDPLtrong thời gian qua ở huyện Phù Cát: “Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền PBGDPL, nhận thức và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên đáng kể, điều đó được thể hiện trong công tác vận động Nhân dân hiến đất, cây cối, để mở rộng đường giao thông, xây dựng nông thôn mới; hay giải tỏa hành lang an toàn giao thông trên địa bàn thị trấn Ngô Mây thời gian qua, khi được tuyên truyền,vận động trong công tác giải phóng mặt bằng, 100% hộ gia đình, cá nhân có công trình xây dựng vi phạm hành lang an toàn giao thông tự nguyện tháo dỡ, bảo đảm nếp sống văn minh đô thị”.
Sáu tháng đầu năm nay, các tổ chức Hội, đoàn thể, đặc biệt là Hội Nông dân trên địa bàn huyện đã phối hợp với Phòng Tư pháp huyện tổ chức được 7 lớp tuyên truyền, PBGDPL thu hút được sự tham gia trên 983 lượt hội viên, đoàn viên… Đồng thời, treo hàng trăm băng rôn, khẩu hiệu trên các trục đường chính và phát sóng nhiều tin, phóng sự trên sóng Đài huyện, Đài xã; tổ chức nhiều đợt cao điểm tuyên truyền về các chính sách mới được ban hành, cung cấp hàng ngàn bộ tài liệu tuyên truyền pháp luật... đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Thông qua hiệu quả các chương trình tuyên truyền PBGDPL đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân...
Bên cạnh một số kết quả đạt được thì vẫn còn một số ngành, địa phương chưa chủ động trong việc triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; việc tuyên truyền còn mang tính hình thức. Đội ngũ làm công tác phổ biến pháp luật còn thiếu; kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn eo hẹp; nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân còn hạn chế, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật chưa cao, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa
Vì vậy, để nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền PBGDPL trong thời gian tới các cấp, ngành của huyện Phù Cát cần phát huy vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng, vì sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp là nhân tố cơ bản, quyết định sự vững mạnh và chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức, trong đó có công tác giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Những ưu điểm, khuyết điểm trong công tác giáo dục pháp luật phản ánh một cách khách quan năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, trách nhiệm giáo dục, quản lý của các cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ quan, trong đó trước hết phải nói đến trách nhiệm của người đứng đầu.
Mặt khác, phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật một cách sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, để trang bị cho họ kiến thức cơ bản về pháp luật. Trong đó tập trung tuyên truyền Hiến pháp 2013, Luật Đất đai (sửa đổi) và các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến nhiều đối tượng, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách. Đồng thời, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, có phẩm chất chính trị tốt, trình độ chuyên môn vững vàng, có kỹ năng truyền đạt, am hiểu pháp luật và kiến thức xã hội để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, cần tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là giữa cơ quan Tư pháp, các ban, ngành, đoàn thể với chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đây là việc làm cần thiết nhằm bổ sung, tương trợ lẫn nhau trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Cần kết hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các hình thức tuyên truyền, trong đó đẩy mạnh hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là cách nhanh nhất, ít tốn kém nhưng hiệu quả lại rất cao. Bên cạnh tăng cường đưa tin về các văn bản pháp luật mới ban hành thì các ngành với chức năng, nhiệm vụ của mình cần phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng mở chuyên mục riêng về ngành, lĩnh vực mình phụ trách, quản lý để góp phần làm tăng thêm hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước./.