Phát huy vai trò của Hội trong việc tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân ở cở sở
15:02 - 28/06/2018
Trước thực trạng về khiếu nại, tố cáo của công dân trong đó có nông dân ngày càng diễn biến phức tạp, công tác tham gia tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của nông dân luôn được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để phát huy dân chủ, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, hội viên, nông dân.

Ảnh minh họa

Thời gian qua, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật tiếp công dân, Luật Hòa giải ở cơ sở, Pháp lệnh số 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp giữa các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân (trước đây là Chỉ thị 26/TTg), các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã tích cực phối hợp với chính quyền, các bộ, ngành chức năng trong tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của nông dân; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; vận động cán bộ, hội viên, nông dân tuân thủ pháp luật và đẩy mạnh tham gia  thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn trợ giúp pháp lý của Hội Nông dân các cấp đã có nhiều chuyển biến và đạt kết quả tích cực. Các cấp Hội đã áp dụng nhiều hình thức phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân như qua các buổi nói chuyện chuyên đề, qua sinh hoạt chi tổ Hội, sinh hoạt Câu lạc bộ nông dân với pháp luật, phát hành tờ rơi, tờ gấp, tuyên truyền pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh địa phương, qua công tác hoà giải, qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, bản tin công tác Hội… Nội dung tuyên truyền, phổ biến thường tập trung vào những vấn đề pháp luật có liên quan trực tiếp đến nội dung khiếu kiện và pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Các quy định pháp luật được biên soạn dưới dạng hỏi đáp, tình huống, nhiều nơi biên dịch ra tiếng dân tộc, qua đó đã giúp cán bộ, hội viên, nông dân dễ đọc, dễ hiểu và dễ vận dụng. Trong những năm qua, Trung ương Hội Nông dân phối hợp với các đơn vị chức năng biên soạn và phát hành Sổ tay phổ biến pháp luật cho nông dân từ tập 1đến tập 16 với nhiều nội dung pháp luật về dân sự, hình sự, đất đai; 35.000 tờ gấp tuyên truyền pháp luật về khiếu nại, tố cáo, chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư, đào tạo nghề cho nông dân khi bị thu hồi đất.

Công tác tư vấn pháp luật được đẩy mạnh, từng bước xây dựng và hình thành hệ thống tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý theo Nghị định 77/NĐ-CP của Chính phủ về tư vấn pháp luật. Trung ương Hội thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật nông dân, các tỉnh Hưng Yên, Quảng Nam, Lâm Đồng, An Giang, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật. Ở cấp xã, trong 2 năm đã thành lập mới 295 Câu lạc bộ nông dân với pháp luật. duy trì sinh hoạt thường xuyên cùng với các mô hình điểm thực hiện Quyết định 81của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên tại thôn ấp, bản, vừa tham gia thành viên Câu lạc bộ nông dân với pháp luật, vừa là thành viên các Tổ hoà giải, là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và chấp hành pháp luật ở cộng đồng. Đồng thời là cộng tác viên nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên, nông dân, thành viên cốt cán trong các tổ hoà giải tại các thôn, ấp, bản làng góp phần giữ gìn an ninh chính trị ở nông thôn. Đây là một kênh thông tin giúp Hội nhận và phản ánh kịp thời với Đảng và Nhà nước về tình hình nông dân, nông nghiệp, nông thôn.

Từ năm 2016 đến nay, các cấp Hội đã tổ chức được 6.122 lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho 479. 962 lượt cán bộ, hội viên, nông dân; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức được 380.567 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hơn 25.900.000 lượt hội viên, nông dân. Từng bước giúp hội viên, nông dân hiểu và thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hạn chế khiếu kiện đông người, vượt cấp.   

Hội Nông dân các cấp đã lấy công  tác hoà giải tại cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm trong tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Hội Nông dân phối hợp với ngành Tư pháp tập trung chỉ đạo củng cố tổ hoà giải cơ sở, tăng cường số lượng hoà giải viên là các cán bộ chi, tổ Hội, hoặc các thành viên nòng cốt của Câu lạc bộ “nông dân với pháp luật” tại các thôn, ấp để trực tiếp hoà giải ngay tại cơ sở các mâu thuẫn mới hình thành.

Các cấp Hội phát huy thế mạnh vừa rộng khắp, vừa gần gũi sâu sát, có uy tín với nông dân. Trên cơ sở đó, kịp thời phát hiện mâu thuẫn mới phát sinh, tâm lý của từng đối tượng để có hình thức hoà giải phù hợp. Đồng thời kiên trì vận động, thuyết phục với nhiều phương pháp hoà giải linh hoạt như: dựa trên tình làng nghĩa xóm, anh em, thân tộc; qua đối thoại trực tiếp; qua sinh hoạt chi, tổ Hội; qua người có uy tín với đối tượng và phối hợp với chính quyền, các đoàn thể để tổ chức hoà giải. Trong đó tập trung hoà giải tại chi, tổ Hội, kịp thời giải quyết mâu thuẫn ngay tại thôn, ấp, bản làng. Từ năm 2016 đến nay, Hội Nông dân các cấp đã trực tiếp hoà giải thành 32.683  vụ việc góp phần  bảo đảm trật tự xã hội ở nông thôn, vừa nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, vừa giữ được tình làng, nghĩa xóm, tăng cường khối đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Từ đó, kết hợp giữa công tác vận động thuyết phục của Hội với biện pháp hành chính của chính quyền, chú trọng thực hiện hoà giải trong và sau khiếu kiện. Nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp Hội vừa tham gia cùng chính quyền giải quyết, vừa kiên trì hoà giải đạt hiệu quả.
 
Đức Trọng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp