Thanh Hóa: Phổ biến, giáo dục pháp luật cho 192.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân
(KNTC)- Sáu tháng đầu năm, Hội ND tỉnh đã ban hành các kế hoạch hướng dẫn, chỉ đạo Hội ND các cấp thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân; công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền và tư vấn pháp luật, hòa giải cơ sở.
Các cấp Hội tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, Hội đồng phối hợp phổ biến pháp luật cùng cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân; thực hiện và giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chú trọng tuyên truyền về: Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Thủy sản, Luật khiếu nại. Luật tố cáo, Luật Bảo vệ môi trường, Luật phổ biến giáo dục pháp luật, các Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh.
Đồng thời, các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật cho 192.000 lượt người; vận động hội viên, nông dân xây dựng trên 1.250 tủ sách pháp luật tại các chi Hội, nhà văn hóa thôn. Tỉnh Hội đã cấp phát 600 cuốn sổ tay phổ biến pháp luật cho nông dân và hơn 7.000 tờ rơi hỏi đáp về kiến thức pháp luật có liên quan đến nông dân do Trung ương Hội, tỉnh Hội biên soạn.
Các cấp Hội thành lập và duy trì sinh hoạt Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” với nhiều nội dung phong phú, thiết thực, chú trọng tuyên truyền: Các Bộ luật, luật và Nghị định của Chính phủ, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên, nông dân. Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hội ND tỉnh phối hợp với cộng tác viên là cán bộ Hội các cấp có kinh nghiệm và có trình độ năng lực am hiểu pháp luật để tổ chức tư vấn trực tiếp và trợ giúp pháp lý cho nông dân ngay tại cơ sở.
Các cấp Hội thường xuyên phối hợp với lực lượng Công án, Ban chỉ đạo 138 cùng cấp, các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, hội viên, nông dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục phòng ngừa với phát hiện tố giác tội phạm, nhận cảm hóa các đối tượng thuộc diện quản lý, qua đó góp phần ổn định an ninh trật tự, chính trị xã hội ở nông thôn.